Sửa Luật Công chứng: Cân nhắc quy định về công chứng ngoài trụ sở

GIA NGUYỄN 22/04/2024 04:00

Góp ý Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc lại quy định về công chứng ngoài trụ sở được đề xuất…

>> Sửa Luật Công chứng: Cần thiết xây dựng khung pháp lý cho công chứng điện tử

Theo đó, so với Luật Công chứng hiện hành, Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) đã bỏ quy định cho phép công chứng ngoài trụ sở vì “có lý do chính đáng khác” và quy định chỉ được công chứng ngoài trụ sở trong một số trường hợp cụ thể đã được liệt kê rõ.

so với Luật Công chứng hiện hành, Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) đã bỏ quy định cho phép công chứng ngoài trụ sở - Ảnh minh họa: ITN

So với Luật Công chứng hiện hành, Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) đã bỏ quy định cho phép công chứng ngoài trụ sở - Ảnh minh họa: ITN

Cụ thể, Điều 44 Dự thảo Luật (sửa đổi) quy định, có thể được thực hiện công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng nếu người yêu cầu công chứng thuộc một trong sáu trường hợp: Không thể đi lại được vì lý do sức khỏe; Đang điều trị nội trú hoặc bị cách ly theo chỉ định của cơ sở y tế; Đang bị tạm giữ, tạm giam; Đang thi hành án phạt tù; Đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính; Đang thực hiện các nhiệm vụ, công việc đặc thù mà không thể đến trụ sở tổ chức hành nghề công chứng.

Lý giải cho đề xuất đã nêu, cơ quan soạn thảo cho biết, việc quy định như vậy là bảo đảm nguyên tắc của công chứng La tinh và truyền thống của công chứng Việt Nam là công chứng trực tiếp tại trụ sở của Tổ chức hành nghề công chứng. Bên cạnh đó, hoạt động công chứng là hoạt động bổ trợ tư pháp chứ không phải kinh doanh dịch vụ thông thường do đó cần bảo đảm tính nghiêm túc…

Xoay quanh nội dung này, góp ý Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), không ít ý kiến cho rằng, đề xuất của cơ quan soạn thảo là chưa phù hợp, cần được cân nhắc, xem xét lại.

>> Sửa Luật Công chứng: Cân nhắc độ tuổi hành nghề của công chứng viên

Nhiều ý kiến cho rằng, quy định về công chứng ngoài trụ sở cần được cân nhắc, xem xét lại - Ảnh minh họa: ITN

Nhiều ý kiến cho rằng, quy định về công chứng ngoài trụ sở cần được cân nhắc, xem xét lại - Ảnh minh họa: ITN

Theo Luật sư Trương Ngọc Liêu – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, điều này là chưa thật sự thuyết phục. Bởi lẽ, tại khoản 1 Điều 44 Luật Công chứng 2014, cũng như Dự thảo đều thống nhất quy định “Việc công chứng phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này”. Quy định này chính là thể hiện việc công chứng về nguyên tắc phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng. Các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 44 chính là những “ngoại lệ”, những “trường hợp thực sự đặc biệt”.

Do đó, quy định theo phương pháp vừa liệt kê, vừa quy định “mở” như Luật hiện hành hay quy định theo kiểu liệt kê “đóng” như Dự thảo, đều không làm thay đổi nguyên tắc việc công chứng phải được thực hiện tại trụ sở, trừ những trường hợp ngoại lệ.

Cùng theo vị Luật sư này, vốn dĩ hiện nay hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh đối với hoạt động công chứng đều có những quy định “điều chỉnh riêng” đối với hoạt động công chứng, với tính chất là hoạt động bổ trợ tư pháp, chứ không phải kinh doanh dịch vụ thông thường.

Việc này thể hiện rất rõ từ các quy định liên quan đến việc đào tạo, bổ nhiệm công chứng viên, việc thành lập, hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng. Ví dụ: Phải đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp ở địa phương nơi đã ra quyết định cho phép thành lập thay vì Sở Kế hoạch và Đầu tư như đối với các doanh nghiệp kinh doanh thông thường. Đó là chưa kể đến việc quản lý, giám sát hết sức chặt chẽ, hết sức đặc thù trong quá trình thành lập, hoạt động đối với loại hình này.

“Do đó, lý do cần bảo đảm tính nghiêm túc do hoạt động công chứng là hoạt động bổ trợ tư pháp, dẫn đến bỏ quy định “có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng” là chưa thuyết phục”, vị Luật sư này bày tỏ.

Đồng quan điểm đã nêu, một số ý kiến cũng cho rằng, trong giao dịch dân sự, mục đích của công chứng là đảm bảo an toàn pháp lý cho các bên khi tham gia giao dịch dân sự, phòng ngừa tranh chấp. Do đó, công chứng tại trụ sở hay ngoài trụ sở, không quan trọng, điều quan trọng là làm sao đảm bảo được tính xác thực, tính hợp pháp của giao dịch dân sự, để phòng ngừa tranh chấp. Muốn vậy thì công chứng viên cần có trình độ, chuyên môn thật sự, có đạo đức nghề nghiệp.

Khi đó, cho dù công chứng tại trụ sở hay ngoài trụ sở thì công chứng viên cũng có thể sử dụng kiến thức và các kỹ năng của mình (hỏi để xác định được yêu cầu công chứng, năng lực hành vi dân sự; nhận diện chữ viết, chữ ký, con dấu,...) vào việc công chứng giao dịch dân sự, nhằm đảo bảo tính xác thực và tính hợp pháp của giao dịch dân sự.

Đồng thời cho rằng, để thuận tiện cho người dân trong công việc, Dự thảo Luật (sửa đổi) nên theo hướng mở rộng thêm các trường hợp được công chứng ngoài trụ sở.

Có thể bạn quan tâm

  • Sửa Luật Công chứng: Cần thiết xây dựng khung pháp lý cho công chứng điện tử

    Sửa Luật Công chứng: Cần thiết xây dựng khung pháp lý cho công chứng điện tử

    03:30, 18/03/2024

  • Sửa Luật Công chứng: Cân nhắc độ tuổi hành nghề của công chứng viên

    Sửa Luật Công chứng: Cân nhắc độ tuổi hành nghề của công chứng viên

    03:30, 14/03/2024

  • Sửa Luật Công chứng: Không nên hạn chế sự phát triển của Văn phòng công chứng

    Sửa Luật Công chứng: Không nên hạn chế sự phát triển của Văn phòng công chứng

    03:00, 19/11/2023

  • Rà soát pháp luật: Bất cập Luật Công chứng 2014

    Rà soát pháp luật: Bất cập Luật Công chứng 2014

    04:20, 13/09/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sửa Luật Công chứng: Cân nhắc quy định về công chứng ngoài trụ sở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO