Các ngân hàng bắt đầu quay trở lại thúc đẩy ký kết hợp tác cùng các chủ đầu tư dự án, doanh nghiệp bất động sản, xây dựng... nhằm thay đổi cảnh "đắp chiếu" của các dự án vì tắc vốn...
>>Cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ: Cân nhắc phương án trích lập dự phòng
Trong tuần này, cú bắt tay hợp tác 3 bên giữa Công Ty Cổ Phần Tập Đoàn Đầu Tư Địa Ốc No Va (Novaland) cùng Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) và Công ty CP đầu tư xây dựng Ricons (Ricons) mang đến tin tốt lành cho nhà đầu tư đang rất quan tâm đến vấn đề nguồn vốn ngân hàng cho chủ đầu tư lớn. Theo đó, nhà đầu tư không phải đặt câu hỏi bao giờ dòng vốn tín dụng cho địa ốc, với dự án phân khúc hạng sang, mạnh dạn trở lại? - vì đã có câu trả lời từ việc 3 đơn vị trên ký kết thỏa thuận về việc hợp tác triển khai xây dựng hoàn thiện dự án Tổ hợp căn hộ - thương mại dịch vụ The Grand Manhattan (quận 1, TP.HCM).
Được biết theo thỏa thuận, TPBank hỗ trợ tài chính để đảm bảo dự án The Grand Manhattan tiếp tục triển khai thi công sau thời gian tạm ngưng cũng như cung cấp gói tín dụng cho người mua nhà; Ricons đảm nhiệm vai trò tổng thầu thi công, cam kết đảm bảo chất lượng và tiến độ xây dựng với Chủ đầu tư.
Là đối tác tài chính đồng hành cùng dự án The Grand Manhattan ngay từ những ngày đầu, và nay tiếp tục tài trợ vốn để dự án được triển khai xây dựng hoàn thiện, đại diện ngân hàng TPBank cho biết: "Bên cạnh việc tập trung nguồn vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, được khuyến khích theo chỉ đạo của Chính phủ để đẩy mạnh phát triển kinh tế, TPBank vẫn dành một phần tín dụng dành cho các dự án bất động sản, có hiệu quả thực tế và phù hợp với nhu cầu khách hàng. Dự án Grand Mahattan, tại Quận 1, TP.HCM cũng là dự án mà TPBank cấp tiếp vốn sau một thời gian tạm dừng. Sau khi có những đánh giá, khảo sát và làm việc kỹ càng, việc tiếp tục cấp vốn để The Grand Mahattan triển khai xây dựng hoàn thiện không chỉ cung cấp những sản phẩm nhà ở chất lượng mà TPBank cũng đang song hành với chỉ đạo mục tiêu của Chính phủ tại Nghị quyết số 33/NQCP trong tập trung tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đang triển khai, để sớm hoàn thành, tạo nguồn cung cho thị trường".
Chia sẻ của TPBank phần nào nói lên những vấn đề "nổi cộm: Thứ nhất, vốn ngưng đọng thời gian qua tại các dự án đã được cấp phê duyệt trước đây, nay sẽ được ngân hàng cấp tiếp trên cơ sở đánh giá, khảo sát, làm việc kỹ càng - tức là có chọn lọc. Thứ hai, việc gỡ vướng pháp lý dự án cũng đảm bảo điều kiện đủ để dòng vốn được khơi thông.
The Grand Manhattan là một trong 7 dự án đầu tiên tại TP. HCM đang được tập trung gỡ vướng pháp lý. Do đó việc bắt tay của 3 bên để dự án tiếp tục đi vào hoàn thiện, ngay sau Thông báo số 133 ngày 16/4 với nội dung Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu xây dựng tiêu chí đánh giá phân loại phân khúc bất động sản dựa vào tiềm năng, thanh khoản của thị trường làm cơ sở để tổ chức tín dụng xem xét nới lỏng các điều kiện cho vay mà không đánh đồng chính sách với các dự án có rủi ro ban hành trong tháng 4/2023, đáng được kỳ vọng là điểm sáng đi đầu cho các dự án được gỡ vướng pháp lý; cũng là cho các ngân hàng - chủ dự án chủ động tìm tiếng nói thống nhất, thổi sức sống vào những khối tài sản dở dang, góp phần thúc đẩy thanh khoản của thị trường trong thời gian tới.
Cũng vẫn là câu chuyện của Novaland, ở một khía cạnh khác ông lớn địa ốc này vừa có công văn công bố thông tin liên quan đến việc thay đổi các điều kiện và điều khoản của lô trái phiếu NVLB2123012 trị giá 1.300 tỷ đồng. Cùng với đó, liên quan đến lô trái phiếu NVLH2123009 phát hành ngày 12/08/2021 của Novaland, đại diện người sở hữu trái phiếu làChứng Khoán Dầu Khí (PSI), Novaland cho biết công ty đã rất nỗ lực thực hiện thanh toán phần lãi đến hạn. Bên cạnh đó, công ty cũng đề xuất trong thời hạn 02 tháng sẽ cùng trái chủ đưa ra phương án thanh toán tiền gốc trái phiếu phù hợp với thực tế dòng tiền của công ty.
Công ty cũng đề xuất các phương án bao gồm giãn thời hạn thanh toán tiền gốc trái phiếu trong thời gian phù hợp, hoặc hoán đổi tiền gốc trái phiếu với các sản phẩm BĐS do Công ty đang đầu tư và phát triển. Việc Công ty đưa ra các đề xuất nêu trên hoàn toàn xuất phát từ sự kiện bất khả kháng theo các biến động không thể lường trước của thị trường và phù hợp với quy định tại văn kiện phát hành trái phiếu (Điều 15 Các Điều khoản và điều kiện trái phiếu). Các phương án đề xuất này đảm bảo về mặt pháp lý và phù hợp với định hướng xử lý các vấn đề liên quan đến trái phiếu trong bối cảnh hiện nay theo nội dung dự thảo sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ mà Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ. Đây cũng là những giải pháp phù hợp để đảm bảo hài hòa lợi ích cho các trái chủ trong bối cảnh hiện tại.
Theo Novaland, vừa qua, các biến động từ kinh tế vĩ mô cũng như các chính sách kiểm soát tín dụng Bất động sản (BĐS), vướng mắc pháp lý... đã ảnh hưởng và gây khó khăn về thanh khoản cho hàng loạt các Doanh nghiệp BĐS, và công ty cũng không ngoại lệ.
Công ty đang quyết liệt tiến hành tái cấu trúc toàn diện với sự hỗ trợ và tư vấn của nhiều đối tác hàng đầu như EY- Parthenon, KPMG… nhằm đưa ra những giải pháp cơ cấu tài chính phù hợp, tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi; hơn hết là nỗ lực để thực hiện các quyền lợi của các trái chủ, khách hàng và các bên liên quan. Công ty cũng đang tập trung xây dựng bàn giao các sản phẩm BĐS theo từng giai đoạn, từng bước ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.
>>Trái phiếu đáo hạn: Áp lực hay “ngáo ộp” thị trường năm 2023
Như vậy, có thể nói cùng với việc ngân hàng mở vốn tín dụng để thúc đẩy hoàn thiện các dự án dở dang, thì các chủ đầu tư địa ốc có nợ vay tài chính và áp lực thanh toán đến hạn, vẫn rất cần được sự hậu thuẫn từ phía cả trái chủ hiện hữu (của các lô trái phiếu đã phát hành trước đây), và sẽ còn tốt hơn nếu có thêm cơ hội mới để quay vòng vốn mới, trong điều kiện bản thân chủ đầu tư phải tích cực tái cấu trúc, đảm bảo trách nhiệm đến cùng với các chủ nợ, trái chủ, đối tác lẫn khách hàng mua nhà.
Tương tự như việc bắt tay của TPBank, Ricons và Novaland, ở một thương vụ đậm nét song hành giữa ngân hàng - xây dựng với khoảng thời gian bắt tay dài lâu, Ngân hàng TMCP BIVD và Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (Coteccons) cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện giai đoạn 2023-2027 vào hôm 12/4.
Trong các nội dung thỏa thuận của 2 bên, đáng chú ý là BIDV sẽ cung cấp giải pháp tài chính toàn diện cho Coteccons gồm các sản phẩm ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, tái cấu trúc tài chính, quản lý dòng tiền tập trung, kết nối hệ thống ngân hàng điện tử, tài trợ chuỗi cung ứng… Đặc biệt, BIDV sẽ là ngân hàng thu xếp nguồn vốn ngắn hạn, trung dài hạn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Coteccons cũng như các công ty con, công ty liên kết trong các lĩnh vực xây dựng, đầu tư dự án của Công ty. Bên cạnh đó, BIDV cung cấp cho cán bộ, công nhân viên của Coteccons các gói sản phẩm ưu việt (tín dụng cá nhân, tiền gửi tiết kiệm, dịch vụ ngân hàng điện tử…) với các chính sách, giá phí cạnh tranh nhất.
Như vậy, "nút thắt" vốn với Coteccons gần như đã có nhà tài trợ tín dụng lớn là BIDV "lo toan". Ông Lê Ngọc Lâm, Tổng Giám đốc BIDV không giấu kỳ vọng nhìn vào triển vọng của Coteccons, nhắm vào nỗ lực mở rộng nhiều ngành nghề mới, với hạ tầng là trụ cột quan trọng nằm trong chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2025 nhằm thực hiện mục tiêu doanh thu 3 tỷ USD.
Coteccons hiện vẫn đã và đang là nhà thầu xây dựng top đầu của thị trường. Một tầm nhìn xa để sẵn sàng hợp tác dài hạn như vậy với Coteccons, đồng nghĩa đó cũng là sự đánh giá của BIDV về triển vọng dài hạn của trước hết ngành lõi xây dựng - gắn với thị trường địa ốc - mà Coteccons đang khai thác.
Trước đó trong tuần cuối tháng 3, một thỏa thuận đình đám giữa Tập đoàn Everland và Ngân hàng TMCP HDBank cũng minh chứng nỗ lực của các doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng trong việc cùng hợp tác tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Theo thoả thuận được ký kết, HDBank sẽ trở thành đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính - ngân hàng phục vụ hoạt động đầu tư phát triển các dự án bất động sản của Tập đoàn Everland và các đơn vị thành viên. Trước mắt, HDBank sẽ đồng hành tài trợ vốn cho các dự án: Tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí Crystal Holidays Harbour Vân Đồn (Quảng Ninh), Tổ hợp nghỉ dưỡng Crystal Holidays Marina Phú Yên, Tổ hợp thương mại, dịch vụ và du lịch nghỉ dưỡng Xuân Đài Bay (Phú Yên). Sau đó sẽ mở rộng sang các dự án khác của Tập đoàn.
Đồng thời, HDBank sẽ triển khai các chương trình ưu đãi về gói vay dành riêng cho khách hàng cá nhân khi thực hiện các giao dịch liên quan đến mua bán, thuê, thuê mua bất động sản tại các dự án của Tập đoàn Everland; cung cấp các dịch vụ thanh toán trên nền tảng số hóa cùng nhiều sản phẩm tài chính, ngân hàng đa dạng, phong phú...
Rõ ràng, tuy không "mỗi ngày loạt ký kết" được chứng kiến rầm rộ như trước đây, nhưng sự bắt tay giữa ngân hàng - chủ đầu tư dự án với các giải pháp tài chính, gói vay, vẫn đã và đang vận động dòng vốn tín dụng tiếp tục đi đến cần đến, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trở lại như khởi đầu từ hai chữ "đầu tiên" - "tiền đâu", khi chủ đầu tư bị tắc dòng tiền trên cả thị trường nợ lẫn đứt mạch tiền khách hàng trả trước. Và đây cũng là những cú bắt tay cần thiết, sớm sủa, trước những yêu cầu cấp thiếu cộng sinh giữa các chủ thể trên các thị trường có tính liên thông cao, cũng như có tính "quyết định" không hề nhỏ với đà phát triển của cả nền kinh tế.
Một chuyên gia tài chính cho rằng không cần nhìn đâu xa hay mới mẻ, chỉ cần nhìn "nước cờ" của Chính phủ Trung Quốc khi đưa ra các giải pháp với việc đồng thời vừa tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu, vừa phải thúc đẩy vốn tín dụng trước hết bơm đến các dự án dở dang cần được hoàn thiện để đảm bảo việc giao nhà; đồng thời hạ lãi suất, kích thích mua nhà, tăng cầu bằng các "liệu pháp" cho vay giá rẻ, nâng giới hạn tuổi đến hạn khoản vay mua nhà... , thì sẽ thấy chúng ta cần tiến hành đồng bộ các giải pháp và tổng lực ra sao.
"Sau 2 đợt cắt giảm lãi suất điều hành của NHNN, đưa mặt bằng lãi suất huy động về thấp hơn, đặc biệt là Nghị định 08 về trái phiếu riêng lẻ, Nghị quyết 33... của Chính phủ, ghi nhận đã có những chuyển động nhất định trong vốn tín dụng, trong trái phiếu. Điều cần nhất bây giờ là cơ chế cơ cấu lại thời hạn trả nợ, khoanh giãn nợ... cần được ban hành sớm, thủ tục rút gọn, trao quyền cho các ngân hàng chủ động làm việc với doanh nghiệp để ngân hàng có cơ hội tiếp cận tín dụng và giảm bớt áp lực nhảy nhóm nợ, vi phạm nghĩa vụ nợ chéo... Cơ hội phục hồi luôn luôn cần sự chung tay và những cái bắt tay hữu hiệu", vị chuyên gia nói thêm.
Có thể bạn quan tâm
Áp lực đáo hạn trái phiếu vẫn lớn
11:30, 20/04/2023
HoREA: Kiến nghị ngân hàng thương mại được mua lại trái phiếu
05:00, 18/04/2023
Gỡ khó bất động sản, hoá giải nút thắt trái phiếu doanh nghiệp
17:00, 14/04/2023
Vì sao lợi suất trái phiếu Chính phủ các kỳ hạn đều giảm?
05:16, 11/04/2023
Ngân hàng tiếp tục cơ cấu lại danh mục trái phiếu doanh nghiệp
11:30, 09/04/2023