Tạo đà phát triển vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ

NGỌC THÁI 08/12/2022 13:35

Được xem là nơi hội tụ đầy đủ yếu tố để phát triển kinh tế - xã hội nhưng suốt nhiều thập kỷ qua, tiềm năng của vùng Nam Thanh Hoá - Bắc Nghệ An vẫn chưa phát triển như kỳ vọng.

 Cảng Đông Hồi (Nghệ An) đã được quy hoạch nhưng đến nay mới chỉ triển khai phần hạ tầng đường giao thông đấu nối

Cảng Đông Hồi (Nghệ An) đã được quy hoạch nhưng đến nay mới chỉ triển khai phần hạ tầng đường giao thông đấu nối

Trong khi đó, theo quy hoạch mà Trung ương đã phê duyệt, khu vực các huyện, thị ở phía Nam Thanh Hoá và Bắc Nghệ An được xem là cực tăng trưởng cho cả vùng Bắc Trung Bộ. Tuy nhiên, để làm được điều đó, nhiều cơ hội và không ít thách thức cho vùng này cần sớm được tháo gỡ, tạo đà phát triển bền vững trong tương lai gần.

Trọng điểm phát triển công nghiệp - đô thị

Từ năm 1997, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ có ranh giới nghiên cứu gồm 2 huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá và Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An với tổng diện tích đất quy hoạch 1.015,392km2 có tính chất vùng tập trung cho ngành công nghiệp mũi nhọn là lọc hoá dầu và vật liệu xây dựng.

Khu vực Nam Thanh - Bắc Nghệ An cũng được xác định là một trong ba trọng điểm phát triển Công nghiệp - Đô thị trong quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung Bộ với các tiềm năng lợi thế phát triển về công nghiệp lọc hoá dầu, luyện kim, cơ khí đóng tàu, ô tô, chế tạo máy, vật liệu xây dựng, khai thác chế biến hải sản cùng với dịch vụ du lịch và cảng nước sâu…

Tiếp đó, Khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn ở tỉnh Thanh Hoá và Khu công nghiệp (KCN) Hoàng Mai tại tỉnh Nghệ An lần lượt được hình thành, tạo nhiều dấu dấn trong công tác thu hút đầu tư, trở thành trung tâm và động lực phát triển các ngành kinh tế chính của 2 địa phương. Thị xã Nghi Sơn, thị xã Hoàng Mai cũng được kiến thiết, xây dựng trở thành 2 đô thị loại II trực thuộc tỉnh cùng nhiều đô thị vệ tinh như Tĩnh Gia, Cầu Giát sớm bắt nhịp, chuyển mình phát triển với đa ngành, đa nghề.

Riêng vùng kinh tế trung du, miền núi trọng tâm là các đô thị mới được quy hoạch theo trục đường Hồ Chí Minh gồm thị xã Bãi Trành và Thái Hoà, thị trấn Thượng Ninh, Yên Cát, Hoá Quỳ, Nghĩa Đàn, Đông Hiếu cũng có nhiều bước chuyển mình. Theo quy hoạch vùng, các địa phương sẽ lấy công nghiệp khai khoáng, luyện kim, chế biến nông sản và dịch vụ du lịch làm động lực phát triển cho vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ.

Vào ngày 16/9/2009, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 1447/QĐ-TTg về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ đến năm 2025 và tầm nhìn sau năm 2025 với nhiều nội dung quan trọng. Theo quyết định 1447/QĐ-TTg, vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ sẽ là một vùng kinh tế quan trọng tầm quốc gia và quốc tế, có vị thế ảnh hưởng đặc biệt với Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Trung Bộ và các nước trong khu vực, là một vùng trọng điểm của chiến lược biển Việt Nam. Bên cạnh đó, vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ sẽ là khu vực phát triển năng động, có môi trường đầu tư thuận lợi, khả năng cạnh tranh cao trong khu vực.

“Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”

Với những định hướng về quy hoạch phát triển mà Trung ương đã quan tâm, chỉ đạo thực hiện suốt thời gian qua, đến nay vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ đã có nhiều chuyển biến rõ nét trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Còn xét về góc độ tổng thể, lịch sử phát triển kinh tế - xã hội, vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ An có nhiều điểm tương đồng với nhau.

Nhiều cơ chế, chính sách đã được ưu tiên để tạo đà phát triển vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ nhưng sau 13 năm kể từ khi Quyết định 1447/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, kinh tế - xã hội của vùng vẫn chưa đạt được các chỉ số tăng trưởng như kỳ vọng.

Vào ngày 23/11/2022, phát biểu tại Hội thảo khoa học luận cứ phát triển kinh tế vùng Quỳnh Lưu, TX Hoàng Mai gắn với Nam Thanh Hóa và Tây Bắc Nghệ An, nguyên thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hồ Xuân Hùng cho rằng, để phát triển kinh tế vùng và tỉnh, phải xác định rõ trách nhiệm của địa phương, tỉnh và các bộ, ngành Trung ương để có chính sách, giải pháp khơi dậy nội lực cũng như thu hút và kêu gọi nguồn lực từ bên ngoài.

Trước đó, vào ngày 08/8/2022, Ban Thường vụ các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh đã tổ chức hội nghị trao đổi kinh nghiệm và hợp tác phát triển giữa 3 tỉnh cũng nhấn mạnh sự liên kết, hợp tác giữa 3 địa phương, vừa có ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển của mỗi tỉnh, đồng thời vừa góp phần khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của mỗi địa phương đối với sự phát triển của khu vực Bắc Trung bộ, vùng duyên hải miền Trung và của cả nước. Tinh thần “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” cũng được lãnh đạo 3 tỉnh quan tâm, trao đổi, hợp tác trong thời gian tới.

Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý đã đề xuất một số nội dung liên kết, hợp tác thời gian tới. Trong đó, chú trọng phối hợp chặt chẽ trong quá trình tham gia xây dựng quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đặc biệt, Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An cũng đề xuất vấn đề tăng cường hợp tác phát triển khu vực Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An trong việc trao đổi thông tin, xử lý kịp thời các bất cập, vướng mắc về thực hiện quy hoạch, triển khai các dự án phát triển hạ tầng, dịch vụ, du lịch, khu đô thị. Bên cạnh đó, hợp tác, liên kết giới thiệu tiềm năng, lợi thế và cơ hội đầu tư, trao đổi thông tin về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp cần được tăng cường hơn nữa.

Có thể bạn quan tâm

  • Chiến lược mới cho miền Trung

    Chiến lược mới cho miền Trung

    15:16, 24/11/2022

  • “Kích cầu” nhà đất miền Trung

    “Kích cầu” nhà đất miền Trung

    14:00, 28/09/2022

  • Kinh tế miền Trung: Ngành công nghiệp tỷ đô trên đỉnh Ngọc Linh

    Kinh tế miền Trung: Ngành công nghiệp tỷ đô trên đỉnh Ngọc Linh

    13:28, 17/08/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tạo đà phát triển vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO