Bổ sung theo hướng mở, cho phép bao quát, dự liệu những trường hợp có thể xảy ra trong tương lai, Dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) sửa đổi được cho sẽ thúc đẩy thương mại hóa quyền SHTT.
Thực tế, sau khi các Hiệp định thương mại được phê chuẩn, nhiều văn bản pháp luật của Việt Nam cũng được sửa đổi để trở nên hài hòa và tuân thủ các quy định và nghĩa vụ của quốc gia thành viên. Trong đó, những sửa đổi Luật SHTT hiện hành được cho đã đề cập trực tiếp, khắc phục được nhiều hạn chế, bất cập về quyền tác giả và các quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp,… và có những sửa đổi, bổ sung tương thích với cam kết và điều ước quốc tế.
Cụ thể, để tuân thủ khoản 27 Điều 18 của Hiệp định về Quan hệ Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), về nhãn hiệu, Dự thảo Luật SHTT đã sửa 2 Điều 136 và 148 của Luật hiện hành.
Quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng hiện nay và Việt Nam tham gia nhiều điều ước quốc tế; trong đó đòi hỏi nâng cao đáng kể mức độ bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, điển hình là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Do đó, những cam kết quốc tế này phải được luật hóa thông qua sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ – Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt
Trong đó, khoản 2 Điều 136 Dự thảo Luật sửa đổi quy định: “2. Chủ sở hữu nhãn hiệu có nghĩa vụ sử dụng liên tục nhãn hiệu. Việc sử dụng nhãn hiệu bởi bên nhận chuyển quyền theo hợp đồng sử dụng nhãn hiệu cũng được coi là hành vi sử dụng nhãn hiệu của chủ sở hữu nhãn hiệu. Trong trường hợp nhãn hiệu không được sử dụng liên tục từ năm năm trở lên thì Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đó bị chấm dứt hiệu lực theo quy định tại Điều 95 của Luật này”.
Khoản 2 và 3 Điều 148 được sửa quy định: “2. Đối với các loại quyền sở hữu công nghiệp được xác lập trên cơ sở đăng ký theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 6 của Luật này, hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp có hiệu lực theo thỏa thuận giữa các bên.”; “3. Hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp tại khoản 2 Điều này, trừ hợp đồng sử dụng nhãn hiệu, phải đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp mới có giá trị pháp lý đối với bên thứ ba”.
Hay như về sáng chế, để tuân thủ các yêu cầu theo Hiệp định CPTPP, khoản 3 Điều 60 của Luật SHTT hiện hành (quy định về xác định tính mới) được sửa đổi thành: “3. Sáng chế không bị coi là mất tính mới nếu được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật này hoặc người có được thông tin về sáng chế một cách trực tiếp hoặc gián tiếp từ người đó bộc lộ công khai với điều kiện đơn đăng ký sáng chế được nộp tại Việt Nam trong thời hạn mười hai tháng kể từ ngày bộc lộ”.
Khoản 4 Điều 60 sửa đổi quy định: “4. Quy định tại khoản 3 Điều này cũng áp dụng đối với sáng chế được bộc lộ trong đơn đăng ký sở hữu công nghiệp hoặc văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp do cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp công bố trong trường hợp việc công bố không phù hợp với quy định của pháp luật hoặc đơn do người không có quyền đăng ký nộp.”
Cùng với đó, để tuân thủ đầy đủ khoản 38 Điều 18 của Hiệp định CPTPP, Điều 61 của Luật SHTT hiện hành (xác định trình độ sáng tạo của sáng chế) cũng được sửa đổi bằng cách phân loại sáng chế và giải pháp kỹ thuật với việc bổ sung khoản 2 mới quy định: “2. Giải pháp kỹ thuật là sáng chế được bộc lộ theo quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều 60 của Luật này không được lấy làm cơ sở để đánh giá trình độ sáng tạo của sáng chế đó”.
Trước đó, tại Hội thảo trực tuyến góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT, liên quan đến quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng toàn bộ hoặc một phần ngân sách Nhà nước.
Việc Dự thảo Luật sửa đổi quy định theo hướng giao tổ chức chủ trì hoặc tổ chức, cá nhân khác thực hiện đăng ký, thay vì do Nhà nước thực hiện như quy định hiện hành được các chuyên gia đánh giá cao và nhận định, “việc sửa đổi như vậy sẽ thúc đẩy thương mại hóa quyền SHTT với các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí đã nêu”.
Việc sửa đổi các quy định pháp luật trong lĩnh vực SHTT sẽ góp phần đưa SHTT thành công cụ nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, là động lực của kinh tế tri thức, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của đất nước. Dự thảo Luật SHTT cũng dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XV và trình Quốc hội thông qua vào Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV.
Có thể bạn quan tâm
Sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ: Đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và hội nhập
04:30, 21/10/2021
Sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ: Giải quyết những tồn tại về đăng ký nhãn hiệu
04:20, 20/10/2021
Sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ: Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia
04:20, 19/10/2021
Vi phạm quyền sở hữu trí tuệ: Bất cập trong bảo hộ và thực thi quyền đối với nhãn hiệu
04:30, 28/05/2021
Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần chủ động tiếp cận quyền sở hữu trí tuệ
15:48, 20/05/2021