Thêm cơ chế đặc thù để phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô

GIA NGUYỄN 24/05/2024 04:00

Để có thể đưa Hà Nội trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa cả nước, góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, cần có thêm nhiều cơ chế đặc thù, đột phá…

>> Cần cơ chế ưu đãi chuyên biệt để phát triển công nghiệp văn hóa

Trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng trở thành 3 trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước.

Để hiện thực hóa chiến lược đã nêu, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã đưa ra nhiều quy định như dành riêng Điều 21 cho lĩnh vực văn hóa, thể thao, đồng thời, ở Điều 39, 41, 43 có những chính sách đặc thù, ưu đãi cho lĩnh vực văn hoá,…

Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng trở thành 3 trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước - Ảnh minh họa: ITN

Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng trở thành 3 trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước - Ảnh minh họa: ITN

Những quy định này được cho sẽ góp phần xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam; đưa văn hóa, con người Hà Nội trở thành nguồn lực nội sinh để phát triển bền vững Thủ đô; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Đánh giá cao những đề xuất được cơ quan soạn thảo đưa vào luật hóa, tuy nhiên, để có thể đưa Hà Nội thực sự trở thành trung tâm văn hóa của cả nước, nhiều ý kiến cho rằng, vẫn cần có thêm những cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội.

Theo ông Trương Minh Tiến - Chủ tịch Hiệp hội CLB UNESCO TP. Hà Nội, với 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, đây chính là tài sản vô giá của Thủ đô và cả nước, Thành phố cũng đã có nhiều chính sách bảo tồn di sản văn hóa. Tuy nhiên, ngoài chế độ chính sách đã có, để bảo tồn tốt hơn cho di sản văn hóa phi vật thể, Hà Nội cần có thêm chính sách đặc thù, vượt trội, chẳng hạn như chính sách ưu đãi đối với các nghệ nhân.

Hơn nữa, số lượng đội ngũ hoạt động, trình diễn nghệ thuật dân gian chưa được phong tặng danh hiệu rất lớn, trong Luật Thủ đô (sửa đổi), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tham mưu vấn đề chăm lo cho đối tượng này ở cơ sở, sẽ giúp gìn giữ, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể…

>> Đầu tư cho công nghiệp văn hóa: Câu chuyện Phú Quốc

Vì vậy, góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, cần thêm cơ chế đặc thù, vượt trội để Hà Nội trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa cả nước - Ảnh minh họa: ITN

Vì vậy, góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, cần thêm cơ chế đặc thù, vượt trội để Hà Nội trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa cả nước - Ảnh minh họa: ITN

Ông Trương Minh Tiến cho rằng, Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) cần có nhiều cơ chế đặc thù, đột phá để phát huy giá trị văn hóa. Đồng thời tin tưởng, với những cơ chế, chính sách này, khi Dự thảo Luật (sửa đổi) được Quốc hội thông qua sẽ tạo cơ hội cho Hà Nội phát triển toàn diện, trong đó điểm nhấn là sự phát triển đột phá của các giá trị văn hóa trên mảnh đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến.

Còn theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này, chắc chắn sẽ tháo gỡ những vướng mắc về quy định pháp luật. Ví dụ như phát triển công nghiệp văn hóa, vai trò của thành phần tư nhân vô cùng quan trọng, Nhà nước chỉ giữ vai trò điều tiết, tạo hành lang pháp lý, môi trường thuận lợi, thông thoáng. Còn tổ chức các hoạt động cụ thể phải do cả thành phần tư nhân, Nhà nước không thể nào làm hết được và cũng không nên làm.

Trong chủ trương, Nhà nước chỉ làm những gì mà tư nhân không làm, Nhà nước đóng vai trò điều tiết, ví dụ như chính sách đối với nghệ nhân mà tư nhân không tham gia, thì Nhà nước cần phải điều tiết.

Hay trong lĩnh vực điện ảnh, có các loại phim về thị trường, nhiều nhà sản xuất tư nhân đã vào cuộc, thì những phim tuyên truyền về kỷ niệm, Nhà nước phải đứng ra làm để tạo ra sự đa dạng, cân bằng cho điện ảnh.

“Từ sự đa dạng, phong phú của các loại hình nghệ thuật đó, có sự tham gia của cả Nhà nước và tư nhân, chúng ta mới tạo ra một môi trường hỗ trợ cho sự phát triển công nghiệp văn hóa - đó là những cái chúng ta cần phải giải quyết”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn bày tỏ.

Đồng thời cho rằng, Dự thảo Luật cần phải đưa ra các chính sách phù hợp, Nhà nước làm gì, làm đến đâu, tư nhân làm gì, làm đến đâu, Nhà nước hỗ trợ gì cho tư nhân phát triển... và các chính sách này phải cụ thể bằng các quy định pháp luật, không thể chỉ dừng lại ở lời nói.

“Chúng ta quan tâm đến công nghiệp văn hóa bằng chính các hoạt động hết sức cụ thể; từ đó sự phát triển của công nghiệp văn hóa mới trở nên bền vững được, không chỉ dừng lại ở phong trào nữa. Trong đó, giai đoạn đầu tiên, vai trò của Nhà nước rất lớn, chúng ta tạo ra vốn, tạo ra sự định hướng, tạo ra hành lang pháp lý để trên cơ sở đó chúng ta mới huy động được sự tham gia của các thành phần tư nhân.

Tuy nhiên, đây chỉ là giai đoạn đầu tiên, còn giai đoạn sau này, để bền vững, chúng ta phải có sự tham gia của thành phần tư nhân vào đó, Nhà nước không thể làm mãi được. Chính vì thế, sự tham gia của thành phần tư nhân vào phát triển công nghiệp văn hóa sẽ đảm bảo cho sự phát triển văn hóa của chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn và bền vững hơn”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu quan điểm.

Liên quan đến vấn đề này, góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), nhiều ý kiến cũng đề xuất, cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các quy định về hạ tầng, không gian văn hóa để phù hợp với mục tiêu, tầm nhìn trong chiến lược theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, gỡ bỏ các “nút thắt” về đầu tư cho văn hóa.

Được biết, Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) dự kiến được trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 này.

Có thể bạn quan tâm

  • Sửa Luật Thủ đô: Tăng quyền để Hà Nội tháo gỡ những tồn tại, hạn chế

    Sửa Luật Thủ đô: Tăng quyền để Hà Nội tháo gỡ những tồn tại, hạn chế

    04:00, 28/04/2024

  • Sửa Luật Thủ đô: Chính sách thu hút nhân tài cần vượt trội hơn nữa

    Sửa Luật Thủ đô: Chính sách thu hút nhân tài cần vượt trội hơn nữa

    04:00, 26/04/2024

  • Sửa Luật Thủ đô: Tạo dựng các cơ sở pháp lý mang tính đặc thù

    Sửa Luật Thủ đô: Tạo dựng các cơ sở pháp lý mang tính đặc thù

    03:40, 17/04/2024

  • Sửa Luật Thủ đô: Cần thiết ưu tiên phát triển đường sắt đô thị

    Sửa Luật Thủ đô: Cần thiết ưu tiên phát triển đường sắt đô thị

    04:00, 13/04/2024

  • Sửa Luật Thủ đô: Cân nhắc đưa văn hóa vào vị trí xứng đáng

    Sửa Luật Thủ đô: Cân nhắc đưa văn hóa vào vị trí xứng đáng

    04:00, 09/04/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thêm cơ chế đặc thù để phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO