Sửa Luật Công chứng: Cần phân biệt rõ độ tuổi bổ nhiệm và độ tuổi hành nghề

GIA NGUYỄN 21/05/2024 04:00

Để đảm bảo tính minh bạch, khả thi, góp ý Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, quy định được đề xuất cần làm rõ độ tuổi bổ nhiệm và độ tuổi hành nghề...

>> Sửa Luật Công chứng: Cân nhắc quy định về công chứng ngoài trụ sở

Theo đó, liên quan đến quy định về hành nghề công chứng, để nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp trong hoạt động công chứng, Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) bổ sung quy định về độ tuổi hành nghề của công chứng viên là đến 70 tuổi (Điều 8, Điều 14, Điều 15); đồng thời để bảo đảm tính ổn định của hoạt động công chứng thì Dự thảo Luật (sửa đổi) cũng quy định chuyển tiếp đối với công chứng viên trên 70 tuổi đang hành nghề công chứng được tiếp tục hành nghề trong thời hạn tối đa là 02 năm kể từ ngày luật có hiệu lực thi hành.

liên quan đến quy định về hành nghề công chứng, để nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp trong hoạt động công chứng, Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) bổ sung quy định về độ tuổi hành nghề của công chứng viên - Ảnh minh họa: ITN

Liên quan đến quy định về hành nghề công chứng, để nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp trong hoạt động công chứng, Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) bổ sung quy định về độ tuổi hành nghề của công chứng viên - Ảnh minh họa: ITN

Nhìn nhận về vấn đề đã nêu, nhiều ý kiến cho rằng, về độ tuổi hành nghề của công chứng viên phải khả thi, phù hợp với thực tiễn; đồng thời cần phân biệt tiêu chuẩn về độ tuổi khi xem xét, bổ nhiệm với độ tuổi hành nghề công chứng của công chứng viên.

Theo TS. Lại Thị Bích Ngà - Phó Trưởng Khoa đào tạo Công chứng viên và các chức danh khác, Học viện Tư pháp, Bộ Tư pháp, việc Dự thảo đưa ra quy định về độ tuổi tối đa là một trong những tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên là một tiêu chuẩn phù hợp về mặt khoa học và thực tiễn hành nghề công chứng nói riêng và thực tiễn hành nghề luật nói chung. Tuy nhiên, việc ghi nhận điều kiện về độ tuổi trong Dự thảo hiện nay vẫn còn điểm chưa hợp lý.

Vì vậy, góp ý nội dung này, TS. Lại Thị Bích Ngà cho rằng, Dự thảo cần quy định cụ thể về việc công chứng viên chỉ được hành nghề công chứng đến đủ 70 tuổi, còn độ tuổi bổ nhiệm công chứng viên cần đảm bảo sau khi được bổ nhiệm, thời gian hành nghề còn lại của công chứng viên phải còn ít nhất 01 năm. Việc quy định về độ tuổi bổ nhiệm của Dự thảo có thể dẫn đến tình trạng công chứng viên sau khi được bổ nhiệm là hết thời gian hành nghề.

>> Sửa Luật Công chứng: Cần thiết xây dựng khung pháp lý cho công chứng điện tử

nhiều ý kiến cho rằng, về độ tuổi hành nghề của công chứng viên phải khả thi, phù hợp với thực tiễn - Ảnh minh họa: ITN

Nhiều ý kiến cho rằng, về độ tuổi hành nghề của công chứng viên phải khả thi, phù hợp với thực tiễn - Ảnh minh họa: ITN

Còn theo, bà Hoàng Gia Linh - công chứng viên Văn phòng Công chứng Hoàng Gia Linh, TP. Hà Nội, cần phân biệt tiêu chuẩn về độ tuổi khi xem xét, bổ nhiệm với độ tuổi hành nghề công chứng của công chứng viên. Bởi, về hình thức, quy định này là điểm mới tại Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) hiện nay nhưng cũng không phải lần đầu tiên được đề cập.

“Trước đây, khi Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Công chứng năm 2006 một số ý kiến của cá nhân, tổ chức có liên quan đến hoạt động công chứng cũng đã kiến nghị”, bà Linh chia sẻ.

Đồng thời cho rằng, trong mối tương quan so sánh về độ tuổi lao động nói chung tại Bộ luật Lao động năm 2019 “Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035” (khoản 2 Điều 169) và hoạt động hành nghề cùng độ tuổi của Thừa phát lại thì một trong các tiêu chuẩn bổ nhiệm Thừa phát lại tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 80/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại cũng giới hạn công dân Việt Nam “không quá 65 tuổi” .

Hoạt động hành nghề công chứng hay nghề công chứng là nghề có độ rủi ro cao (buộc phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp), trong khi đó, công chứng viên cao tuổi hành nghề có thể gặp nhiều khó khăn hơn từ khâu tiếp nhận, soạn thảo cũng như đối chiếu giấy tờ… điều này ảnh hưởng đến chất lượng của văn bản công chứng trước thực trạng giả mạo giấy tờ và/hoặc giả mạo người yêu cầu công chứng ngày càng có xu hướng tăng cao.

Tiếp đến, theo Luật Người cao tuổi, 60 tuổi được coi là người cao tuổi (điểm b khoản 1 Điều 127 Luật Người cao tuổi năm 2009). Tại thời điểm năm 2024, theo website của Sở Tư pháp TP. Hà Nội thì công chứng viên cao tuổi nhất sinh năm 1934, nghĩa là hiện nay đã 90 tuổi. Thực tiễn áp dụng pháp luật, người cao tuổi thường khó khăn trong đọc, viết nên có thể có người làm chứng, vì vậy, việc hạn chế độ tuổi làm việc của công chứng viên là cần thiết.

Từ những phân tích đã nêu, vị này kiến nghị, sửa đổi, bổ sung hình thức hành nghề của công chứng viên như sau: Hành nghề công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng thực hiện việc công chứng theo quy định của luật này và luật khác có liên quan; độ tuổi hành nghề của công chứng viên không quá 70 tuổi.

Bên cạnh đó, từ sự phân biệt tiêu chuẩn về độ tuổi khi xem xét, bổ nhiệm với độ tuổi hành nghề của công chứng viên cũng như quy định về độ tuổi hành nghề của Thừa phát lại hay Luật Người cao tuổi năm 2009, Bộ luật Lao động năm 2019… vị này cũng kiến nghị sửa đổi khoản 5 Điều 8 Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) từ “Không quá 70 tuổi và bảo đảm sức khỏe để hành nghề công chứng” thành “Không quá 65 tuổi và bảo đảm sức khỏe để hành nghề công chứng”.

Được biết, Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) dự kiến gồm 10 Chương, 79 Điều, được xây dựng trên cơ sở giữ nguyên 9 Điều, sửa đổi 61 Điều, giảm bớt 11 Điều và bổ sung 9 Điều mới trong tổng số 81 Điều của Luật Công chứng năm 2014. Và theo Chương trình xây dựng luật năm 2024, Dự án luật này sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7 tới đây.

Có thể bạn quan tâm

  • Sửa Luật Công chứng: Cân nhắc quy định về công chứng ngoài trụ sở

    Sửa Luật Công chứng: Cân nhắc quy định về công chứng ngoài trụ sở

    04:00, 22/04/2024

  • Sửa Luật Công chứng: Cần thiết xây dựng khung pháp lý cho công chứng điện tử

    Sửa Luật Công chứng: Cần thiết xây dựng khung pháp lý cho công chứng điện tử

    03:30, 18/03/2024

  • Sửa Luật Công chứng: Cân nhắc độ tuổi hành nghề của công chứng viên

    Sửa Luật Công chứng: Cân nhắc độ tuổi hành nghề của công chứng viên

    03:30, 14/03/2024

  • Sửa Luật Công chứng: Không nên hạn chế sự phát triển của Văn phòng công chứng

    Sửa Luật Công chứng: Không nên hạn chế sự phát triển của Văn phòng công chứng

    03:00, 19/11/2023

  • Rà soát pháp luật: Bất cập Luật Công chứng 2014

    Rà soát pháp luật: Bất cập Luật Công chứng 2014

    04:20, 13/09/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sửa Luật Công chứng: Cần phân biệt rõ độ tuổi bổ nhiệm và độ tuổi hành nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO