HoSE chậm trễ trong nâng cấp hệ thống, thiếu minh bạch trong hủy/sửa lệnh... Nhà đầu tư đang chịu cảnh giao dịch chứng khoán kiểu 0.4 ở giữa thời kinh tế số.
Tuần giao dịch “thảm họa”
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) cho biết Ủy ban đã báo cáo Bộ Tài chính và có quyết định ban hành về việc áp dụng thử nghiệm hệ thống công nghệ giao dịch chứng khoán của Hàn Quốc (KRX), yêu cầu tất cả các thành viên thúc đẩy nhanh việc đưa hệ thống này vào vận hành, tiến tới thay thế cho hệ thống hiện nay trong thời gian sớm nhất để giải quyết triệt để vấn đề quá tải tại HoSE. Dự kiến đến cuối năm nay hệ thống mới sẽ đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, với việc chậm triển khai hệ thống KRX, cùng với đó là việc nâng cấp hệ thống cho HoSE đã khiến tuần giao dịch vừa qua là một “thảm họa” với nhà đầu tư.
Mở đầu tháng giao dịch, thị trường chứng khoán (TTCK) trong nước đã đối mặt với các phiên điều chỉnh, chốt lời từ phía nhà đầu tư, đặc biệt là tình trạng “nghẽn lệnh” trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), bảng điện tử không hiển thị các thông số, đã khiến nhà đầu tư lâm vào tình trạng giao dịch trong “sương mù”.
Trong khi trước đó, ngày 1/6, HoSE đã phải đóng cửa giao dịch phiên chiều do, giá trị giao dịch chứng khoán tại HoSE vượt mức 21,7 nghìn tỷ đồng dẫn tới tình trạng báo động đối với an toàn của hệ thống. HoSE công bố ngừng giao dịch ngày 1/6.
Sau khi thị trường ổn định trở lại trong phiên giao dịch tiếp theo mùng 2/6, một số CTCK đã thông báo tới khách hàng về việc dừng hủy/sửa lệnh trên sàn HoSE, với lý do để đảm bảo hạn chế tối đa nhất tình trạng nghẽn lệnh trên toàn thị trường. Giải pháp này đã gây phẫn nộ nơi các nhà đầu tư.
Ai là người hứng chịu?
Trước việc các CTCK dừng cho nhà đầu tư được hủy/sửa lệnh, nhiều nhà đầu tư cho rằng đây là một sự vi phạm luật bởi Luật Chứng khoán quy định được phép sửa, huỷ lệnh trong các phiên khớp lệnh liên tục.
Mặc dù những biện pháp hạn chế hủy/sửa lệnh giúp thanh khoản thị trường được cải thiện nhưng lại khiến nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn trong quá trình đặt lệnh và thường xuyên phải dùng lệnh MP (lệnh thị trường) để tăng khả năng khớp lệnh. Trong 2 phiên giao dịch 7/6 và 8/6, nhà đầu tư đã đẩy mạnh bán MP khiến thị trường giảm sâu và VN-Index đã mất tổng cộng hơn 54 điểm.
Không chỉ vậy, phương án tạm thời này lại không áp dụng đối với tất cả các nhà đầu tư. Trong các phiên giao dịch vẫn có các lệnh hủy được đẩy vào hệ thống, đây là sự thiếu bình đẳng giữa các nhà đầu tư, vì đã cấm hủy/sửa lệnh thì phải áp dụng với tất cả nhà đầu tư.
Như vậy giữa những nhà đầu tư không được hủy/sửa lệnh và giao dịch trong trạng thái “nhắm mắt” đẩy lệnh thì lại có những nhà đầu tư hưởng lợi khi được phép hủy/sửa lệnh, không chịu thiệt hại nhiều như đại đa số các nhà đầu tư.
Nhà đầu tư còn thiệt hại khi bảng giá sai lệch, cũng làm ảnh hưởng tới phán đoán của họ. Do bảng giá không hiển thị chính xác lệnh mua cao nhất và lệnh bán thấp nhất, nhà đầu tư không thể xác định lực cung và cầu đang như thế nào.
Cũng trong ngày 9/6, sau khi HoSE yêu cầu các CTCK mở lại tính năng hủy/sửa lệnh, một số CTCK đã cho phép nhà đầu tư được điều chỉnh lệnh hủy/sửa lệnh giao dịch. Tuy nhiên, các công ty chứng khoán đều khuyến nghị nhà đầu tư hạn chế sử dụng tính năng này nhằm giảm áp lực cho hệ thống giao dịch.
Bên cạnh đó, các CTCK cũng quản lý việc sửa, hủy lệnh giao dịch trong các khung giờ từ 9h15 đến 9h25; từ 11h15 đến 13h10 và từ 14h20 đến 14h30 các ngày giao dịch để tránh gây áp lực quá tải xử lý đối với hệ thống giao dịch.
Nhà đầu tư dường như đã và đang phải hứng chịu "trọn gói" cho những lỗi hệ thống và cách vận hành của HoSE? Việc cho phép các nhà đầu tư được hủy/sửa lệnh theo khung giờ nêu trên có cải thiện được tình hình hay không? Nhà đầu tư chỉ biết, mọi hành động của HoSE được đưa ra với cái gọi là giải pháp nhưng thực chất người chịu thiệt vẫn hoàn toàn là phía họ.
Cái nhà đầu tư cần nhất bây giờ là một cam kết, lời xin lỗi từ phía HoSE để làm sao hệ thống được vận hành đảm bảo và hoạt động như thế nào trong thời gian tới. Nhưng đến nay, đây vẫn là thứ mong đợi có phần...xa xỉ trước động thái im lìm của HoSE.
Trước tình trạng nghẽn lệnh trên sàn giao dịch chứng khoán TP.Hồ Chí Minh diễn ra trong thời gian qua nhưng chưa được xử lý dứt điểm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã yêu cầu Thanh tra Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện thanh tra đối với Sở Giao dịch chứng khoán TP.Hồ Chí Minh. Đây được xem là hành động kịp thời của Bộ Tài chính và thị trường đã phản ứng vô cùng tích cực trước tin này.
Khắc phục "giao dịch 0.4" và tầm nhìn xa: Cổ phần hóa?
Trong thời đại của Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), đâu đâu cũng ta cũng nghe đến vấn đề chuyển đổi số. Chuyển đổi số đã len lỏi mọi ngóc ngách của cuộc sống. Doanh nghiệp cũng không nằm ngoài xu hướng này, việc chuyển đổi số để thích ứng với bối cảnh của cuộc CMCN 4.0.
Tuy nhiên, với những gì mà HoSE thực hiện trong suốt thời gian qua có thể thấy Sở còn tồn tại nhiều yếu kém. Câu chuyện nằm ở việc quản trị của HoSE không có tầm nhìn xa khi trong suốt thời gian dài vẫn sử dụng công nghệ cũ, khả năng đáp ứng nhu cầu của thị trường ở mức thấp, để đến khi giai đoạn thị trường bùng nổ thì “mất bò mới lo làm chuồng”.
Giai đoạn thị trường thanh khoản tăng cao lên đến 13.000 tỷ đồng trên HoSE sàn đã có dấu hiệu “nghẽn lệnh” và từ đó đến nay cũng đã nửa năm. HoSE giải thích do dịch COVID-19 làm ảnh hưởng đến việc chuyển đổi hệ thống do phụ thuộc chuyên gia nước ngoài, nhưng ngay sau đó Tập đoàn FPT đã đưa ra giải pháp hỗ trợ, chuyển công nghệ từ sàn HNX (với khả năng xử lý hàng chục triệu lệnh), cho đến nay, dự kiến FPT sẽ hoàn thành hệ thống giao dịch tạm, khả năng cuối tháng 6 này sẽ hoàn thành.
Vậy tại sao trước đây HoSE không nghĩ đến việc sử dụng chính công nghệ trong nước, mà lại phụ thuộc hoàn toàn nước ngoài?
Hơn cả vấn đề công nghệ, đây là câu chuyện của bài học vận hành không tôn trọng thị trường và sâu xa, một lần nữa khiến mọi cơ quan quản lý có hoạt động gắn với thị trường cần xem lại các vấn đề của mình, đặc biệt trong vấn đề đầu tư, quản trị, vận hành để đáp ứng 4.0 và cao hơn. Không phải không có lý khi đề xuất cổ phần hóa Sở Giao dịch Chứng khoán, dù chưa hẳn phù hợp chủ trương có tính thời điểm, nhưng là điều rất đáng được quan tâm.
Theo đó, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã đề xuất đó là nhanh chóng cổ phần hóa Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và Tổng công ty Lưu ký chứng khoán để cho các đơn vị này có năng lực quản trị ngang tầm các nước trong khu vực.
Sở giao dịch và Trung tâm lưu ký sau cổ phần hóa phải hoạt động công khai minh bạch như công ty niêm yết và phải độc lập, thực sự tách rời Bộ Tài chính và UBCKNN và chịu sự quản lý giám sát đặc biệt từ Bộ Tài chính, UBCKNN.
Trao đổi với DĐDN, ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư TVSI, cho rằng xu hướng cổ phần hóa nhìn chung là chính sách lớn của nhà nước trong một vài năm trở lại đây. "Tôi thấy rằng không chỉ các doanh nghiệp liên quan đến chứng khoán mà còn các doanh nghiệp liên quan các ngành nghề khác cũng được nhà nước khuyến khích cổ phần hóa. Cổ phần hóa rõ ràng có nhiều lợi ích, chủ yếu liên quan đến phần vốn do tư nhân sở hữu sẽ có trách nhiệm phát triển tốt hơn", ông Nam cho biết.
Nhưng với lĩnh vực chứng khoán còn phải tùy, như đối với Sở giao dịch còn liên quan đến vấn đề quản lý của nhà nước về an toàn hệ thống tài chính. Do đó, vẫn cần giải pháp để cân đối hai mặt.
"Xu hướng trên thế giới cho thấy một số Sở giao dịch đã được cổ phần hóa, tuy nhiên với thực trạng của Việt Nam cần kế hoạch cân đối phù hợp giữa an toàn hệ thống và cổ phần hóa để giải quyết vấn đề nghẽn lệnh hay các vấn đề khác", ông Lê Ngọc Nam cho hay.
Có thể bạn quan tâm