Sau khi lập đỉnh trong quý III thị trường trái phiếu doanh nghiệp bất động sản được dự báo sẽ “giảm nhiệt” trong quý IV/2021.
>>> Bộ Xây dựng đề nghị theo dõi trái phiếu doanh nghiệp bất động sản
>>> Trái phiếu bất động sản nở rộ, nhà đầu tư có quá lo ngại?
Báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp quý III do SSI Research công bố đã cho thấy số liệu đáng chú ý là khối lượng phát hành trái phiếu BĐS tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu trong quý III/2021 bất chấp thị trường nói chung và hoạt động của các doanh nghiệp BĐS nói riêng gặp phải không ít khó khăn do dịch bệnh COVID-19.
Cụ thể, trong quý III/2021, các doanh nghiệp đã phát hành 188 nghìn tỷ đồng trái phiếu thì có đến 89% là trái phiếu phát hành riêng lẻ trong nước. Trong đó, chỉ tính riêng lượng trái phiếu của 2 doanh nghiệp BĐS lớn là CTCP Vinpearl và Công ty CP Tập đoàn địa ốc Nova đã đạt mức khoảng 16 nghìn tỷ đồng (725 triệu USD), chiếm đến 8,8% tổng lượng phát hành.
Theo đó, thống kê của SSI Research cho thấy trái phiếu BĐS tiếp tục là tâm điểm chú ý trong thị trường trái phiếu doanh nghiệp sơ cấp khi trong quý III/2021, các doanh nghiệp BĐS tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu khi phát hành 85,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu.
Đặc biệt, sự kiện “Evergrande” cũng không làm thị trường trái phiếu BĐS kém sôi động hơn khi chỉ tính riêng trong tháng 9, tổng giá trị trái phiếu BĐS phát hành là 30,4 nghìn tỷ đồng - chiếm 36% tổng lượng phát hành trong Quý. Các doanh nghiệp phát hành nhiều nhất trong quý vừa qua là Vingroup, Novaland, Osaka Garden, Hưng Thịnh Land.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp BĐS phát hành 201 nghìn tỷ đồng trái phiếu, (chiếm 45,5%), sau đó đến khối các ngân hàng với 136,4 nghìn tỷ đồng (chiếm 30,8%) và các nhóm lĩnh vực khác với tỷ trọng thấp hơn.
Tuy đạt đỉnh về lượng phát hành nhưng theo nhận định của SSI Researh thì chất lượng tài sản đảm bảo của các lô trái phiếu BĐS cũng bộc lộ nhiều hạn chế khi chủ yếu tài sản đảm bảo là các dự án đầu tư, tài sản sẽ hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu/cổ phần của chính doanh nghiệp phát hành.
Cụ thể, nếu tính các trái phiếu BĐS được đảm bảo một phần bằng cổ phiếu, con số này là hơn 140 nghìn tỷ đồng - chiếm 67% tổng lượng trái phiếu BĐS phát hành 9 tháng năm 2021. Tỷ trọng các doanh nghiệp phát hành không có tài sản đảm bảo cũng tương đối cao, chiếm 15,8% tổng lượng phát hành, trong đó có một số lớn doanh nghiệp không niêm yết nên khả năng tiếp cận các thông tin tài chính của các doanh nghiệp này bị hạn chế.
Theo SSI research đây sẽ là rủi ro lớn cho các nhà đầu tư trong trường hợp dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản không được đàm bảo nếu hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn và sẽ không trả được nợ gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư.
Nhận định về diễn biến thị trường trái phiếu trong quý IV, SSI research nhận định các biện pháp quản lý hành chính trong ngắn hạn của Bộ Tài Chính sẽ hạn chế lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp không đảm bảo.
Theo đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp kỳ vọng sẽ kém sôi động trong quý IV khi sau “sự kiện Evergrande”, Bộ Tài chính đã thực hiện một số biện pháp kiểm tra mạnh tay hơn nhằm giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm |
Cụ thể, Bộ Tài chính đã chỉ đạo kiểm tra trong tháng 10 tại 10 công ty chứng khoán về tình hình cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp, trong bối cảnh thị trường thời gian gần đây xuất hiện hiện tượng các nhà đầu tư “lách” các quy định của pháp luật để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với mục đích để mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thông qua phân phối của công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại mà chưa nắm rõ tình hình tài chính của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng rà soát lại một số doanh nghiệp có khối lượng phát hành trái phiếu lớn; phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo; tình hình tài chính yếu nhằm hạn chế tối đa nguy cơ vỡ nợ trên thị trường.
Đặc biệt, các chuyên gia tại SSI research cho rằng việc Bộ Tài chính mới đây đã ban hành dự thảo Thông tư nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ có thể “siết chặt” hơn các hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp BĐS.
Cụ thể, đối với hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, điều khoản đáng chú ý nhất trong dự thảo là việc quy định trái phiếu của công ty không phải công ty đại chúng phải có tài sản đảm bảo hoặc bảo đảm thanh toán toàn bộ gốc, lãi khi đến hạn.
Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, các loại trái phiếu doanh nghiệp được phát hành tại Việt Nam đều chưa được xếp hạng tín nhiệm, nhiều loại không tài sản đảm bảo, không bảo lãnh thanh toán; một số doanh nghiệp công bố huy động vốn với lãi suất cao, nhưng không có phương án kinh doanh khả thi rõ ràng do vậy không đảm bảo cho khả năng trả nợ gốc và lãi sau này.
Theo phân tích của các nhà nghiên cứu tại SSI research, trong ngắn hạn, rủi ro vỡ nợ đến từ các doanh nghiệp này là chưa nhiều khi thời điểm đáo hạn sẽ rơi nhiều vào năm 2023 - 2024, tuy nhiên dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện tại sẽ đẩy nhanh nguy cơ vỡ nợ từ các doanh nghiệp này, khi không thể kiểm soát được dòng tiền khiến dòng tiền bị mất cân đối.
Cụ thể, thanh khoản của thị trường BĐS có xu hướng giảm cho thấy sức hấp thụ đang suy yếu dần; các hoạt động triển khai dự án, sự kiện mở bán bị gián đoạn do dịch bệnh; hoạt động đầu tư công các dự án cơ sở hạ tầng đang chậm hơn dự kiến.
Các yếu tố này làm tăng chi phí vốn do ứ đọng, ảnh hưởng đến kế hoạch dòng tiền trả nợ gốc lãi trái phiếu của doanh nghiệp. Ngoài ra, tình trạng sẽ ngày càng tệ hơn khi nhiều trường hợp các DN phải phát hành thêm trái phiếu doanh nghiệp để có thể thanh toán nợ gốc và lãi của các khoản trái phiếu doanh nghiệp cũ trước đó, SSI research nhận định.
Có thể bạn quan tâm
8.000 tỷ đồng trái phiếu chảy vào khu đô thị Việt Phát tại Long An
03:00, 18/11/2021
Ngân hàng chặt cửa cho vay, rộng cửa “ôm” trái phiếu doanh nghiệp
13:00, 17/11/2021
Cần giám sát việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản
05:00, 16/11/2021
“Bắt mạch” trái phiếu bất động sản Việt Nam nhìn từ vụ China Evergrande
17:08, 15/11/2021