Nghiên cứu - Trao đổi

Sửa Luật Đấu thầu: Vẫn còn đó những băn khoăn

Bài: Gia Nguyễn - Ảnh: Quốc Tuấn 22/09/2024 04:10

Trước khó khăn, vướng mắc phát sinh, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu được cho là cần thiết, tuy nhiên, bên cạnh điểm tích cực vẫn còn đó những băn khoăn...

Luật Đấu thầu 2023 đi vào cuộc sống đã tạo khung pháp lý thống nhất, đồng bộ, góp phần tháo gỡ khó khăn trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, tuy nhiên, yêu cầu thực tiễn đòi hỏi quy trình đấu thầu tiếp tục được cải cách để hài hòa với quy định của các nhà tài trợ; đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu; đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, gói thầu có yêu cầu cấp bách và có tính đặc thù, riêng biệt.

sua-luat-dau-thau-24.1.1.2.jpg
Mặc dù Luật Đấu thầu 2023 đã góp phần tháo gỡ khó khăn trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, tuy nhiên, yêu cầu thực tiễn đòi hỏi quy trình đấu thầu tiếp tục được cải cách - Ảnh minh họa

Nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực tế, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu đã đề xuất sửa quy định tại Điều 42 về đấu thầu trước trong Luật Đấu thầu 2023.

Cụ thể, Dự thảo Luật quy định, đấu thầu trước là việc thực hiện trước một số thủ tục trước khi điều ước quốc tế, thỏa thuận vay nước ngoài được ký kết đối với dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài hoặc trước khi dự án được phê duyệt nhằm mục đích đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Chủ đầu tư, người đứng đầu đơn vị được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án có thể hình thành gói thầu bao gồm một hoặc một số công việc: khảo sát xây dựng, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, lập quy hoạch chi tiết xây dựng, báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo kinh tế kỹ thuật, lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, giám sát thi công để tổ chức lựa chọn nhà thầu. Các công việc lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, giám sát thi công chỉ được thực hiện sau khi dự án được phê duyệt.

sua-luat-dau-thau-24.1.1.1.jpg
Đề xuất sửa quy định tại Điều 42 về đấu thầu trước được cho là cần thiết, tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực vẫn còn đó những băn khoăn - Ảnh minh họa

Các gói thầu có thể thực hiện đấu thầu trước gồm: Gói thầu mua sắm hàng hóa đã xác định được chính xác phạm vi cung cấp, yêu cầu kỹ thuật; Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, hàng hóa, xây lắp phục vụ công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, di dời công trình hạ tầng, kỹ thuật, rà phá bom mìn, vật nổ, quy hoạch, tái định cư;

Gói thầu tư vấn quản lý dự án, lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, giám sát thi công; Gói thầu thuộc dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài có yêu cầu đấu thầu trước theo quy định ràng buộc của nhà tài trợ…

Nhìn nhận về vấn đề đã nêu, một số ý kiến cho rằng, Luật Đấu thầu 2023 chưa có quy định về việc thực hiện trước một số hoạt động đấu thầu, và theo quy định hiện hành, việc lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn, xây lắp để phục vụ công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, di dời công trình hạ tầng… chỉ được thực hiện sau khi có quyết định phê duyệt dự án. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong quá trình chuẩn bị đầu tư vẫn có thể tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu nêu trên trước khi dự án được phê duyệt để đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu. Đề xuất sửa đổi được cơ quan soạn thảo đưa ra là cần thiết để tháo gỡ những vướng mắc nêu trên.

Góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu mới đây, về nội dung này, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, khoản 6 Điều 4 Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định về đấu thầu trước trong đó quy định “trường hợp dự án không được phê duyệt hoặc điều ước quốc tế, thỏa thuận vay nước ngoài không được ký kết mà không thể bố trí nguồn vốn khác thì chủ đầu tư hủy thầu và không phải bồi hoàn chi phí liên quan đến việc tham dự thầu của nhà đầu tư”.

Theo VCCI, khi triển khai lấy ý kiến, doanh nghiệp khá băn khoăn đến vấn đề này. Bởi, để tham dự thầu, nhà thầu đã bỏ ra chi phí để xây dựng hồ sơ thầu, trong trường hợp này hủy thầu không do lỗi của nhà thầu thì việc không được bồi thường, hoặc ít nhất là chia sẻ kinh phí khiến cho quyền lợi của nhà thầu không được đảm bảo.

Mặt khác, đối với vấn đề đấu thầu trước, việc lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu với các gói thầu tổ chức đấu thầu trước đang được căn cứ trên cơ sở các hồ sơ của dự án chưa được phê duyệt. Với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, hàng hóa, xây lắp phục vụ công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, di dời công trình hạ tầng, kỹ thuật, rà phá bom mìn, vật nổ, quy hoạch tái định cư (như gói thầu xây lắp) có thể phát sinh tình huống trong quá trình thẩm tra phê duyệt dự án có điều chỉnh một số tiêu chí khác so với hồ sơ ban đầu dẫn đến hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu của Chủ đầu tư và hồ sơ chào thầu của nhà thầu đã tổ chức đấu thầu trước không đáp ứng được theo các tiêu chí chính của dự án.

“Nếu triển khai ký kết hợp đồng theo kết quả đấu thầu trước sẽ không đáp ứng yêu cầu của dự án được phê duyệt vậy có phải tổ chức đấu thầu lại không và chi phí phát sinh cho việc đấu thầu lại sẽ được xác định như thế nào? Đề nghị Ban soạn thảo quy định vấn đề này”, VCCI góp ý.

Đồng quan điểm, một số ý kiến cũng cho hay, lĩnh vực đấu thầu tiềm ẩn nhiều rủi ro và ẩn chứa yếu tố nhạy cảm. Điều này đòi hỏi khung pháp lý về đấu thầu phải bao phủ và toàn diện trên nhiều góc độ và lĩnh vực để có các chính sách đủ chặt chẽ quy định với các đối tượng khác nhau. Các đề xuất sửa đổi, bổ sung cần xử lý triệt để các vướng mắc tồn tại trong thực tế, tạo thuận lợi trong thực thi và đem lại hiệu quả sử dụng các nguồn lực của Nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sửa Luật Đấu thầu: Vẫn còn đó những băn khoăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO