Kinh tế thế giới

Thị trường vốn tư nhân châu Á đối mặt "cơn gió ngược"

Cẩm Anh 20/09/2024 03:00

Nhiều chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp tư nhân châu Á cần chuyển đổi trong bối cảnh tăng trưởng thị trường vốn tư nhân trong khu vực chậm lại.

1131d118-279a-11e8-b567-adb1113855b01280x720232531-1521099289955859426157-0-0-550-980-crop-15210992955821910064347.jpg
Các công ty tư nhân tại châu Á cần thích nghi với thực tế tăng trưởng chậm.

Lĩnh vực vốn tư nhân của châu Á đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có. Báo cáo vốn tư nhân châu Á - Thái Bình Dương 2024 do Bain & Company công bố gần đây đã cho thấy một bức tranh ảm đạm: Giá trị đầu tư vốn tư nhân giảm mạnh xuống còn 147 tỷ USD vào năm 2023, giảm 35% so với mức trung bình 5 năm trước đó và giảm 59% so với mức đỉnh năm 2021.

Hoạt động thoái vốn đã giảm mạnh và hoạt động huy động vốn đạt mức thấp nhất trong một thập kỷ. Các quỹ tập trung vào châu Á - Thái Bình Dương chỉ huy động được 100 tỷ USD vốn mới, giảm 60% so với mức trung bình 5 năm trước đó. Số lượng nhà đầu tư tích cực trong khu vực cũng giảm 25% so với năm 2022.

Trước đây, lĩnh vực vốn tư nhân của châu Á phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh kinh tế thuận lợi với đặc điểm là tăng trưởng nhanh, đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng và sản xuất, và tầng lớp trung lưu đang mở rộng .

Sự hấp dẫn của bối cảnh đầu tư châu Á đã thu hút cả các dòng vốn toàn cầu và địa phương, củng cố vị thế của khu vực này trong đầu tư vốn tư nhân toàn cầu. Lãi suất thấp đã mang đến nguồn tài chính dồi dào cho việc vay vốn với chi phí rẻ, càng thúc đẩy sự bùng nổ của vốn tư nhân.

untitled.jpg
Lĩnh vực vốn tư nhân tại châu Á đang đối mặt với nhiều thách thức

Điều quan trọng nhất là khả năng tìm kiếm và chốt giao dịch của nhà đầu tư, trong đó các mối quan hệ và mạng lưới trở nên tối quan trọng. Điều này đặc biệt rõ rệt ở các thị trường như Trung Quốc, khi tốc độ thực hiện giao dịch thường quan trọng hơn việc thẩm định kỹ lưỡng và tuân thủ các nguyên tắc kinh doanh cơ bản.

Tuy nhiên trong năm 2024, những điều kiện thuận lợi này đã không còn, khi lãi suất cao hơn và tăng trưởng thị trường suy giảm. Nhiều công ty tư nhân đang sở hữu những tài sản kém hấp dẫn, thiếu đi câu chuyện tăng trưởng từng được cho là chắc chắn.

Theo Michel Brekelmans, Giám đốc điều hành của SCP/Asia, một công ty tư vấn chiến lược có trụ sở tại Singapore, để ứng phó với những thách thức mới, lĩnh vực vốn tư nhân đang trải qua một quá trình chuyển đổi sâu sắc.

Một số công ty đa quốc gia như GIC và Actis, đã chuyển hướng đầu tư khỏi việc mua cổ phần tư nhân, tập trung nhiều hơn vào các loại tài sản khác như đầu tư cơ sở hạ tầng. Những nhà đầu tư khác như KKR, vẫn cam kết với vốn tư nhân nhưng đã đa dạng hóa danh mục đầu tư của họ.

Trong khi đó, một thế hệ nhà đầu tư mới đã xuất hiện, đặt việc tạo giá trị làm trọng tâm trong luận điểm đầu tư của họ ngay từ đầu. Các công ty như Growtheum có quy trình thẩm định tỉ mỉ trước khi đầu tư, chỉ nhắm đến các giao dịch độc quyền và nắm quyền kiểm soát hoạt động với một kế hoạch tạo ra giá trị rõ ràng trước khi cam kết bất kỳ khoản vốn nào.

Mặc dù vậy, ông Brekelmans cho rằng, các công ty cổ phần tư nhân sẽ phải đối mặt với những hạn chế của chiến lược và năng lực trong quá khứ. Họ không thể chỉ dựa vào làn sóng tăng trưởng kinh tế của châu Á và các nguồn tài trợ giá rẻ. Thay vào đó, các doanh nghiệp phải phát triển năng lực mới, coi trọng chuyên môn hoạt động, tầm nhìn chiến lược và khả năng thúc đẩy việc tạo ra giá trị hữu hình trong các công ty thuộc danh mục đầu tư của họ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thị trường vốn tư nhân châu Á đối mặt "cơn gió ngược"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO