Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) vẫn đang chờ cú hích từ việc sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP.
>“Gỡ khó” trái phiếu doanh nghiệp - Cần có chương trình “hoãn nợ” quốc gia
Báo cáo của FiinGroup ghi nhận tổng giá trị phát hành TPDN tháng 12/2022 đạt 4,09 nghìn tỷ VND qua 13 đợt phát hành. Quy mô phát hành tuy tăng 2,4 lần so với tháng 11 nhưng chỉ đạt 2,89% giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Phần lớn giá trị phát hành đến từ 3 lô trái phiếu của ngân hàng BIDV có lãi suất trong khoảng 8,5%-9,1% và tổng giá trị đạt 3,47 nghìn tỷ VNĐ.
Bên cạnh đó, thị trường cũng ghi nhận các lô trái phiếu từ nhóm ngành Bất động sản và Lĩnh vực khác.
Bên cạnh đó, thị trường cũng ghi nhận các lô trái phiếu từ nhóm ngành bất động sản và các lĩnh vực khác. Trong đó, 2 doanh nghiệp bất động sản ghi nhận phát hành thành công, cụ thể là Nam Long, vốn đã có đối tác tài chính lớn IFC. Ngoài ra là Công ty Phát triển Nhà Bà Rịa Vũng Tàu.
Dược phẩm Tenamyd, công ty của vợ chồng siêu mẫu Vũ Cẩm Nhung, đáng chú ý có 6 đợt phát hành trái phiếu lãi suất khá cao (14%). Các đợt phát hành không công bố thông tin về trái chủ, mục đích phát hành, tài sản bảo đảm (nếu có)... tuy nhiên vẫn thành công là một “điểm sáng lạ” trong bối cảnh trái chủ trên thị trường vô cùng “kén” hàng hóa, vì nhu cầu huy động của các doanh nghiệp rất cao nhưng người mua sẵn sàng xuống tiền trái phiếu lại rất kỹ càng, như hiện tại.
“Thị trường trái phiếu tập trung vào các thay đổi về Nghị định 65/2022. Cụ thể, Dự thảo sửa đổi Nghị định này cho thấy nhiều điều kiện sẽ được lùi thời điểm áp dụng sang năm 2024, cũng như cho phép thay đổi thời hạn và hoán đổi với các trái phiếu còn dư nợ trên thị trường. Từ đó, doanh nghiệp và nhà đầu tư có thể sẽ phần nào giảm áp lực đạt chuẩn cũng như có thêm thời gian thích nghi và chuẩn bị”, các chuyên gia FiinGroup đánh giá.
Tuy nhiên đến hết tháng 1/2023, Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 65/2022 vẫn chưa được xem xét ban hành. Trong khi chờ cú hích để dòng tiền quay lại thị trường này, các doanh nghiệp vẫn sẽ đối mặt khó khăn từ áp lực lượng trái phiếu phải đáo hạn năm 2023.
>>Trình Chính phủ sửa NĐ 65 để "cứu" thị trường trái phiếu
Ước tính của nhóm phân tích Công ty Chứng khoán KB (KBSV) là trong năm 2023, giá trị TPDN bất động sản đến hạn là 120.400 tỷ đồng. Áp lực trả gốc và lãi trái phiếu trong bối cảnh hạn chế tín dụng cùng với mở bán dự án chậm có thể ảnh hưởng đến thanh khoản của các chủ đầu tư, tác động lớn đến thanh khoản chung của thị trường.
Tại Chỉ thị số 03 ban hành ngày 27/1, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính sớm trình Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 65/2022. Hy vọng ngay trong tháng 2/2023, sẽ có cú hích chính sách để thị trường chuyển đổi trạng thái và hút dòng tiền trở lại.
Có thể bạn quan tâm