Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Cân nhắc lại việc tính tỷ lệ hưởng lương hưu

Bài: GIA NGUYỄN - Ảnh: QUỐC TUẤN 23/11/2023 04:00

Để khuyến khích người lao động ở lại với hệ thống an sinh lâu dài, góp ý Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, cần cân nhắc lại việc tính tỷ lệ hưởng lương hưu…

>> Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Giải pháp nào hạn chế tình trạng rút BHXH một lần?

Theo đó, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định, khi bị suy giảm khả năng lao động và đáp ứng một số điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), người lao động có thể được hưởng chế độ hưu trí sớm, tuy nhiên, cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định, người lao động sẽ bị giảm tỷ lệ lương hưu là 2%. Đây là quy định được kế thừa từ Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định, người lao động sẽ bị giảm tỷ lệ lương hưu là 2% - Ảnh minh họa

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định, cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định, người lao động sẽ bị giảm tỷ lệ lương hưu là 2% - Ảnh minh họa

Xoay quanh nội dung đã nêu, nhiều ý kiến cho rằng, quy định để người lao động nghỉ hưu trước tuổi (từ 5-10 năm) là chính sách nhân văn nhằm giúp các trường hợp bị suy giảm sức khỏe, làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sớm ổn định cuộc sống nhờ chế độ hưu trí. Thế nhưng, đi kèm với việc được hưởng chế độ hưu là lương hưu bị giảm 2%/năm khi nghỉ hưu sớm là không hợp lý và không đúng với tinh thần của chính sách.

Bởi, bản thân người lao động không muốn nghỉ hưu sớm vì nếu so sánh giữa lương hưu và thu nhập thực tế của người lao động trước khi hưởng hưu thì có khoảng cách khá xa. Tuy nhiên, vì điều kiện sức khỏe hoặc điều kiện làm việc không cho phép buộc họ phải hướng đến việc nghỉ hưu sớm và khi đó lương hưu có thể là nguồn thu duy nhất của họ.

Nhìn nhận về vấn đề đã nêu, ông Tạ Văn Dưỡng - Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội cho rằng, việc khấu trừ tỷ lệ hưởng 2% khi lao động nghỉ hưu sớm khiến người tham gia thấy thiệt thòi. Trong khi đó mỗi năm đóng vượt khung lại chỉ được trợ cấp 0,5 lần bình quân tiền lương tính đóng. Đây là nghịch lý khiến nhiều lao động dù thấy bất lợi, vẫn chọn “chốt sổ” về hưu sớm chứ không tha thiết ở lại hệ thống.

>> Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Cân nhắc tỷ lệ đóng BHXH

góp ý Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, cần cân nhắc việc tính lại tỷ lệ hưởng lương hưu - Ảnh minh họa

Góp ý Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, cần cân nhắc lại việc tính tỷ lệ hưởng lương hưu - Ảnh minh họa

Theo ông Dưỡng, “được về hưu sớm” vẫn là trăn trở lớn nhất của lao động trực tiếp sản xuất. Tăng tuổi nghỉ hưu được quy định trong Bộ luật Lao động, song Luật Bảo hiểm xã hội vẫn có thể điều chỉnh về tuổi hưởng, điều kiện hưởng và cách tính lương hưu vì gắn với chế độ hưu trí, an sinh, chứ không nặng về quan hệ lao động.

“Tuổi nghỉ hưu tăng lên 60-62 trong khi công nhân trực tiếp sản xuất khó bám trụ nhà máy ở tuổi 45-50… Nhiều người rời nhà máy, lo chạy ăn từng bữa chứ đừng nói là tiếp tục tham gia BHXH dù là tự nguyện. Lao động khi ấy thường chọn rút BHXH một lần chứ không chờ hưu trí”, ông Dưỡng chia sẻ.

Từ thực tế đã nêu, vị chuyên gia này kiến nghị, Luật sửa đổi có thể tính tới phương án hoán đổi thời gian đóng vượt khung cho số năm còn thiếu với trường hợp nghỉ hưu trước tuổi. Điều kiện ràng buộc là thời gian hoán đổi không quá 5 năm, chứ không tính cơ học đóng vượt khung 10 năm thì được quy đổi nghỉ hưu sớm 10 năm. Bởi, thực tế cho thấy nhiều lao động đóng BHXH gần 40 năm, đã đủ thời gian hưởng tối đa 75% nhưng vẫn chưa đủ tuổi nghỉ hưu nên rất nản.

Ngoài ra, với những quỹ ngắn hạn như ốm đau thai sản, tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp cần mở rộng người hưởng, tăng mức hưởng, giảm thủ tục hành chính để lao động dễ tiếp cận.

“Sửa luật để tăng tính hấp dẫn, vì quyền lợi của lao động thì phải cho họ thấy rõ cái lợi đó, tự họ cân nhắc ở lại lâu dài với hệ thống”, ông Dưỡng nêu quan điểm.

Đồng quan điểm đã nêu, thông tin với báo chí, ông Nguyễn Đình Cường - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng, quy định trừ 2% cho mỗi năm người lao động nghỉ hưu trước tuổi là không hợp lý và gây thiệt thòi cho người lao động khi tỷ lệ hưởng thấp hơn tỷ lệ thực đóng.

Theo ông Cường, trên thực tế người đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi ở các ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm không nhiều so với mặt bằng chung nên cơ quan soạn thảo Luật cần xem xét để người lao động đủ tuổi nghỉ hưu sớm theo quy định và có thời gian đóng BHXH trên 20 năm được quyền về hưu, đồng thời mỗi năm về hưu sớm sẽ bị trừ đi không quá 1%.

Liên quan đến vấn đề này, không ít ý kiến bày tỏ, một trong những giải pháp hạn chế người lao động rút BHXH một lần là tăng tính hấp dẫn của chế độ hưu trí, tuy nhiên, trong Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), ngoài tăng tuổi nghỉ hưu, giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm thì chưa có sự cải thiện đáng kể về quyền lợi hưu trí cho người lao động. Do vậy, việc xem xét giảm hoặc bỏ việc trừ tỷ lệ khi người lao động nghỉ hưu sớm; xem xét cho người lao động quy đổi số năm đóng dư để hưởng hưu sớm cũng là giải pháp để giữ người lao động ở lại hệ thống an sinh lâu dài.

Có thể bạn quan tâm

  • Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Giải pháp nào hạn chế tình trạng rút BHXH một lần?

    Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Giải pháp nào hạn chế tình trạng rút BHXH một lần?

    03:30, 22/11/2023

  • Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Cân nhắc tỷ lệ đóng BHXH

    Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Cân nhắc tỷ lệ đóng BHXH

    04:00, 26/10/2023

  • Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Không nên quy định cho rút hết BHXH một lần

    Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Không nên quy định cho rút hết BHXH một lần

    03:30, 14/10/2023

  • Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Cần làm rõ hành vi trốn đóng BHXH

    Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Cần làm rõ hành vi trốn đóng BHXH

    03:30, 16/07/2023

  • Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Đề nghị giữ nguyên quy định về tuổi nghỉ hưu

    Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Đề nghị giữ nguyên quy định về tuổi nghỉ hưu

    20:38, 21/06/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Cân nhắc lại việc tính tỷ lệ hưởng lương hưu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO