Thấy gì từ con số hàng nghìn căn tái định cư bỏ hoang?

DIỆU HOA 14/05/2024 03:00

Dù được đầu tư với quy mô hàng nghìn tỷ đồng thế nhưng tại TP.HCM hiện có 8.948 căn hộ tái định cư chưa đưa vào sử dụng, Hà Nội cũng ghi nhận gần 4.000 căn bỏ hoang, gây lãng phí nguồn lực rất lớn.

>>Nghịch lý nhà tái định cư

Dự án nhà tái định cư N01-D17 ở số 1 phố Duy Tân bỏ hoang nhiều năm nay. Ảnh: DH

Hỗ trợ tái định cư là một trong những chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với cá nhân, hộ gia đình có đất bị thu hồi, theo đó, việc xây dựng các khu tái định cư nhiều năm qua luôn được chú trọng. Tuy nhiên, thực trạng bỏ hoang ở nhiều khu nhà tái định cư cho thấy vấn đề xây dựng, quản lý sử dụng quỹ nhà tái định cư nhiều năm qua ở các thành phố lớn đang có nhiều bất cập, cũng như đang gây lãng phí tài nguyên đất đai và một nguồn ngân sách.

Lãng phí đất vàng

Theo thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM, thành phố hiện có gần 9.000 căn hộ tái định cư đang bỏ trống, chờ bố trí chỗ ở cho người dân bị giải tỏa tại các dự án. Các căn hộ này nằm tại 85 chung cư, cụm chung cư ở TP Thủ Đức, quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8 10, 11, 12, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, huyện Bình Chánh, Nhà Bè. Trong đó, riêng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.Thủ Đức có 3.790 căn hộ bỏ hoang dù đã hoàn thành từ năm 2015.

Trong khi đó, một thống kê gần đây cho thấy cả Hà Nội có tới 9 dự án với khoảng 4.000 căn chung cư bỏ hoang. Đơn cử Khu đô thị Sài Đồng (phường Phúc Đồng, quận Long Biên) có 3 tòa tái định cư là N3 - N4 - N5 được hoàn thiện năm 2006 đến nay vẫn vắng bóng người ở.

Cách đó không xa, các khối nhà tái định cư nằm trên trục đường Lý Sơn (phường Thượng Thanh) cũng rơi vào cảnh xuống cấp do không được đưa vào sử dụng.

Hay tại quận Cầu Giấy, dự án nhà tái định cư N01-D17 ở số 1 phố Duy Tân (lô góc ngã tư Trần Thái Tông - Duy Tân), phường Dịch Vọng Hậu được triển khai phục vụ giải phóng mặt bằng, thi công đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài. Công trình được khởi công từ năm 2010, dự kiến hoàn thành trong năm 2013. Nhưng đến nay, sau khi xây gần xong phần thô thì dừng lại, để hoang vì thiếu kinh phí hoàn thành.

Việc lãng phí nhiều nhà ở tái định cư nhiều năm nay đã khiến cho nhiều cơ quan chức năng phải đau đầu. Riêng 3.790 căn hộ tái định cư tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã được TP.HCM mang đấu giá lần đầu vào năm 2017 với giá khởi điểm 8.800 tỷ đồng. Tháng 2/2018, TP.HCM đưa ra bán đấu giá lần 2, do Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TP.HCM (thuộc Sở Tư pháp) thực hiện, với mức giá khởi điểm hơn 9.100 tỷ đồng, tuy nhiên vẫn không có người tham gia.

Lý giải về vấn đề này, nhiều chuyên gia chỉ ra rằng bên cạnh chất lượng nhà kém, thì một nguyên nhân cơ bản khiến người dân không mặn mà với nhà tái định cư là do phần lớn nhà tái định cư không có hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật tốt, không đúng với nhu cầu nguyện vọng của người dân tái định cư. Mặc dù, theo quy định để phục vụ triển khai các dự án phát triển hạ tầng, thành phố phải có sẵn quỹ nhà tái định cư cho các hộ dân thuộc diện giải phóng mặt bằng.

>>Hàng ngàn căn hộ tái định cư tại Thủ Thiêm chưa thể đấu giá

Lời giải cho nhà tái định cư

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh nguồn cung nhà ở giá thấp còn thiếu nên xem xét điều chỉnh nhà tái định cư cải tạo thành nhà ở xã hội, nhà thuê mua, nhà cho cán bộ công nhân viên chức nhà nước hoặc nhà ở thương mại vừa túi tiền, bán cho người có nhu cầu để đưa nguồn cung này vào sử dụng.

Dự án tái định cư bỏ hoang gây lãng phí đất vàng. Ảnh: DH

Theo TS Huỳnh Phước Nghĩa, chuyên gia kinh tế, cần có quy định cụ thể, rõ ràng về cơ chế, chính sách chuyển đổi từng trường hợp nhà tái định cư sang nhà ở xã hội như dự án đã hoàn thiện nhưng không có người ở, hay dự án tái định cư đang triển khai xây dựng. Quan trọng hơn cả, việc chuyển đổi phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương, đồng thời bảo đảm khả năng đáp ứng về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khu vực dự án.

Trong khi đó, bàn về giải pháp dài hạn, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, để giải bài toán nhà ở tái định cư, điều đầu tiên phải làm tốt công tác quy hoạch. Phải xác định đúng vị trí xây dựng khu tái định cư, đảm bảo giao thông, hạ tầng xã hội cho người tái định cư.

Ông Điệp cũng đề xuất, cần thực hiện đấu thầu công khai các dự án tái định cư để bảo đảm lựa chọn được các nhà đầu tư có uy tín, chất lượng cao nhất, giá thành rẻ nhất đáp ứng các yêu cầu về tái định cư của người dân.

Trong khi đó, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng để không còn tồn tại những quỹ nhà tái định cư bỏ hoang, bên cạnh chất lượng xây dựng thì nơi ở mới để tái định cư cần đáp ứng đầy đủ hạ tầng xã hội như: nhà trẻ, trường học, chợ... phục vụ người dân.

Các căn hộ tái định cư cần xây dựng sát với nhu cầu thực tế. Với những dự án nhà tái định cư đang bị bỏ hoang cần đưa ra phương án thu hồi và tổ chức đấu giá, chuyển đổi công năng để bán cho người có nhu cầu thực sự, thu hồi vốn cho ngân sách nhà nước, tránh thất thoát và lãng phí đất đai.

Có thể bạn quan tâm

  • Nghịch lý nhà tái định cư

    Nghịch lý nhà tái định cư

    12:00, 14/04/2024

  • Hàng ngàn căn hộ tái định cư tại Thủ Thiêm chưa thể đấu giá

    Hàng ngàn căn hộ tái định cư tại Thủ Thiêm chưa thể đấu giá

    05:00, 14/04/2024

  • Quảng Ninh: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước

    Quảng Ninh: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước

    17:19, 10/12/2023

  • Dự án thuỷ điện Đồng Nai 3 vẫn chưa lo xong tái định cư cho người dân

    Dự án thuỷ điện Đồng Nai 3 vẫn chưa lo xong tái định cư cho người dân

    09:03, 07/12/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thấy gì từ con số hàng nghìn căn tái định cư bỏ hoang?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO