Theo các chuyên gia, dòng tiền đang có sự dịch chuyển rõ rệt và nhóm có rủi ro dòng tiền sẽ rút khỏi ngân hàng, chứng khoán, thép.
>>>Giải pháp tăng hàng hoá chất lượng trên thị trường chứng khoán
Theo ông Nguyễn Thanh Nguyên Vũ - Chuyên gia phân tích dữ liệu đầu tư chứng khoán, Nhà sáng lập TVN & Partners, khép lại tháng 3, nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán (TTCK) có thể nói đã có một quý giao dịch thuận lợi, mặc dù cũng đã có những phiên "hú hồn".
Ông Vũ cho rằng để nhận biết dấu hiệu điều chỉnh của thị trường và tránh thiệt hại, nhà đầu tư cần dựa vào tiêu chí đánh giá logics diễn biến thị trường gồm các tiêu chí trọng yếu: Mua bán chủ động; Tốc độ giao dịch; Số lượng cổ phiếu có lệnh cầu thật; và Dòng tiền.
Với quan điểm như vậy, ông Vũ cho rằng dựa trên các thông số, nhà đầu tư quan sát nhịp biến động của thị trường, tăng giảm của VN-Index trong tương quan tốc độ thị trường và các phiên phân phối, bao gồm các dấu hiệu phân phối ẩn.
Vị chuyên gia nêu ví dụ tại hội thảo trực tuyến về "Bắt mạch dòng tiền" do FiinGroup và FIDT đồng tổ chức mới đây, chẳng hạn, khi thị trường tăng mạnh là khi VN-Index cao hơn khoảng +0,8%. Khi thị trường giảm mạnh, thì VN-Index sẽ giảm trong khoảng -0,8 đến -1,2%. Khi thị trường giảm 1,2%, thì nhà đầu tư có thể nhận định đây là một phiên bất thường. Khi thị trường giảm đến 1,2%, nhà đầu tư phải hết sức lưu ý nhưng không nên hoảng sợ. "Bởi các nhà phân phối muốn phân phối cũng phải có thời gian chứ họ không dễ dàng "bán ầm ầm". Quá trình phân phối khi đã xuất hiện thông thường sẽ phải mất vòng 2 tháng (trong 2 tuần sẽ có nhịp điều chỉnh), dòng tiền sẽ đi ra khỏi thị trường hoặc không".
Và trong một nhịp VN-Index tạo đỉnh, tính trong 2 tuần, thường sẽ có phiên phân phối ẩn. Dấu hiệu phân phối ẩn là VN-Index tăng điểm + tốc độ giao dịch lớn hơn bình thường ( >30% - 40%) + lực mua không tăng nhiều; không có sự mua đuổi (nâng cho bán) hoặc VN-Index tăng giảm nhẹ + lực mua giảm nhưng không nhiều (tiết cung, phân phối kín kẽ qua nhiều ngày liên tục).
Theo đó, khi đã theo dõi đúng với các tiêu chí, nhà đầu tư có thể xác định đó là một phiên thị trường có sự lan tỏa, hay một phiên có yếu tố "gây nhiễu" - thị trường đang bị bán.
>>>Tương quan giữa nới lỏng tiền tệ và VN-Index
Bà Đỗ Hồng Vân - Trưởng phòng Phân tích dữ liệu FiinGroup - nhìn lại trong tháng 3, dòng tiền đã có sự dịch chuyển rõ rệt.
"Trong bối cảnh hiện nay, dòng tiền có tính quyết định đối với xu hướng thị trường và giá cổ phiếu".
Theo đó, sự luân chuyển của dòng tiền nổi bật trong tháng 3, là bất động sản thay thế cho ngân hàng đã có sự hồi phục đáng kể với tỷ trọng 21,5%, vượt trội so với nhóm ngân hàng (17,8%) và chứng khoán (15,5%). Ngoài ra, dòng tiền cũng tập trung nhóm bán lẻ, công nghệ thông tin với tín hiệu tích cực.
Trong khi đó, các ngành như đầu tư công, điện, sản xuất dầu khí có dấu hiệu vẫn bị dòng tiền lãng quên. Trên thực tế diễn biến giá của các nhóm ngành này cũng không tích cực trong thời gian vừa qua.
Dự báo về sự chuyển dịch của dòng tiền tháng 4, chuyên gia FiinGroup cho rằng nhóm tiếp tục có dòng tiền duy trì là bất động sản và dầu khí. Thực tế, tỷ trọng dòng tiền trong hai nhóm này đã tăng trở lại trong thời gian gần đây song vẫn cách khá xa so với đỉnh cũ.
Ngược lại, nhóm có rủi ro dòng tiền rút ra dự báo là chứng khoán và thép và ngân hàng. Riêng nhóm ngân hàng, dù dòng tiền hiện tại vẫn đang ở mức cao nhưng đang có dấu hiệu đi xuống rõ rệt trong những tháng gần đây.
Đáng chú ý, mặc dù rủi ro dòng tiền có dự báo rút ra nhưng các mã có thể vẫn sẽ duy trì tiền như TCB, VIB, HDB... vẫn mang đến cơ hội cho nhà đầu tư. Sự phân hóa dòng tiền thể hiện khá rõ.
Theo chuyên gia của FiinGroup, nhóm chứng khoán cũng đã duy trì tỷ trọng thanh khoản cao trong lịch sử, nếu không có những yếu tố mới và câu chuyện hỗ trợ sâu rộng hơn cho ngành thì rủi ro dòng tiền rút mạnh là khá cao.
Tương tự đối với nhóm thép, dòng tiền đang có dấu hiệu suy giảm.
Đối với xu hướng bán ròng của các nhà đầu tư nước ngoài, xu hướng bán ròng của các quỹ là chủ động và là cơ hội của các nhà đầu tư trong nước, bà Vân chia sẻ.
Chuyên gia cũng cho rằng nếu nhìn theo tháng, rõ ràng có dòng tiền có xu hướng đồng pha, biến thiên cùng với giá cổ phiếu trong một nhóm ngành. Ngoài ra, có một đặc điểm là dòng tiền điều chỉnh sau khi giá cổ phiếu đạt đỉnh 3-6 tháng trong ngắn và trung hạn.
"Tóm tắt ngắn gọn lại như thế này: Thị trường thì đang trong giai đoạn tăng nhưng sẽ có những phiên điều chỉnh và phải theo dõi để khi có các yếu tố xuất hiện những phiên điều chỉnh đó, có ứng xử phù hợp", các chuyên gia đánh giá.
Trong tháng 4, nhóm theo dõi tín hiệu dòng tiền, theo bà Vân sẽ là xây dựng, điện và sản xuất dầu khí. Với nhóm xây dựng, tỷ trọng thanh khoản đang neo ở vùng đáy dài hạn, trong khi đó những câu chuyện liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công nửa cuối năm kỳ vọng sẽ tích cực hơn nhờ quyết tâm của Chính phủ và nỗ lực của các doanh nghiệp.
Nhóm điện cũng có tỷ trọng thanh khoản duy trì ở mức đáy của 3 năm. Câu chuyện kỳ vọng cho nhóm này tới từ nhu cầu điện tăng cao trong mùa hè sắp tới và nhóm điện than có thể "gồng gánh" cho thuỷ điện.
Nhóm sản xuất dầu khí cũng được kỳ vọng có sự hồi phục về cầu, sản xuất, đi lại khi hoạt động sản xuất nửa cuối năm kỳ vọng tích cực hơn.
Có thể bạn quan tâm
Tăng quản trị rủi ro trên thị trường chứng khoán
11:10, 20/03/2024
Chứng khoán vẫn còn hấp dẫn dài hạn
02:00, 18/03/2024
Hàng loạt nhà đầu tư F0 đón sóng thị trường chứng khoán
05:03, 16/03/2024
Thấy gì từ tín dụng chứng khoán, bất động sản tăng, trong khi các ngành giảm?
11:00, 14/03/2024
NHNN chào bán tín phiếu có "thắt" dòng tiền vào chứng khoán?
13:06, 12/03/2024