Phân tích - Bình luận

Thêm tín hiệu xấu của kinh tế Trung Quốc

Trương Khắc Trà 02/09/2024 03:00

Nhu cầu tiêu dùng, giá hàng hóa xuất xưởng tiếp tục đi xuống là tín hiệu không khả quan với nền kinh tế Trung Quốc.

original.jpg
Tác động của bất động sản quá lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc (Ảnh: the atlantic)

Sau lĩnh vực bất động sản, kinh tế internet lại xuất hiện thêm những dấu hiệu bất ổn trong nền kinh tế Trung Quốc. Lần này là khả năng tiêu dùng, sức sản xuất không đáp ứng kỳ vọng của chính sách.

Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) tháng 7 của Trung Quốc đã giảm xuống 49,1 từ mức 49,4. Đây là tháng thứ sáu PMI giảm liên tiếp và là tháng thứ tư dưới mốc 50 - ranh giới phân tách tăng trưởng với suy giảm.

Hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong 6 tháng đầu năm nay khi giá xuất xưởng hàng hóa giảm mạnh nhất trong 14 tháng và nhiều doanh nghiệp phải vật lộn để có được đơn đặt hàng. Các chỉ số về đơn đặt hàng mới và đơn đặt hàng xuất khẩu vẫn ở mức âm; các nhà sản xuất vẫn tiếp tục dừng tuyển dụng.

Tâm lý lo lắng khi cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài nhiều năm khiến nhu cầu trong nước trì trệ và các biện pháp hạn chế của phương Tây đang đe dọa đến hàng xuất khẩu của Trung Quốc như xe điện, tấm năng lượng mặt trời,...

Zhiwei Zhang, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management cho biết: “Lập trường chính sách tài khóa của Trung Quốc vẫn khá hạn chế, điều này có thể góp phần vào động lực kinh tế yếu kém của nước này”.

Bắc Kinh tỏ ra thận trọng với chính sách tài khóa sau hàng loạt vụ vỡ nợ bất động sản; nhiều khoản nợ tăng lên nhanh chóng trong nhiều lĩnh vực như bộ phận doanh nghiệp phi tài chính, xây dựng cơ bản tại các địa phương, trái phiếu bất động sản.

Nhiều nhà phân tích chỉ ra, nguồn cơn vấn đề xuất phát từ bất động sản - vốn chiếm 1/3 quy mô nền kinh tế Trung Quốc. Các gói hỗ trợ tiền mặt, những chính sách mang màu sắc kỹ trị như “ba lằn ranh đỏ” không phát huy hiệu quả như tính toán. Các gói hỗ trợ này đa phần mang tính hành chính và với quy mô vừa phải.

107275989-1690264987535-gettyimages-1429293774-vcg111403562868.jpeg
Các chuyên gia dự báo Trung Quốc sẽ có thay đổi về chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế vào tháng 10/2024 (Ảnh: CNBC)

Trung Quốc chưa tháo bỏ được rủi ro pháp lý cho các bên triển khai dự án bất động sản khi mà chính sách “ba lằn ranh đỏ” vẫn chưa được tháo dỡ. Trong khi đó, nhiều chỉ thị hoặc gợi ý hành động của các cơ quan quản lý tài chính tiền tệ đều là các chỉ thị phi chính thức, hoặc mang tính chất trấn an, hoặc mang ý nghĩa xoa dịu.

Các cố vấn chính sách đang cân nhắc liệu Bắc Kinh có thể ra quyết định vào tháng 10 tới để đưa một phần hạn ngạch phát hành trái phiếu của năm tới lên trước hay không. Zhiwei Zhang cho rằng: “Để đạt được sự ổn định kinh tế, lập trường chính sách tài khóa cần phải hỗ trợ nhiều hơn nữa”.

Hơn nữa, bất kỳ nỗ lực nào nhằm phục hồi nhu cầu trong nước có thể sẽ không hiệu quả trừ khi có thêm những nỗ lực nhằm xoa dịu sự suy thoái nghiêm trọng trong lĩnh vực bất động sản, vốn đã gây ảnh hưởng nặng nề đến chi tiêu của người tiêu dùng trong ba năm qua.

Với 70% tài sản hộ gia đình đang nắm giữ trong bất động sản, chiếm tới một phần tư nền kinh tế vào thời kỳ đỉnh cao, người tiêu dùng Trung Quốc đã “dính chùm” với các nhà phát triển bất động sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thêm tín hiệu xấu của kinh tế Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO