Sau khi có văn bản yêu cầu đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công hồi cuối tháng 2, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên tiếp tục có văn bản đốc thúc tiến độ giải ngân kế hoạch năm 2021…
Theo đó, năm 2021, tổng vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên khoảng hơn 4.800 tỷ đồng; trong đó vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương gần 3.700 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương trên 1.130 tỷ đồng, vốn nước ngoài (ODA) khoảng 547 tỷ đồng.
Theo kế hoạch phân bổ vốn đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên thông qua vào cuối năm 2020, đối với nguồn vốn đầu tư ngân sách địa phương tập trung phần do tỉnh quản lý được phân bổ cho các dự án hoàn thành quyết toán (97 tỷ đồng), bố trí cho các dự án hoàn thành, dự án chuyển tiếp dự kiến hoàn thành năm 2021 (113 tỷ đồng), bố trí đối ứng các dự án sử dụng vốn vay ODA, dự án đầu tư PPP...
Đối với phần vốn đầu tư công từ ngân sách địa phương phân bổ cho cấp huyện (210 tỷ đồng) được bố trí để hoàn thành các dự án giai đoạn 2016- 2020 do tỉnh quyết định đầu tư trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã; phần còn lại các địa phương bố trí để hoàn thành các dự án dở dang do cấp huyện quyết định đầu tư, khởi công mới và chuẩn bị các dự án đầu tư giai đoạn 2021- 2025...
Giải ngân vốn đầu tư công được xác định là phần quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2021, tuy nhiên tốc độ giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm nay của Thái Nguyên vẫn còn thấp. Đặc biệt, nguồn vốn đầu tư công từ nguồn vốn vay nước ngoài dù đã được giao kế hoạch vốn cho 7 dự án đạt 92% kế hoạch nhưng kết thúc tháng 5 tỉnh vẫn chưa giải ngân được nguồn vốn đầu tư này.
Trước tình hình đó, ngày 15/6/2021 ông Trịnh Việt Hùng- Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên- đã tiếp tục ký ban hành Văn bản số 2715/UBND-TH đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu Giám đốc các Sở, ngành, đơn vị liên quan; Các chủ đầu tư dự án sử dụng vốn đầu tư công; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư, hồ sơ thanh toán đối với khối lượng của dự án và gửi hồ sơ, trực tiếp làm việc với Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 theo đúng quy định.
Đối với nguồn vốn 30% ngân sách tỉnh phân cấp cho cấp huyện giao Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn 30% ngân sách tỉnh phân cấp cho cấp huyện, đảm bảo hoàn thành tỷ lệ cao nhất theo kế hoạch được giao.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cũng giao Giám đốc các Sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, các chủ đầu tư dự án và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã có giải pháp cụ thể khắc phục các khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh giải ngân vốn, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra chậm trễ trong giải ngân vốn.
Bên cạnh đó cũng lưu ý: Đẩy mạnh giải ngân đi đôi với đảm bảo chất lượng công trình các dự án, phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Được biết, trong giai đoạn xen giữa 2 văn bản “thúc” tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nói trên, ngày 12/4/2021 ông Trịnh Việt Hùng cũng đã ký ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND tăng cường công tác quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021. Một thái độ dứt khoát của lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên được đưa ra, là: Các dự án chuyển tiếp được bố trí vốn năm 2021 đến 30/6/2021 phải giải ngân trên 50% và đến 15/12/2021 giải ngân 100% kế hoạch vốn. Các dự án khởi công mới năm nay đến 30/9/2021 phải hoàn tất các thủ tục về đấu thầu và đến 31/12/2021 phải giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao.
Chính quyền địa phương cần ưu tiên bố trí vốn thực hiện giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai dự án; Lập biểu đồ tiến độ, báo cáo UBND tỉnh điều chuyển vốn đối với những dự án, công trình không có khả năng giải ngân hết 100% kế hoạch vốn năm 2021 trước 31/10/2021; Chủ đầu tư, đơn vị nào không báo cáo, dẫn đến bị cắt vốn sẽ xem xét, xử lý theo quy định.
Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên cũng giao Sở Kế hoạch đầu tư theo dõi chặt chẽ tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của các dự án. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Kho Bạc Nhà nước tổng hợp danh mục các dự án (trừ dự án khởi công mới) đến ngày 30/9/2021 giải ngân đạt tỷ lệ dưới 60% kế hoạch vốn, báo cáo điều chuyển vốn đã giao 2021 sang dự án, công trình khác có nhu cầu bổ sung vốn đầu tư, có tỷ lệ giải ngân cao, có điều điều kiện để giải ngân hết kế hoạch vốn được bổ sung.
Đơn vị nào không giải ngân hết kế hoạch vốn sẽ bị cắt giảm dự toán được giao và không được cấp bổ sung. Đồng thời chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về việc này.
Bên cạnh đó, đến ngày 30/6/2021, chủ đầu tư, đơn vị thực hiện các dự án chuyển tiếp chưa thực hiện giải ngân, các dự án khởi công mới năm 2021 đến 30/9/2021 chưa hoàn tất thủ tục về đấu thầu nếu không có lý do chính đáng phải tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân người đứng đầu, báo cáo UBND tỉnh xem xét, xử lý theo quy định.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên khẳng định: Kết quả thực hiện giải ngân kế hoạch vốn năm 2021 được xem là tiêu chí đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu địa phương, đơn vị và chủ đầu tư dự án trong năm 2021.
Có thể bạn quan tâm
Thái Nguyên: Đường du lịch ven Hồ Núi Cốc còn “ách tắc” đến bao giờ?
04:40, 11/06/2021
Thái Nguyên: Vì sao kế hoạch thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước bị “phá sản”?
04:20, 02/05/2021
Thái Nguyên: “Tử thần” rình rập từ mỏ than Khánh Hòa
11:01, 27/04/2021
Thái Nguyên: Đấu giá đất khi chưa có hạ tầng, người mua “lĩnh” hậu quả?
21:39, 22/04/2021
Vụ Gang thép Thái Nguyên: Trách nhiệm có bị “đổ” dồn lên các bị cáo?
04:00, 17/04/2021
Vụ đại án gang thép Thái Nguyên: Nhiều đại diện bộ ngành bị triệu tập
07:30, 12/04/2021