UBND tỉnh Thái Bình vừa phối hợp với VCCI tổ chức hội nghị "Tăng cường sự hợp tác giữa chính quyền và doanh nghiệp trong công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh" trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
>>> Để doanh nghiệp Thái Bình trở lại "đường đua"
Theo ông Đậu Anh Tuấn, doanh nghiệp, doanh nhân vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế hiện nay. Khu vực doanh nghiệp tư nhân là nòng cốt tạo ra việc làm và sự tăng trưởng của nền kinh tế. Hành trình của Thái Bình vẫn còn dài, bởi theo thống kê, tỷ lệ doanh nghiệp bình quân đầu người, số dự án đầu tư nước ngoài của tỉnh Thái Bình so với các địa phương khác vẫn còn hạn chế, chưa tương xứng tiềm năng. Do đó, chính quyền cần tạo điều kiện nhiều hơn nữa cho doanh nghiệp đầu tư, hoạt động; không chỉ bằng văn bản hay các tuyên bố, mà cái doanh nghiệp cần nhất là những chuyển biến, những hành động cụ thể tại các sở, ngành, địa phương, giúp doanh nghiệp giảm thời gian, chi phí đầu tư.
Từ thực tiễn hoạt động của VCCI, có thể cho rằng, thực tế tại các địa phương còn tồn tại 3 khoảng cách lớn giữa doanh nghiệp và chính quyền, đó là: khoảng cách về tư duy giữa doanh nghiệp và chính quyền; khoảng cách về tốc độ giữa doanh nghiệp và chính quyền; khoảng cách về niềm tin giữa doanh nghiệp và chính quyền.
Trong đó, giữa doanh nghiệp và chính quyền vẫn có những góc nhìn khác nhau trong tương tác, vận hành. Do vậy, chính quyền cần tạo ra những TTHC thật sự thông thoáng, từ đó mở ra cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp. Cùng với đó, tốc độ kinh doanh của doanh nghiệp luôn thay đổi để bắt kịp nhịp kinh doanh của thị trường, trong khi tốc độ cải cách hành chính của chính quyền thường chậm hơn so với tốc độ kinh doanh. Do đó, việc rút ngắn khoảng cách giữa quyết định kinh doanh và quyết định hành chính rất quan trọng đối với các chính quyền địa phương hiện nay. Quan trọng hơn, giữa doanh nghiệp và chính quyền cần tăng cường sự hợp tác trên cơ sở gắn kết niềm tin lẫn nhau để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi như mong muốn.
Qua khảo sát PCI cho thấy, tính minh bạch trong tiếp cận thông tin của tỉnh Thái Bình vẫn chưa cao mặc dù việc cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành của tỉnh rất tích cực. Các doanh nghiệp vẫn cho rằng, muốn có thông tin vẫn phải gặp trực tiếp cán bộ, công chức và cần phải có “quan hệ” để tiếp cận thông tin cần thiết và được hỗ trợ. Đồng thời, trong quá trình hoạt động, các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn nhưng chưa có cơ chế hỗ trợ hiệu quả. Do đó, theo ông Tuấn, chính quyền cần xây dựng cơ chế thiết thực, hiệu quả để chủ động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo nên niềm tin của chính quyền đối với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.
>>> Thái Bình: Tận dụng thời cơ biến khát vọng thành hiện thực
Ông Nguyễn Quang Hưng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thái Bình cho rằng, mặc dù đã có những bước tiến đáng ghi nhận, nhưng tỉnh vẫn phải tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Sự kết nối, hợp tác giữa chính quyền và doanh nghiệp là nhiệm vụ rất quan trọng của tỉnh nhằm nâng cao mối quan hệ giữa chính quyền với doanh nghiệp, từ đó cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có tầm nhìn bao quát, đồng hành cùng chính quyền; giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ như tìm hiểu về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, thông tin thị trường, đào tạo, tư vấn, xúc tiến đầu tư, thương mại, cơ hội hợp tác.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Trần Văn Quang, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Bình cho biết, hàng năm, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh triển khai, đánh giá bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) đã mang lại những giá trị tích cực. Việc đánh giá DDCI này dựa trên các tiêu chí của Bộ chỉ số PCI do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện hàng năm đối với các địa phương. Theo đó, các phiếu khảo sát được gửi tới các doanh nghiệp trên địa bàn để doanh nghiệp đánh giá những điểm được và chưa được của bộ máy chính quyền, từ đó các sở, ngành, địa phương nhìn nhận lại mình và có những điều chỉnh phù hợp, tạo thuận lợi hơn cho môi trường kinh doanh của tỉnh.
Theo chuyên gia Ban Pháp chế VCCI Trương Đức Trọng, chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền là tiêu chí mà doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm kiếm, nhìn vào để đưa ra quyết định đầu tư vào địa bàn hay không. Ông Trọng cho rằng, tỉnh Thái Bình cần tiếp tục duy trì cam kết thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường tiếp cận thông tin bằng nhiều hình thức khác nhau, thuận lợi cho doanh nghiệp; giảm thiểu phiền hà về thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực hơn nữa; hỗ trợ hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp trong đó có thực thi các chính sách; tăng cường đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua đối thoại trực tiếp.
Có thể bạn quan tâm
Thái Bình: Nhiều sản phẩm hàng Việt được các doanh nghiệp đưa về nông thôn
01:08, 22/09/2023
Thái Bình: Bàn giải pháp phát triển du lịch điểm đến trải nghiệm ấn tượng
22:40, 15/09/2023
Thái Bình: Hơn 300 doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu đơn hàng
13:16, 13/09/2023
Thái Bình: Phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đi đôi với bảo vệ môi trường
06:06, 13/09/2023
Thái Bình: Mong muốn sớm được đón các doanh nghiệp New Zealand đến đầu tư
01:21, 12/09/2023
Thái Bình: Khắc phục khó khăn để dự án thi công đúng tiến độ
01:11, 08/09/2023