Tech Wire Asia đưa tin: Quy mô thương mại điện tử tại Việt Nam đang đứng thứ ba ở Đông Nam Á.
Mặc dù các nước láng giềng như Indonesia, Thái Lan mới đang dẫn đầu thị trường thương mại điện tử trong khu vực nhưng Việt Nam đang vươn lên mạnh mẽ và được dự báo sẽ trở thành một đối thủ đáng gờm trong thời gian tới.
Tech Wire Asia đưa tin: Quy mô thương mại điện tử tại Việt Nam đang đứng thứ ba ở Đông Nam Á. Điều ấn tượng hơn nữa là Việt Nam có khả năng đạt được thứ hạng như vậy bất chấp nhiều hạn chế đến từ cơ sở hạ tầng kỹ thuật số trong nước.
Cùng với tỷ lệ dân số tiếp cận và sử dụng Internet ngày càng tăng, vốn đầu tư nước ngoài quy mô lớn đổ vào các hãng bán lẻ nội địa như Tiki, Sendo hay Thế giới di động cũng là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên nhiều cột mốc mới cho thương mại điện tử Việt Nam.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều người tiêu dùng dành sự ủng hộ cho các nhà bán lẻ trực tuyến đến từ nước ngoài, điển hình là Amazon. Hãng này đã tham gia thị trường Việt vào đầu năm ngoái.
Theo một nghiên cứu cụ thể, mối quan tâm của người tiêu dùng thường đặt vào các vấn đề như chất lượng sản phẩm, thời gian giao hàng. Điều này có thể lý giải cho nguyên nhân vì sao nhiều người vẫn ưa thích các hãng bán lẻ nước ngoài hơn.
Trong một cuộc khảo sát về các ý kiến phản hồi của người tiêu dùng, 30% trong số người được khảo sát cho rằng chất lượng hàng hóa mua qua hình thức thanh toán trực tuyến không được chính xác như những gì họ mong muốn.
Mặc khác, có 26% số người được hỏi cho rằng các lựa chọn khi tiến hành mua sắm qua mạng là hạn chế hơn so với việc shopping thông thường. Hơn nữa, thời gian giao hàng không như ý cũng ảnh hưởng đáng kể đến quyết định lựa chọn hình thức mua sắm của họ.
Điều này báo hiệu sự cần thiết của các hãng bán lẻ trực tuyến trong việc phải xem xét lại mô hình kinh doanh, hiệu quả hoạt động, khả năng hậu cần và chiến lược bán hàng để lấy lại lòng tin nơi người tiêu dùng.
Mặc dù vẫn có nhiều dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào các hãng thương mại điện tử nội địa, cũng như việc gọi vốn hiệu quả từ chính các hãng đó, nhưng rõ ràng chiến lược kinh doanh của nhiều hãng chưa thực sự đem lại trải nghiệm tốt cho khách hàng.
Các hãng bán lẻ nội địa cần phải cố gắng tìm hiểu nhu cầu cụ thể của thị trường địa phương, cũng như những hạn chế trong khâu phục vụ của họ. Chính những thiếu sót không đáng có đã dẫn đến những phản hồi thiếu tích cực.
Hơn nữa, họ cũng phải nỗ lực nhiều hơn để đa dạng hóa các lựa chọn hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, mang lại sự minh bạch trong chuỗi cung ứng và tăng hiệu quả khâu hậu cần.
Việc xây dựng quan hệ đối tác trong chuỗi cung ứng và tận dụng được các công nghệ phù hợp có thể là lời giải cho những vấn đề phức tạp kể trên. Họ cũng cần hiểu được tính ứng dụng của các nền tảng kỹ thuật số để có thể cải thiện được hiệu quả hoạt động nhiều hơn.
Một số người có thể tranh luận rằng tại sao việc người tiêu dùng ưu tiên một thương hiệu đến từ nước ngoài lại có thể gây ra nhiều sự lo lắng đến thế. Đó là bởi, đối với một quốc gia đang phát triển, việc tăng trưởng kinh tế được kích thích bởi các hoạt động kinh doanh nội địa đóng vai trò quan trọng trong việc giảm nghèo, tạo việc làm, cải thiện đời sống, đồng thời thúc đẩy số hóa nền kinh tế.
Lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam được đánh giá là giàu tiềm năng, có khả năng bắt kịp các nước lân cận và nổi lên như một thị trường có tiếng trong khu vực. Tuy nhiên, khả năng đó chỉ có thể xảy ra khi các hãng bán lẻ trực tuyến nội địa giải quyết tốt những thách thức, vấn đề còn tồn tại.