Dù quy hoạch 115 cụm công nghiệp (CCN) nhưng đến nay mới có 2 CCN đủ điều kiện thu hút nhà đầu tư thứ cấp, tỉnh Thanh Hóa cần xem xét lại tiến độ đầu tư hạ tầng các CCN còn rất chậm và thiếu đồng bộ.
>>Ninh Thuận mời gọi các nhà đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp
Việc hình thành và phát triển các cụm công nghiệp tại Thanh Hóa thời gian qua đã thu hút một khối lượng lớn vốn đầu tư cho phát triển công nghiệp góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, giải quyCCCCCết việc làm tại chỗ; đồng thời khắc phục tình trạng sản xuất phân tán, tạo thuận lợi cho công tác quản lý.
Theo quy hoạch đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh có 115 cụm công nghiệp được quy hoạch với tổng diện tích 5.267,25 ha. Trong đó, hiện mới có 2 cụm công nghiệp đã hoàn thành toàn bộ hạ tầng, đủ điều kiện thu hút dự án đầu tư thứ cấp, gồm: Cụm công nghiệp Thái Thắng (huyện Hoằng Hóa) diện tích 30,7ha, đã thu hút được 2 dự án thứ cấp; Cụm công nghiệp thị trấn Vạn Hà (huyện Thiệu Hóa) diện tích 17,64 ha, đã được 01 nhà đầu tư thứ cấp (thuộc tập đoàn HuaLi) ký hợp đồng thuê lại 100% diện tích đất công nghiệp 12,16 ha, hiện nhà đầu tư thứ cấp đã khởi công xây dựng để sớm đưa dự án vào hoạt động.
Ngoài ra, có 3 cụm công nghiệp đã hoàn thành đầu tư hạ tầng giai đoạn 1 và 9 cụm công nghiệp đã hoàn thành giải phóng mặt bằng toàn bộ dự án hoặc theo giai đoạn, được UBND tỉnh Thanh Hóa cho thuê đất, đang xin cấp quyền sử dụng đất hoặc đang đầu tư xây dựng hạ tầng. Hiện các dự án chậm tiến độ do việc xác định giá đất để làm cơ sở cấp giấy chứng nhận sử dụng đất mất nhiều thời gian, có dự án gặp khó khăn trong thi công trên thực địa. Đồng thời, có 10 cụm công nghiệp đã hoàn thành thủ tục đầu tư, đang tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng; 2 cụm công nghiệp đã hoàn thành thủ tục đầu tư, tuy nhiên chủ đầu tư không triển khai các thủ tục để tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng.
Tình trạng chậm đầu tư các CCN đã làm nóng nghị trường tại phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Thanh Hóa. Ông Phạm Bá Oai - Giám đốc Sở Công Thương chỉ ra nguyên nhân chính dẫn đến chậm đầu tư hạ tầng CCN là do năng lực của một số chủ đầu tư còn yếu, chưa tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện dự án, dẫn đến dự án phải điều chỉnh tiến độ nhiều lần. Một số CCN phải chờ quy hoạch xây dựng chung đô thị hoặc điều chỉnh quy hoạch phát triển đô thị thì mới lập và phê duyệt được quy hoạch chi tiết.
Đặc biệt, một nguyên nhân nữa là việc lập, phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất cấp huyện hằng năm chậm, dẫn đến hầu hết các CCN sau khi thành lập mất nhiều thời gian chờ phê duyệt kế hoạch sử dụng đất mới hoàn thiện được hồ sơ trình HĐND tỉnh phê duyệt danh mục sử dụng đất. Một số CCN thì thời gian GPMB bị kéo dài, chậm bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư thi công; việc xác định giá đất làm cơ sở cấp quyền sử dụng đất của một số CCN chậm dẫn đến chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án...
Việc quy hoạch các cụm công nghiệp còn tồn tại nhiều bất cập, các dự án khu, cụm công nghiệp còn triển khai chậm, chậm tiến độ, thiết đồng bộ cơ sở hạ tầng, chưa thu hút được các ngành công nghiệp sạch chất lượng cao, công nghệ cao.
Để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các CCN, ông Phạm Bá Oai, Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa đã đưa ra một số giải pháp cụ thể như: Sở Công Thương tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Chủ đầu tư CCN, UBND cấp huyện, các sở, ban, ngành có liên quan khẩn trương thực hiện một số nội dung, như: Đôn đốc nhà đầu tư tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ để hoàn thiện thủ tục đầu tư và tổ chức đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN; tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, thu hút dự án thứ cấp đầu tư vào CCN; lập và xin ý kiến thỏa thuận với cấp huyện để ban hành Quy chế quản lý riêng của CCN, tổ chức thực hiện nghiêm túc Quy chế quản lý riêng của CCN; thực hiện chế độ báo cáo theo quy định. Các chủ đầu tư có CCN chậm tiến độ theo quy định nếu việc chậm tiến độ là do nguyên nhân khách quan, lập hồ sơ theo quy định, trình UBND tỉnh để UBND tỉnh xem xét quyết định điều chỉnh tiến độ.
Bên cạnh đó, giao UBND các huyện phải lập kế hoạch sử dụng đất theo tiến độ của các CCN đã được UBND tỉnh quy định tại Quyết định thành lập CCN hoặc Quyết định điều chỉnh tiến độ CCN; quan tâm phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cho các CCN đã được UBND tỉnh quyết định thành lập; tổ chức thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết CCN; thiết kế cơ sở và dự án đầu tư theo thẩm quyền; tham gia ý kiến thỏa thuận đối với Quy chế quản lý riêng của CCN; chỉ đạo ban GPMB cấp huyện tập trung hoàn thành công tác bồi thường, GPMB, tái định cư theo tiến độ của các CCN đã được UBND tỉnh quy định và tích cực hỗ trợ các chủ đầu tư trong quá trình lập hồ sơ thuê đất với nhà nước…
>>Thái Bình: Chú trọng bảo vệ mội trường trong các khu, cụm công nghiệp
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trên địa bàn, thu hút vốn đầu tư vào cụm công nghiệp. Ông Đỗ Trọng Hưng - Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các CCN; sớm ban hành, triển khai và đảm bảo tính đồng bộ của các quy hoạch, như: Quy hoạch sử dụng đất, Quy hoạch xây dựng vùng huyện, Quy hoạch phát triển đô thị, Quy hoạch phân khu, Quy hoạch chung xây dựng xã để có cơ sở lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết CCN; dành quỹ đất cần thiết để xây dựng các CCN; quan tâm cân đối, phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cho các CCN đã được UBND tỉnh quyết định thành lập. Hội đồng thẩm định chuyển đổi đất trồng lúa, đất rừng sớm tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phương án chuyển mục đích sử dụng đất. Hội đồng xác định giá đất, sớm xác định giá đất làm cơ sở để Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các CCN.
Đồng thời, yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh công tác bồi thường, GPMB tái định cư; thực hiện cải cách hành chính, giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực hiện nay làm chậm tiến độ đầu tư và đưa vào hoạt động các CCN, như: Quy hoạch chi tiết, đánh giá tác động môi trường, thiết kế cơ sở và dự án đầu tư, phòng cháy chữa cháy, thủ tục đấu nối giao thông, đường, điện, nước…
Đối với các ngành chức năng, cần theo dõi tiến độ thực hiện của từng CCN đã được thành lập; thường xuyên tổ chức đánh giá trách nhiệm của từng chủ đầu tư, UBND cấp huyện, các sở, ngành có liên quan trong công tác phối hợp thực hiện dự án; phối hợp với các sở, ngành và địa phương kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN; tham mưu cho UBND tỉnh xem xét, thu hồi dự án chậm tiến độ mà nguyên nhân do chủ đầu tư không đủ năng năng lực hoặc không tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN.
Có thể bạn quan tâm
Đánh thức tiềm năng du lịch cộng đồng tại Thanh Hóa
09:30, 05/12/2023
Vực dậy các cụm công nghiệp tại Thanh Hóa
21:42, 05/12/2023
Thanh Hóa: Thần tốc, quyết liệt trong giải ngân vốn đầu tư công
11:17, 07/12/2023
Thu hút FDI của Thanh Hóa năm 2023 và triển vọng
13:41, 29/11/2023
Thanh Hóa: Chuyển mình mạnh mẽ, kết quả ấn tượng trong chuyển đổi số
12:34, 28/11/2023
Thanh Hoá: Xếp thứ 2 toàn quốc về số lượng sản phẩm OCOP
16:44, 26/11/2023