Sửa Luật Đất đai: Cần làm rõ các trường hợp về thu hồi đất

Bài & Ảnh: GIA NGUYỄN 05/11/2023 03:30

Liên quan đến thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, cần làm rõ các trường hợp về thu hồi đất…

>> Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua sẽ tạo đà cho phát triển kinh tế-xã hội

Theo đó, mặc dù đã có nhiều tiếp thu, chỉnh lý mang tính tích cực, tuy nhiên, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn còn đó nhiều băn khoăn, đặc biệt là vấn đề thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Trong đó, không ít ý kiến cho rằng, quy định tại điều 79, dù đã liệt kê 31 trường hợp cụ thể nhưng có thể vẫn chưa bao quát hết. Quy định như vậy chưa thể giải quyết triệt để một trong những bất cập lớn nhất đang đặt ra là: Khi nhà nước thu hồi đất, người có đất được bồi thường theo bảng giá đất do Nhà nước ban hành, trong khi các doanh nghiệp và người có đất thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án thì giá đất thường cao hơn.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 16 Chương và 265 Điều - Ảnh minh họa

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 16 Chương và 265 Điều - Ảnh minh họa

Vì vậy, góp ý về quy định đã nêu, đại biểu Mai Thị Phương Hoa – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định đề nghị, làm rõ các trường hợp thu hồi đất và những cơ quan có thẩm quyền quyết định. Đồng thời cho rằng, trường hợp chưa làm rõ được thì thì sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung sau theo thủ tục rút gọn.

“Cần thiết phải tiếp tục rà soát các khoản 1-31 Điều 79 của Dự thảo Luật (sửa đổi)”, vị đại biểu này đề nghị.

Đồng quan điểm đã nêu, đại biểu Trần Văn Tuấn – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang cũng nhận định, Điều 79 quy định về các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đã liệt kê 31 trường hợp cụ thể, tuy nhiên, việc liệt kê các trường hợp cụ thể như vậy có thể sẽ chưa bao quát hết, và chưa giải quyết triệt để được vấn đề.

>>Sửa Luật Đất đai: Còn nhiều ý kiến về hành chính đất đai và tài chính đất đai  

Góp ý Dự thảo Luật (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, cần làm rõ các trường hợp và thẩm quyền thu hồi đất - Ảnh minh họa

Góp ý Dự thảo Luật (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, cần làm rõ các trường hợp và thẩm quyền thu hồi đất - Ảnh minh họa

Từ đó, vị đại biểu này đề xuất Quốc hội xem xét chỉnh sửa, bổ sung điều chỉnh các điều khoản liên quan trong Dự thảo luật theo hướng Nhà nước thu hồi đất đối với các trường hợp thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội, nhất là thu hồi để chuyển đổi mục đích sử dụng thực hiện dự án.

Liên quan đến vấn đề đã nêu, nhiều ý kiến cho rằng, Nghị quyết 18-NQ/TW nêu ra yêu cầu bảo đảm nguyên tắc thỏa thuận trong thu hồi đất, do đó, cần làm rõ khi nào thỏa thuận và thỏa thuận ra sao. Đặc biệt, cần phân biệt đất thu hồi cho dự án nhà ở thương mại, nếu là đất ở hai bên sẽ thỏa thuận, nhưng nếu là đất nông nghiệp thì Nhà nước đứng ra thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và chuyển cho doanh nghiệp thông qua đấu giá. Đối với đất nông nghiệp để chuyển cho dự án sản xuất nông nghiệp thì thực hiện thỏa thuận.

Bên cạnh đó, một trong những mục tiêu quan trọng nhất là nhằm phát huy nguồn lực đất đai và nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển hạ tầng, kinh tế - xã hội. Các khoản tại Điều 79 đều là lợi ích công, nhưng quan trọng nhất là phải phát huy được nguồn lực của đất đai. Để đất đai trở thành sức mạnh của nền kinh tế thì phải cho phép thu hồi đối với các dự án, trong đó, phải có quy định cụ thể về quy mô, tính chất của dự án.

Cùng với các nội dung đã nêu, góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), không ít ý kiến cũng cho rằng, cần rà soát kỹ Dự thảo Luật (sửa đổi) để tránh sự chồng chéo với các luật hiện hành.

Theo đại biểu Trần Thị Vân – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh, quy hoạch về sử dụng đất quốc gia, các quy định về căn cứ lập quy hoạch sử dụng đất, căn cứ vào nội dung, kế hoạch đất quốc gia được quy định tại Điều 65 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), trong khi đó, nội dung quy hoạch sử dụng đất quốc gia lại được quy định tại Điều 24 Luật Quy hoạch. Như vậy, nếu giữ nguyên như Dự thảo, sau khi ban hành việc triển khai thực hiện các quy định pháp luật sẽ bị xé lẻ, manh mún. Đơn vị lập quy hoạch sử dụng đất phải sử dụng cùng một lúc là hai luật.

Được biết, ngoài những tồn tại, bất cập đã được đưa ra, đến thời điểm hiện nay, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) còn 21 vấn đề lớn Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang trình các phương án để báo cáo Quốc hội cho ý kiến. Đặc biệt, nhiều ý kiến cũng nhìn nhận, đây là luật khó, phức tạp, vì vậy, cần phải có thời gian để nghiên cứu kỹ lưỡng hơn, nếu muốn thông qua tại kỳ họp lần này.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 16 Chương và 265 Điều, so với Dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Dự thảo lần này đã bỏ 4 Điều, bổ sung 6 Điều và sửa đổi 229 Điều.

Có thể bạn quan tâm

  • Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua sẽ tạo đà cho phát triển kinh tế-xã hội

    Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua sẽ tạo đà cho phát triển kinh tế-xã hội

    17:00, 03/11/2023

  • Sửa Luật Đất đai: Còn nhiều ý kiến về hành chính đất đai và tài chính đất đaip/ 

    Sửa Luật Đất đai: Còn nhiều ý kiến về hành chính đất đai và tài chính đất đai  

    04:00, 03/11/2023

  • Luật Đất đai sửa đổi: Tránh “đứt gãy” trong thu hồi đất

    Luật Đất đai sửa đổi: Tránh “đứt gãy” trong thu hồi đất

    01:00, 03/11/2023

  • Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Điều 128 đang bất cập

    Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Điều 128 đang bất cập

    00:10, 03/11/2023

  • Luật Đất đai sửa đổi: Bỏ yêu cầu có “đất ở” mới được làm nhà ở thương mại

    Luật Đất đai sửa đổi: Bỏ yêu cầu có “đất ở” mới được làm nhà ở thương mại

    15:50, 02/11/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sửa Luật Đất đai: Cần làm rõ các trường hợp về thu hồi đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO