Số hóa trong lĩnh vực thủy sản sẽ thay đổi phương thức sản xuất để đạt mục tiêu trở thành nghề cá hiện đại, và để hệ thống hóa dữ liệu quản lý tàu cá.
Vì vậy, thời gian qua, tỉnh Thái Bình luôn chú trọng đến việc tuyên truyền, vận động ngư dân ứng dụng công nghệ vào khai thác, giúp nâng cao năng suất, chất lượng cho sản phẩm thủy sản.
Đẩy mạnh...
Đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS) trong quản lý và khai thác thủy sản (KTTS), là góp phần thực hiện chống KTTS bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Theo UBND huyện Thái Thụy: Toàn huyện hiện có 376 tàu thuyền KTTS có chiều dài từ 6m trở lên đã được đăng ký và nhập vào phần mềm dữ liệu tàu cá quốc gia VnFishbase, 100% tàu cá đã được sơn cabin, kẻ biển số theo quy định. Nhiều ngư dân đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị hiện đại như hệ thống định vị vệ tinh GPS, thiết bị giám sát hành trình, máy dò cá... Một số ngư dân từ đánh bắt thủy sản truyền thống nay đã quen với sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử (eCDTVN), báo cáo vị trí đánh bắt qua hệ thống giám sát hành trình, truy xuất nguồn gốc thủy sản, nhờ đó công tác quản lý dữ liệu tàu cá, chống khai thác IUU hiệu quả hơn.
Ông Đỗ Hữu Vận - Thuyền trưởng tàu cá TB90339TS cho biết: Từ khi tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, tín hiệu được cập nhật vào đất liền 24/24 giờ. Tất cả nhật ký khai thác đều được cập nhật trên hệ thống, tôi có thể dễ dàng kiểm tra trong ứng dụng trên điện thoại, từ đó có lộ trình khai thác hiệu quả. Vừa qua, tôi được tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng phần mềm eCDTVN. Tôi thấy phần mềm này không quá phức tạp.
Với ứng dụng này, tất cả thông tin, dữ liệu về tàu cá, thuyền thưởng và các thuyền viên, lao động trên thuyền... đều được cập nhật nhanh, chính xác, rất thuận lợi và hữu ích với ngư dân. Tôi và các chủ tàu ở địa phương sẽ cùng hỗ trợ nhau sử dụng phần mềm eCDTVN.
Cũng thực hiện chuyển đổi số trong KTTS, anh Trịnh Quang Vinh, thuyền trưởng tàu cá TB90215TS và TB90216TS ứng dụng phần mềm kiểm soát tàu cá để thuận tiện làm thủ tục hành chính khi ra, vào cảng cá, đăng ký, đăng kiểm tàu cá.
Anh Vinh chia sẻ: Tàu của tôi neo đậu ở cảng cá Tân Sơn, được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Diêm Điền hướng dẫn sử dụng trang web: kiemsoattauca.com.vn. Tôi đã có tài khoản đăng nhập, có mã quét QR. Bất cứ lúc nào khi tàu cập bến hay xuất bến, tôi chỉ cần sử dụng phần mềm thông qua ứng dụng di động. Thông qua phần mềm, tôi tiết kiệm chi phí và thời gian đi lại trong giải quyết thủ tục hành chính.
Ông Phạm Văn Quảng - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Diêm Điền cho biết: Địa phương có 144 tàu cá, trong đó 70 tàu có chiều dài trên 15m. Chính quyền địa phương đã số hóa công tác quản lý thông tin qua thành lập nhóm zalo với các chủ tàu cá trên địa bàn. Khi phát hiện tàu cá nào vượt ranh giới đánh bắt qua vùng biển nước ngoài hay mất kết nối hành trình, gặp khó khăn, sự cố khi đi biển, nhóm sẽ thông báo ngay cho nhau để kịp thời khắc phục và giúp đỡ. Từ đó, công tác quản lý tàu cá theo quy định được thuận lợi và nhanh chóng hơn trước.
Ứng dụng công nghệ vào khai thác
Trở về sau chuyến đi biển gần nửa tháng, tàu cá của ông Nguyễn Văn Hùng, ở Tiền Hải thu về được 5 tấn hải sản, trong đó có nhiều loại hải sản giá trị kinh tế cao. Theo ông Hùng, chính việc ứng dụng các thiết bị công nghệ mới đã giúp tàu cá của gia đình ông khai thác hiệu quả hơn.
Đặc biệt, việc lắp đặt máy dò ngang với bán kính dò 2.000m đã giúp kiểm soát được vùng nước xung quanh tàu và phát hiện những đàn cá ở vị trí cách xa tàu.
Ông Hùng cho biết: "Tàu của tôi được trang bị máy nhận dạng, máy dò đứng, dò quét, có thể phát hiện cá. Các thiết bị càng hiện đại thì việc đánh bắt càng thuận lợi."
Theo Chi cục Thủy sản Thái Bình cho biết: "Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường kiểm soát tàu cá, cập cảng và rời cảng, đặc biệt giám sát sản lượng trên cảng, tránh việc ngư dân khai thác bất hợp pháp."
Hiện nay, Chi cục Thủy sản Thái Bình đang tích cực tuyên truyền và triển khai chính sách hỗ trợ ứng dụng công nghệ vật liệu mới trong đóng mới hầm bảo quản sản phẩm khai thác thủy sản, hỗ trợ mua thiết bị giám sát hành trình và phí thuê bao dịch vụ thiết bị giám sát hành trình cho chủ tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh. Đồng thời, tích cực ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý tàu cá. Qua đó, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thủy sản sau khai thác cũng như hiệu quả công tác quản lý tàu cá trên địa bàn.
Trung tá Trần Bình Trọng, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Diêm Điền chia sẻ: Triển khai thực hiện phần mềm kiểm soát tàu cá, cán bộ, chiến sĩ đã hướng dẫn 100% ngư dân sử dụng phần mềm. Đầu tiên phải ghi nhận hiệu quả trong giải quyết thủ tục hành chính cho bà con ngư dân. Ngoài ra, còn nâng cao chất lượng lưu trữ, giám sát tàu cá hoạt động KTTS trên các vùng biển (vùng bờ, vùng lộng và vùng khơi). Từ đầu năm 2024 đến nay, Đồn đã phối hợp với chính quyền xã Thụy Hải và thị trấn Diêm Điền xác minh, làm rõ 2 phương tiện vi phạm vùng biển nước ngoài.
Điển hình, trong tháng 4/2024, đơn vị đã phối hợp UBND thị trấn Diêm Điền xác minh, làm rõ phương tiện TB90269TS do ông Nguyễn Duy Anh là chủ tàu đã vượt ranh giới tại tọa độ 19047’49”N-107044’16E mất kết nối giám sát hành trình trên biển. Ông Nguyễn Duy Anh đã cung cấp đầy đủ hồ sơ chứng minh phương tiện TB90269TS vượt ranh giới do bất khả kháng, phương tiện bị cuốn chân vịt, gãy trục bánh lái và hỏng mô tơ tời nên tàu phải thả trôi, thủy triều lên xuống mạnh nên tàu bị trôi qua ranh giới gần 1 hải lý.
Ông Bùi Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất và Cụm công nghiệp huyện Thái Thụy, đơn vị quản lý bến cá Tân Sơn cho biết: Số hóa trong quản lý và KTTS, chúng tôi đã lập nhóm zalo gồm tổ quản lý cảng và tất cả chủ tàu thuyền trên địa bàn huyện để tuyên truyền và hướng dẫn sử dụng phần mềm eCDTVN, nhật ký khai thác điện tử, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng ngư dân và lực lượng chức năng vẫn nỗ lực triển khai, quyết tâm thực hiện, góp phần phát triển ngành thủy sản bền vững.
Thời gian tới, Trung tâm chỉ đạo tổ quản lý cảng, bến cá thu nhật ký báo cáo khai thác, giám sát toàn bộ sản lượng KTTS, nhập dữ liệu sản lượng vào phần mềm theo quy định; bảo đảm tất cả các tàu cá neo đậu trong khu vực cảng cá phải có dữ liệu đã qua kiểm soát; phối hợp với các đồn biên phòng tuyên truyền ứng dụng chuyển đổi số trong KTTS, tăng cường kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất, nhập bến, kiên quyết không để tàu cá không đủ điều kiện xuất bến hoạt động ở vùng biển theo quy định.
Theo Chi cục Thủy sản Thái Bình cho biết: Thời gian tới, đơn vị sẽ cùng chính quyền địa phương tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao hiệu quả nhận thức cho ngư dân tuân thủ các quy định của Luật Thủy sản và chống khai thác IUU. Vận động ngư dân tham gia sử dụng phần mềm eCDTVN.
Thông qua hai ứng dụng phổ biến hiện nay là hệ thống phần mềm kiểm soát tàu cá và hệ thống giám sát hành trình tàu cá VMS được kỳ vọng góp phần minh bạch hóa thông tin, đẩy nhanh tiến trình gỡ “thẻ vàng” của EC.