Bảo vệ môi trường luôn là yêu cầu xuyên suốt và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, đồng thời phát triển kinh tế tuần hoàn trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.
>>>Ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong xử lý chất thải điện tử
>>>Kinh tế tuần hoàn - tương lai của tăng trưởng kinh tế bình đẳng và bền vững
Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế
Ngày 01/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1658/QĐ-TTg, phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Theo đó, mục tiêu tổng quát của Chiến lược là thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội.
Chiến lược quốc gia cũng đặt ra mục tiêu xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững đến năm 2030 với các nhiều nội dung, như: Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 95%; Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp so với lượng chất thải được thu gom 10%; Tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại các đô thị đặc biệt, đô thị loại I lần lượt đạt ít nhất 20% và 5%,…
Cũng trong năm 2021, Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 32/2021/QH15 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và Nghị quyết số 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Các Nghị quyết đặt mục tiêu về tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 89-90%, tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%.
Tuy nhiên, theo báo cáo, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 60.000 tấn/ngày. Dự báo, đến năm 2025 thì tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt dự báo tăng 10-16%/ năm. Đặc biệt, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng,... khoảng 7.000-9.000 tấn/ ngày. Trước thực tế trên, để thực thi tốt những mục tiêu như Chiến lược đề ra thì cần sự đồng hành vào cuộc của nhà nước và người dân.
Ông Nguyễn Văn An, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết: “Quan điểm của Đảng và Nhà nước là không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, bảo vệ môi trường luôn là yêu cầu xuyên suốt và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, đồng thời phát triển kinh tế tuần hoàn trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Do đó, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách bảo vệ môi trường. Ví như, Chỉ thị 41/CT-Ttg năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tạo chuyển biến căn bản trong xử lý rác thải rắn; hoặc Luật Bảo vệ môi trường mới đây cũng đề cao, ghi nhận vấn đề bảo vệ môi trường bền vững”.
Thời gian qua, cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp trong xử lý chất thải rắn đô thị, nhưng hiệu quả chưa cao do nhiều nguyên nhân. Ông An cho rằng: “Việc thực hiện chính sách pháp luật, bảo vệ môi trường nói chung và xử lý rác thải đô thị nói riêng vướng mắc nhất vẫn ở khâu tổ chức thực hiện. Dù hệ thống chính sách pháp luật đã tương đối đồng bộ, các văn bản quy định cũng phân công nhiệm vụ rõ ràng nhưng việc tổ chức thực hiện lại chưa dược đồng nhất. Ví dụ có nơi giao Sở Xây dựng, có nơi Sở Tài nguyên và Môi trường, có nơi lại giao cho một doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực môi trường chủ trì. Tuy nhiên, việc thực hiện cụ thể ở cấp huyện lại là phòng chuyên môn thuộc UBND huyện, dẫn đến chưa có sự chỉ đạo xuyên suốt theo một ngành, một lĩnh vực.
Hơn nữa, việc quy hoạch địa điểm xây dựng công trình tại địa phương đang khá lúng túng, nhất là lựa chọn địa điểm chôn lấp hoặc lựa chọn công nghệ xử lý ban đầu số chất thải này. Ngay cả việc trung chuyển rác thải cũng gặp nhiều khó khăn về thiết bị trung chuyển, công tác tổ chức điều hành chưa được khoa học, nhất là phân loại rác thải ban đầu”, ông An nói.
>>>Xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn trong khu công nghiệp
Đâu là giải pháp?
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom Việt Nam cho rằng, từ trước đến nay việc quản lý rác thải sinh hoạt do Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm. Gần đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã bắt đầu tiếp quản tất cả các vấn đề liên quan đến môi trường. Nếu như quản lý nhà nước về xử lý rác thải đã tập trung một mối về Bộ Tài nguyên và Môi trường thì Bộ phải có hướng dẫn để địa phương biết như thế nào là công nghệ phù hợp. Còn lựa chọn công nghệ nào thì địa phương phải có quyền quyết định thông qua đấu thầu.
Cũng theo ông Huân, hiện nay đấu thầu công nghệ xử lý rác thải thì có quá nhiều luật liên quan. Thực tế, có những luật chi phối như Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật Bảo vệ môi trường… thậm chí là Luật Đất đai. Tuy nhiên, hiện nay một số địa phương rất e ngại vì sợ vi phạm Luật Đất đai,, vì vậy địa phương yêu cầu phải đấu thầu đất. Nếu vậy thì nhà đầu tư sẽ vào đấu thầu đất trước hay đấu thầu công nghệ trước. “Điều này rất vướng cho địa phương và chúng ta phải có những hướng dẫn cụ thể về lựa chọn công nghệ và cách thức đấu thầu. Các Bộ, ngành liên quan cần có sớm để tháo gỡ khó khăn này cho các địa phương”, ông Huân nói.
Ông Huân cũng cho rằng, Chiến lược phải đưa được vào đời sống thực chứ không dừng ở việc đưa ra các chỉ tiêu, thông số chung chung. Đồng thời, các cơ quan chức năng cùng vào cuộc để đạt được hiệu quả cao nhất. Ví như, giải quyết vấn đề ô nhiễm trong sản xuất nông – công nghiệp cần sự tham gia của các Bộ gồm: Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên& Môi trường và Bộ Kế hoach - Đầu tư... Nếu các Bộ không chung tay cùng giải quyết hoặc thiếu cơ chế kiểm soát thì khó có thể đạt được mục tiêu chung.
Có thể bạn quan tâm