“Alibaba nhắm mục tiêu đến năm 2024, đạt tổng giá trị giao dịch (GMV) hơn 100 tỷ USD và có trên 10.000 nhà cung cấp đến từ Việt Nam hoạt động thương mại B2B trên Alibaba.com”.
Đó là tuyên bố của ông Zhang Kuo –Tổng Giám đốc của Alibaba.com, trong hội nghị “Thương mại điện tử quốc tế B2B Alibaba.com 2021”, tổ chức tại Hà Nội vừa diễn ra, do Cục Xúc tiến thương mại (Cục xúc tiến thương mại) - Bộ Công Thương Việt Nam và nền tảng Alibaba.com là các bên đồng tổ chức.
Tại hội nghị này, Alibaba đã đưa ra các liên kết và hỗ trợ kỹ thuật tập trung cho hai đối tượng chính là các tổ chức xúc tiến thương mại và các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) Việt Nam về chuyển đổi số. Đặc biệt, họ cam kết sẽ từng bước hỗ trợ các doanh nghiệp SME Việt Nam tiếp cận thị trường toàn cầu.
Đồng thời, Cục xúc tiến thương mại cũng cam kết sẽ đồng hành cùng Alibaba trong các hoạt động nâng cao năng lực chuyển đổi số, năng lực thương mại điện tử, đặc biệt là các kỹ năng trong thương mại quốc tế nhằm hỗ trợ các tổ chức xúc tiến thương mại công ty và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Zhang cho rằng, trong những năm gần đây bản thân Alibaba đã liên tục xây dựng quan hệ đối tác với các hiệp hội, đối tác kinh doanh và ngân hàng với mục tiêu giúp các doanh nghiệp SME Việt Nam nâng cao năng lực kỹ thuật số, kỹ năng vận hành, quản lý khách hàng và hoàn thành đơn hàng trong những năm qua.
Không phải mới đây, từ cuối năm 2020 Cục xúc tiến thương mại và Alibaba đã phối hợp, triển khai chương trình gồm chuỗi sự kiện huấn luyện, đào tạo hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực về thương mại điện tử, đưa sản phẩm lên nền tảng Alibaba.com. Đã có nhiều chương trình được triển khai gồm chuỗi sự kiện huấn luyện, đào tạo cho doanh nghiệp nhằm tư vấn trực tiếp và kết nối doanh nghiệp với mạng lưới dịch vụ hỗ trợ được thiết kế riêng cho chương trình.
Có thể kể ra ở đây sự kiện “Chuyển đổi số B2B xuyên biên giới” với mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp SME của Việt Nam sản xuất và kinh doanh hiệu quả, hay là chuỗi các sự kiện trực tuyến mang tên “Triển khai xuất khẩu trực tuyến” trên nền tảng này để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia, giúp tạo ra lưu lượng người mua và nâng cao nhận diện về thương hiệu trên toàn cầu…
Quay lại quá khứ, Alibaba đã chính thức vào thị trường Việt Nam cách đây 12 năm, bắt đầu từ năm 2009.
Có thể nói, do hình thức B2B (doanh nghiệp bán hàng cho doanh nghiệp qua thương mại điện tử) phải cần thời gian để tìm hiểu, nhận biết thị trường và quá trình tạo ra thói quen mua hàng trực tuyến, nên khi vào Việt Nam, Alibaba đã thông qua các đối tác tại Việt Nam như là OSB để tạo kết nối.
Giờ đây, khi đã có rất nhiều khách hàng và đã xây dựng được một mạng lưới rộng lớn tại Việt Nam. Alibaba đã nhận thấy nhu cầu lớn trên thế giới đối với các mặt hàng tại Việt Nam. Bên cạnh đó, họ cũng thấy nguồn cung tại Việt Nam rất lớn, các nhà sản xuất tại Việt Nam cũng rất tiềm năng. Từ những yếu tố trên, Alibaba muốn lôi kéo một lượng lớn các doanh nghiệp SME tại Việt Nam sẽ tham gia tích cực vào mạng lưới thương mại toàn cầu của Alibaba.com.
Ra mắt vào năm 1999, Alibaba.com là nền tảng hàng đầu cho thương mại bán buôn toàn cầu. Họ phục vụ hàng triệu người mua và nhà cung cấp trên khắp thế giới.
Alibaba.com là một phần của Tập đoàn Alibaba, “gã khổng lồ” công nghệ của tỷ phú Jack Ma, sứ mệnh của họ là giúp các doanh nghiệp, người bán hàng có thể dễ dàng kinh doanh ở bất cứ đâu, bằng cách cung cấp cho các nhà sản xuất các công cụ cần thiết để tiếp cận đối tượng toàn cầu cho sản phẩm của họ và bằng cách giúp người mua tìm thấy sản phẩm và nhà cung cấp một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Dưới sự cam kết và hỗ trợ của nền tảng Alibaba.com, các doanh nghiệp Việt Nam có thể sẽ được kinh doanh trực tuyến và tiếp cận khách hàng trên toàn cầu. Các doanh nghiệp SME Việt Nam có thể tham gia nhanh hơn vào các nền tảng thương mại điện tử, đặc biệt là nền tảng Alibaba.com để thiết lập phạm vi tiếp cận toàn cầu, đồng thời tiếp cận các giải pháp được thiết kế riêng để thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh, và có sẵn các dịch vụ phù hợp để giúp các DNNVV tăng cường khả năng thương mại trực tuyến của họ.
Từ đó, các doanh nghiệp SME Việt Nam sẽ được nâng cao kỹ năng vận hành, năng lực kỹ thuật số của nhà bán hàng, đẩy nhanh chuyển đổi số thông qua các dịch vụ và tư vấn sau khi tham gia nền tảng.
“Với các FTA được ký kết gần đây và tình hình khó lường của đại dịch là những yếu tố chính thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của các DNNVV. Số hóa không chỉ phục vụ tốt cho các doanh nghiệp bán hàng mà còn cho phép họ tạo ra một mô hình kinh doanh bền vững hơn. Tôi luôn nhấn mạnh rằng Việt Nam là một thị trường có tiềm năng cao, tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn áp dụng số hóa trên tất cả các ngành và lĩnh vực kinh doanh. Vì vậy, chúng tôi mong muốn làm việc với nhiều doanh nghiệp SME Việt Nam hơn nữa để xây dựng, và chuyển đổi hoạt động kinh doanh trở nên bền vững hơn, và tạo ra lợi ích lâu dài”, Stephen Kuo - Trưởng bộ phận Châu Á Thái Bình Dương, của Alibaba.com chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Sóng gió lại ập đến với Jack Ma: Trình duyệt web của Alibaba đồng loạt bị gỡ khỏi các app store
14:37, 17/03/2021
Ông lớn TMĐT Alibaba hướng đến Doanh nghiệp SMEs Việt Nam
14:18, 14/03/2021
Tập đoan Alibaba đã mua Công ty khởi nghiệp giao đồ ăn trực tuyến ở Bangladesh HungryNaki
04:05, 12/03/2021
Alibaba thờ ơ nhìn TikTok và Tencent gây chiến?
11:34, 08/02/2021
Cổ phiếu Alibaba và bước thử vị thế Jack Ma
05:30, 22/01/2021