Những góc khuất trong quá trình đổi mới cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước với kẽ hở cho tư nhân tham gia biến đất vàng công hữu thành tư hữu khiến định kiến về kinh tế tư nhân bị khắc sâu thêm...
Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước bằng việc cổ phần hóa hay chuyển giao quyền khai thác cơ sở hạ tầng do Nhà nước đầu tư cho doanh nghiệp là chủ trương đúng đắn, hợp với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.
Mục đích của việc này nhằm chuyển nguồn lực từ khu vực Nhà nước sang khu vực tư nhân, giúp Nhà nước thu lại vốn đã đầu tư để tập trung vào các lĩnh vực khác cấp bách hơn. Tuy nhiên, song hành với chủ trương chuyển “công sản sang tư hữu” phát triển liệu có tỷ lệ thuận với việc hình thành các nhóm lợi ích?
Vào những năm sơ khai của nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, lợi dụng tình hình tranh tối tranh sáng trong việc quản lý công sản, không ít đơn vị được nhà nước giao quyền quản lý công sở, nhà xưởng, mặt bằng đã tự ý cho thuê, hay chuyển một phần diện tích sang làm nhà, hoặc bỏ hoang gây lãng phí trong thời gian dài.
Trong những năm gần đây, nhiều tổ chức, cá nhân đã lợi dụng những chủ trương đúng đắn của Nhà nước như hoá giá nhà để biến công sản thành tư hữu. Điều này đã phù phép biết bao nhiêu căn nhà được định giá rẻ như biếu không; biết bao nhiêu kho bãi, nhà xưởng của các công ty quốc doanh được “phát mãi” với giá thấp đến mức bất ngờ, gây thất thoát lớn tài sản Nhà nước và làm giàu cho những kẻ cơ hội.
Tình trạng công sản biến thành tư hữu ngày càng diễn ra tinh vi dưới “tấm áo giáp” là chủ trương cổ phần hoá chuyển đổi mục đích đã phân lô đất cho các dự án, hay đấu thầu những khu đất vàng của các đơn vị được bao bọc bởi yếu tố đảm bảo an ninh quốc gia. Chuyển đổi mục đích là hành vi thể hiện quyền lực và chỉ những tổ chức quyền lực mới có thể biến công hữu thành tư hữu; còn đấu thầu các khu đất vàng là biểu hiện sức mạnh của đồng tiền cùng các mối quan hệ thân hữu!
Sức mạnh vô hình đã phát lộ phía sau những cuộc chạy đua âm thầm để sở hữu quyền khai thác các cảng biển như Qui Nhơn, Nha Trang, Khánh Hội... đến các nhà máy, công xưởng trong nội đô ở các thành phố lớn trên cả nước…Có ai dám bảo đảm rằng trong cuộc chạy đua trên, doanh nghiệp này, tập đoàn nọ không có được lợi thế nhờ vào những mối quan hệ với các cơ quan quyền lực!. Cũng như không dễ gì lấy được hàng trăm hecta đất trong sân bay Tân Sơn Nhất một cách ngang ngược, bất chấp dư luận lên án để làm sân golf trong khi nhà ga quốc tế Tân Sơn Nhất luôn trong tình trạng quá tải, nếu không có một sức mạnh vô hình nào đấy chống lưng phía sau!
Trước tác động của kinh tế thị trường đòi hỏi chủ trương cổ phần hóa phải được đẩy mạnh để “toàn dân làm kinh tế”, tình trạng công sản chuyển sang tư hữu diễn ra ngày càng phong phú, từ việc cổ phần hóa các doanh nghiệp – tập đoàn Nhà nước đến chủ trương chuyển giao quyền khai thác cơ sở hạ tầng do Nhà nước đầu tư cho doanh nghiệp. Song hành với chủ trương “công sản chuyển sang tư hữu” liệu có tỷ lệ thuận với việc hình thành các nhóm lợi ích?
Trong mỗi lần hội nghị giao ban về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng Chính phủ luôn khẳng định đây là nhiệm vụ trọng tâm và cho biết: “Chúng ta phải phấn đấu đạt mục tiêu nhưng không được sai sót, không được tiêu cực, không được bán đổ, bán tháo…”. Lời cảnh báo của người đứng đầu Chính phủ không thừa khi mà ngày càng nhiều các nhóm lợi ích được sự hậu thuẫn của các quan chức để “hợp thức hóa” nhằm chuyển công sản sang tư hữu một số tài sản khổng lồ của toàn dân, gây thất thoát lớn ngân sách nhà nước.
Một chuyên gia kinh tế cho rằng: "nếu các tập đoàn kinh tế lớn có vai trò dẫn dắt, chi phối thị trường, thì họ có thể có nhiều quyền lực đến độ có thể tạo ra ảnh hưởng cho những quyết sách lớn. Các quyết sách đó sẽ đứng về các nhóm lợi ích, thay vì lợi ích của nhân dân. Không dừng lại ở đây, gần đây, các nhóm lợi ích còn vươn vòi bạch tuộc lấn sâu vào quá trình hình thành chính sách để tận dụng được tất cả lợi thế để phục vụ mục đích chuyển công sản về tay tư hữu. Các đại án kinh tế liên quan đến đất đai tại các địa phương Đà Nẵng, Sài Gòn, Khánh Hòa, Bình Thuận, Quảng Ngãi, Cần Thơ, Kiên Giang, Hà Nội… làm mất đi hàng loạt cán bộ là một minh chứng rõ nhất".
Không phải tất cả các nhóm lợi ích đều được nhìn dưới lăng kính màu xám, bởi trong thực tế có những nhóm lợi ích phục vụ cho quyền lợi chung của cộng đồng dân cư và đất nước. Nhóm lợi ích chỉ xấu đi khi quyền lợi chung hoàn toàn bị thúc thủ trước quyền lợi của phe nhóm. Ngăn chặn tình trạng này, chỉ dùng công cụ quản lý - tức luật pháp - là chưa đủ, bởi quyền lực được sự hỗ trợ của đồng tiền có thể làm bất cứ điều gì. Trên thực tế, thay vì đầu tư vào nền kinh tế, không ít nhóm lợi ích đã "đầu tư" vào sân sau của một số quan chức để tìm lợi thế làm ăn cho mình.
Vậy làm thế nào để “toàn dân làm kinh tế”, nhưng không bị nhóm lợi ích nhân danh những điều đúng nhất để làm những việc sai nhất là biến công sản thành tư hữu? Theo các chuyên gia, vấn đề cốt tử ở đây là yếu tố con người trong bộ máy công quyền và tính minh bạch trong tất cả các chính sách để tạo ra một cơ chế, một môi trường cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp, để hạn chế thấp nhất sức tấn công của họ vào việc hình thành chính sách.
Tình trạng lợi dụng chủ trương cổ phần hoá để "phù phép" công sản thành tư hữu đã diễn ra từ lâu. Chuyện ai cũng thấy, ai cũng biết nhưng để giám sát, kiểm soát và ngăn chặn thì không hề đơn giản khi va vào những nhóm lợi ích. Và mỗi ngày, những ai đã chớm có định kiến với kinh tế tư nhân, càng có... điều kiện để thông qua các hiện tượng va vào nhóm lợi ích ấy, mà chép miệng rằng: Riết rồi cái gì cũng vào tay kinh tế tư nhân...
Song thực tế, sẽ chẳng bao giờ định kiến kinh tế tư nhân có đất sống khi không gian cho các nhóm lợi ích công hữu - tư hữu riêng biệt hẹp lại, không thể "bắt tay" nhau, khi khối tư nhân một lòng và được tạo điều kiện để phát huy sự năng động, sáng tạo vào đóng góp cho một nền kinh tế năng động sáng tạo Việt Nam, như họ đã từng, đang và sẽ tiếp tục như vậy. Đặc biệt là khi tư nhân có định hướng và khuyến khích tối đa để đầu tư vào các lĩnh vực mang hàm lượng chất xám như công nghệ, cơ khí chế tạo, dệt may, nông nghiệp công nghệ cao, thuỷ sản, chăn nuôi... một cách bền vững có trách nhiệm với cộng đồng.
Có thể bạn quan tâm