Sửa Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng: Cần tăng tính liên thông thị trường

KHÔI NGUYÊN 28/01/2024 00:06

Trước việc “bất ổn” thị trường vàng, chuyên gia cho rằng cần xem lại quy định về quản lý thị trường vàng theo hướng tăng tính liên thông với thị trường thế giới và giao dịch vàng trên tài khoản…

>>Sửa Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng: Chuyên gia nói gì?

hihihihi

Việc Nhà nước độc quyền nhập khẩu vàng, nhưng từ năm 2014 đến nay không nhập khẩu vàng nữa cũng đồng nghĩa với việc không còn liên thông với thế giới. Ảnh minh họa

Theo đó, bình luận về diễn biến giá vàng trong nước có sự khác biệt so với xu hướng thế giới diễn ra khá phổ biến trong những năm gần đây, GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, trước thời điểm 2012, vàng được coi như một phương tiện thanh toán, dẫn đến thời kỳ "vàng hóa nền kinh tế".

Nghị định 24/2012/NĐ-CP với quy định Nhà nước lấy một thương hiệu vàng SJC là thương hiệu vàng quốc gia, Nhà nước là cơ quan độc quyền trong quản lý xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng đã được ban hành kịp thời và phát huy tác dụng, hạn chế được tình trạng dùng vàng làm phương tiện thanh toán, giao dịch. Tuy nhiên, theo ông Cường, kinh tế trong nước và thế giới đã có nhiều thay đổi và cách thức quản lý như vậy không còn phù hợp.

Lý giải về điều này, vị chuyên gia cho biết, bên cạnh việc độc quyền, vẫn phải tăng cung vàng trên thị trường theo nhu cầu thực tế, song lại không có chuyện sản xuất thêm vàng miếng. Trong khi đó, nhiều người Việt Nam vẫn có tâm lý tích trữ vàng phòng rủi ro nên cầu về vàng tăng.

“Khi vàng SJC được xác định là thương hiệu quốc gia thì đương nhiên người dân sẽ có xu hướng lựa chọn loại vàng này dù hàm lượng và chất lượng so với các loại vàng khác có thể như nhau. Sự lệch pha cung - cầu đã đẩy giá vàng tăng bất thường”, ông Cường phân tích.

Bên cạnh đó, GS.TS Hoàng Văn Cường cũng cho rằng, việc Nhà nước độc quyền nhập khẩu vàng, nhưng từ năm 2014 đến nay không nhập khẩu vàng nữa cũng đồng nghĩa với việc không còn liên thông với thế giới. Ngược lại, trong trường hợp liên thông tốt, khi vàng trong nước giá cao thì nhập khẩu để cân bằng. Nếu trong nước giá thấp, thế giới giá cao thì xuất khẩu để cân bằng.

“Việc không liên thông dẫn đến tình trạng “lệch pha” phi lý giữa giá vàng trong nước và thế giới. Những người có nhu cầu sở hữu và tích lũy vàng sẽ chịu thiệt bởi phải mua vàng với giá rất cao. Đồng thời, tạo sự không bình đẳng giữa các loại vàng có cùng hàm lượng và chất lượng. Về mặt xã hội, khi giá vàng trong nước và giá vàng thế giới chênh lệch lớn sẽ làm phát sinh nhu cầu nhập lậu vàng kiếm lời”, ông Cường nói.

Chia sẻ từ góc nhìn doanh nghiệp, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cũng cho rằng, tình trạng chênh lệch giá vàng quốc tế với giá vàng trong nước quá lớn cùng với việc không cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu chính thống dẫn đến tình trạng buôn lậu vàng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vàng trang sức có nhu cầu về vàng nguyên liệu cũng không biết mua ở đâu và có thể gặp rủi ro nếu mua vàng trôi nổi trên thị trường.

“Có một câu hỏi là số vàng đang lưu thông trên thị trường và số nguyên liệu để chế tác vàng hiện nay có nguồn gốc từ đâu trong khi các doanh nghiệp thực hiện phân kim để có vàng nguyên liệu thì chiếm tỉ lệ rất thấp”, ông Hùng nói.

>>Vàng “lậu” hoành hành, cần sớm sửa đổi Nghị định 24/2012

hihihihi

Việc không liên thông thị trường vàng dẫn đến tình trạng “lệch pha” phi lý giữa giá vàng trong nước và thế giới. Ảnh minh họa

Đưa ra quan điểm về giải pháp để bình ổn thị trường vàng, GS.TS Trần Thọ Đạt - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, đã đến lúc phải liên thông với thị trường thế giới, loại bỏ chênh lệch giá, đặc biệt là chênh lệch giá vàng SJC như hiện nay bằng các giải pháp thị trường, việc sản xuất vàng miếng phải trao cho thị trường.

“Chính sách quản lý thị trường vàng cần tiến tới tự do hoá xuất nhập khẩu thông qua quản lý thị trường hàng hoá, Nhà nước chỉ điều tiết về chính sách như các nước khác trên thế giới. Đồng thời, phải sớm chuyển đổi thị trường vàng vật chất sang thị trường vàng kỳ hạn, giao dịch thông qua các hợp đồng”, vị chuyên gia nói.

Đồng quan điểm, GS.TS Hoàng Văn Cường cũng cho rằng, cần thay đổi về phương thức quản lý, cần sửa đổi Nghị định số 24. “Vấn đề trước hết là xem xét có nhất thiết phải độc quyền hay không, nếu Nhà nước cho phép nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất vàng miếng để đáp ứng nhu cầu của người dân thì có thể giảm áp lực về nguồn cung”, ông Cường chia sẻ

Mặt khác, theo GS.TS Hoàng Văn Cường, cần liên thông giữa thị trường trong nước và quốc tế theo hướng xem xét các quy định về quản lý xuất nhập khẩu vàng. Không phải cứ duy trì một cơ chế như trước đây là cấp phép, cấp quota theo dạng "xin - cho" mà có thể sử dụng các công cụ tài chính để điều tiết quan hệ xuất nhập khẩu đó. Đồng thời, theo ông Cường, cần có các phương thức giao dịch vàng đa dạng hơn.

“Nghị định số 24/2012/NĐ-CP đã đề cập nội dung kinh doanh vàng trên tài khoản, nhưng không có hướng dẫn cụ thể. Trong khi đó, nếu mở thêm các hình thức kinh doanh vàng trên tài khoản thì sẽ không bị lệ thuộc vào việc nhập khẩu vàng vật chất, thay vào đó, có thể sử dụng các công cụ phái sinh để cân đối cung cầu”, GS.TS Hoàng Văn Cường nêu quan điểm.

Có thể bạn quan tâm

  • Sớm sửa Nghị định 24/2012/NĐ-CP để “cởi trói” cho thị trường vàng

    Sớm sửa Nghị định 24/2012/NĐ-CP để “cởi trói” cho thị trường vàng

    04:00, 28/12/2023

  • Sửa Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng: Chuyên gia nói gì?

    Sửa Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng: Chuyên gia nói gì?

    03:30, 04/01/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sửa Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng: Cần tăng tính liên thông thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO