Thấy gì từ vụ một cá nhân đứng tên thành lập 116 doanh nghiệp tại TP.HCM?

ĐÌNH ĐẠI 30/06/2024 13:00

Mấy ngày nay dư luận xã hội đang xôn xao trước việc một cá nhân đứng tên thành lập 116 doanh nghiệp đăng kí trụ sở kinh doanh tại nhiều quận, huyện và TP Thủ Đức của TP.HCM.

>>>Cục Hải quan TP.HCM: “Siết” doanh nghiệp nợ thuế thông qua tạm hoãn xuất cảnh?

Cụ thể, trong quá trình rà soát thông tin đăng ký doanh nghiệp của người đại diện pháp luật và tra cứu dữ liệu người nộp thuế trên ứng dụng quản lý thuế tập trung (TMS), Chi cục Thuế Q.6, TP.HCM đã phát hiện một cá nhân là bà Nguyễn Thị Hương đang đứng tên đại diện pháp luật 116 doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM, trong đó có 5 doanh nghiệp đặt trụ sở kinh doanh tại Q.6.

Một cà nhân tại TP.HCM đứng tên thành lập 116 doanh nghiệp chỉ trong thời gia từ 3-4 tháng - Ảnh minh họa.

Một cà nhân tại TP.HCM đứng tên thành lập 116 doanh nghiệp chỉ trong thời gia từ 3-4 tháng - Ảnh minh họa.

Theo Văn bản cảnh báo của Chi cục Thuế TP.HCM, đơn vị này đã tiến hành kiểm tra xác minh thực tế trụ sở của 5 doanh nghiệp này thì phát hiện cả 5 doanh nghiệp đều không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh trên địa bàn quận.

Sau đó, Chi cục Thuế Q.6 đã rà soát thông tin đăng ký doanh nghiệp của người đại diện pháp luật và tra cứu dữ liệu trên hệ thống quản lý thuế thì phát hiện cá nhân này đã sử dụng căn cước công dân được cấp năm 2022 để đăng kí thành lập 116 doanh nghiệp. Đáng chú ý, tất cả các doanh nghiệp này đều mang tên nước ngoài.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Cục Thuế TP.HCM cho rằng, 116 doanh nghiệp này mới được thành lập từ tháng 12/2023-3/2024. Khi thấy hiện tượng bất thường, một cá nhân thành lập hàng trăm doanh nghiệp trong một thời gian ngắn, các Chi cục Thuế đã mời đại diện doanh nghiệp lên tuyên truyền nhưng chủ doanh nghiệp không lên. Khi cơ quan thuế đi kiểm tra thì phát hiện các doanh nghiệp trên đều không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh, có nơi là địa chỉ “ma”.

Về việc sử dụng hóa đơn của các doanh nghiệp này, đại diện Cục Thuế TP.HCM cho rằng, để được sử dụng hóa đơn điện tử, các chủ doanh nghiệp phải hiện diện để đối chiếu căn cước công dân vừa là để phổ biến chính sách pháp luật về thuế, vừa là để nhận diện và nắm bắt, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ.

Điều mà dư luận bất ngờ và đặt câu hỏi rằng, tại sao một cá nhân chỉ sử dụng 01 căn cước công dân để thành lập hàng trăm doanh nghiệp chỉ trong một thời gian rất ngắn, nhưng cơ quan trực tiếp cấp Giấy đăng ký kinh doanh cho các doanh nghiệp này là Sở Kế hoạch & Đầu tư TP.HCM lại không phát hiện ra bất thường để kịp thời ngăn chặn và xử lý?

Mục đích của việc thành lập hàng loạt doanh nghiệp này đã phần nào được sáng tỏ khi người đứng tên thành lập 116 doanh nghiệp này là bà Nguyễn Thị Hương đã bị Công an TP.HCM bắt tạm giam hồi tháng 4 vừa qua do có liên quan đến đường dây rửa tiền và vận chuyển tiền tệ trái phép qua biên giới, với quy mô các giao dịch lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

Cùng bị bắt với bà Nguyễn Thị Hương còn có 12 đối tượng khác, trong đó, 7 đối tượng bao gồm Nguyễn Thị Hương bị bắt về tội rửa tiền; 6 đối tượng còn lại bị bắt với tội danh vận chuyển tiền tệ trái phép qua biên giới.

Các đối tượng này đã sử dụng phương thức xâm nhập vào email của các công ty đang có giao dịch hợp đồng kinh tế, tạo email giả có tên gần giống với email của công ty đối tác. Đồng thời, thành lập các công ty “ma” có tên gần giống với công ty đối tác để mở tài khoản ngoại tệ USD và VND để nhận tiền từ các công ty đối tác sau đó chuyển sang VND và chuyển vào các tài khoản khác tại Việt Nam để chiếm đoạt.

Kết quả điều tra cho thấy, các đối tượng đã thành lập hơn 250 công ty “ma” và mở tài khoản công ty để phục vụ hoạt động phạm tội trên. Ngoài ra, các đối tượng cũng thừa nhận đã mở 700 tài khoản cá nhân để phục vụ cho hoạt động phạm tội của mình.

Luật gia Kinh tế Nguyễn Ngọc Tuấn – Giám đốc Công ty TNHH Thuế - Kế toán - Luật Việt Á.

Luật gia Kinh tế Nguyễn Ngọc Tuấn – Giám đốc Công ty TNHH Thuế - Kế toán - Luật Việt Á.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, Luật gia Nguyễn Ngọc Tuấn – Giám đốc Công ty TNHH Thuế - Kế toán - Luật Việt Á cho biết, việc một cá nhân đứng tên thành lập 116 doanh nghiệp tại TP.HCM đã minh chứng cho chính sách đăng ký thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay rất thông thoáng, Nhà nước tạo mọi điều kiện cho hoạt động kinh doanh và phát triển doanh nghiệp. Luật không cấm cũng như không giới hạn một cá nhân chỉ được phép đứng tên thành lập bao nhiêu doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đây cũng là lỗ hổng lớn để các đối tượng xấu, thậm chí là những “tập đoàn” tội phạm quốc tế lợi dụng để thực hiện các hành vi phạm pháp trên lãnh thổ của Việt Nam. Cụ thể, các đối tượng có thể thuê người thành lập nhiều doanh nghiệp nhằm mục đích mua bán hóa đơn, chiếm đoạt tiền hoàn thuế VAT. Thậm chí, các tổ chức tội phạm quốc tế có thể thuê người Việt Nam thành lập các công ty  “ma” nhằm mục đích lừa đảo và rửa tiền.

Luật gia Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, để bịt lỗ hổng trên, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan trực tiếp cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp và Cơ quan Thuế, nhất là vấn đề hậu kiểm sau cấp Giấy phép thành lập doanh nghiệp. Việc này cần phối hợp chặt chẽ với Đội thuế xã, phường, bởi họ nắm rõ nhất hoạt động của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Các Đội thuế của xã, phường sẽ kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp mới thành lập, nếu trong thời gian nhất định, doanh nghiệp không có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại địa chỉ đăng ký kinh doanh thì có thể đề xuất thu hồi Giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp đó.

Đồng thời, tích hợp và liên thông số căn cước công dân hoặc định danh cá nhân của công dân lên cổng thông tin đăng ký kinh doanh của Bộ KH&ĐT để Sở KH&ĐT các địa phương trước khi cấp Giấy phép thành lập doanh nghiệp cho các cá nhân có thể truy cập kiểm tra, nếu có phát hiện bất thường như trường hợp trên thì tạm dừng việc cấp Giấy chứng nhận để xử lý.

Xa hơn, nhằm hạn chế việc lợi dụng chính sách thông thoáng của Nhà nước trong việc đăng ký thành lập doanh nghiệp nhằm phục vụ cho hành vi phạm phạm pháp của các tổ chức tội phạm, các nhà làm luật cần nghiên cứu xem xét bổ sung thêm điều kiện để cấp Giấy đăng ký thành lập doanh nghiệp trong Luật Doanh nghiệp theo hướng chặt chẽ hơn, nhưng không làm phát sinh thủ tục, gây khó khăn cho người dân trong việc thành lập doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm

  • TP.HCM: Đề nghị có cơ chế thưởng cho các dự án đầu tư công vượt tiến độ

    TP.HCM: Đề nghị có cơ chế thưởng cho các dự án đầu tư công vượt tiến độ

    00:01, 28/06/2024

  • TP.HCM: Nhu cầu thuê nhà tiếp tục tăng

    TP.HCM: Nhu cầu thuê nhà tiếp tục tăng

    03:00, 27/06/2024

  • Cục Hải quan TP.HCM: “Siết” doanh nghiệp nợ thuế thông qua tạm hoãn xuất cảnh?

    Cục Hải quan TP.HCM: “Siết” doanh nghiệp nợ thuế thông qua tạm hoãn xuất cảnh?

    16:42, 26/06/2024

  • Diễn biến trái chiều thị trường nhà ở Hà Nội - TP.HCM

    Diễn biến trái chiều thị trường nhà ở Hà Nội - TP.HCM

    03:00, 25/06/2024

  • TP.HCM: di dời hơn 14.000 căn nhà ven kênh rạch bằng vốn đầu tư công?

    TP.HCM: di dời hơn 14.000 căn nhà ven kênh rạch bằng vốn đầu tư công?

    01:44, 23/06/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thấy gì từ vụ một cá nhân đứng tên thành lập 116 doanh nghiệp tại TP.HCM?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO