Trong bối cảnh TTCK đang có định giá hấp dẫn, các yếu tố vĩ mô dần tích cực, thì 6 tháng cuối năm sẽ là thời điểm “vàng” với nhóm chứng khoán, ngân hàng, bán lẻ, đầu tư công và công nghệ.
>> Chứng khoán: Đừng quên đầu tư tăng trưởng
Tuy nhiên không phải cổ phiếu nào trong các nhóm ngành nói trên cũng sẽ tăng điểm. Do đó, các nhà đầu tư cần thận trọng lựa chọn danh mục đầu tư.
Trên TTCK Việt Nam hiện nay, định giá P/E đang ở mức 13,4 lần, và so với mức trung bình 16-16,5 lần thì vẫn đang thấp hơn 15-20%.
Mức P/E tăng do kết quả kinh doanh quý 1/2023 của các doanh nghiệp giảm so với cùng kỳ năm 2022 và khả năng cao, quý 2/2023 kết quả này cũng giảm nhẹ hoặc tương đương so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, lợi nhuận của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tăng trở lại vào quý 4/2023 và dự báo lợi nhuận năm 2023 tăng trưởng khoảng 7-10% so với năm 2022. Vì vậy, mấu chốt sẽ nằm ở quý cuối cùng của năm nay. Đây có thể sẽ là điểm đột phá giúp kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết tăng trở lại. Khi đó, P/E tự nhiên sẽ giảm xuống.
Về định giá P/B đang ở mức 1,7 lần, là vùng đáy của lịch sử so với trung bình 2,3 lần. Điều này cho thấy định giá TTCK Việt Nam vẫn rất hấp dẫn.
>> Kỳ vọng VN-Index duy trì xu hướng tăng chậm rãi
Theo quan sát, phân tích của chúng tôi, trong giai đoạn 6 tháng cuối năm 2023 sẽ có 5 nhóm ngành được hưởng lợi.
Thứ nhất là ngành chứng khoán. Đây là ngành được hưởng lợi lớn nhất trong bối cảnh thanh khoản thị trường đang tăng mạnh, đạt mức cao trong vòng một năm qua (trung bình một phiên khoảng hơn 20.000 tỷ đồng). Khi thanh quản cao, cùng với số lượng tài khoản mở mới tăng mạnh thì các công ty chứng khoán (CTCK) sẽ thu được nhiều phí giao dịch hơn.
Ngoài ra, margin trên TTCK đã tăng 30%, cho thấy doanh thu và lợi nhuận của các CTCK ở mảng cho vay cũng tăng trưởng mạnh, nhất là những công ty có tỷ lệ khách hàng cá nhân cao.
Hơn nữa, VN-Index đã tăng 11% trong 6 tháng đầu năm và dự báo tiếp tục có xu hướng tích cực. Khi đó, danh mục đầu tư của các CTCK sẽ tăng, khiến lợi nhuận mảng tự doanh của họ tăng tốt.
Thứ hai là nhóm bán lẻ và hàng tiêu dùng. Mặc dù các doanh nghiệp bán lẻ, bán buôn trên TTCK có kết quả kinh doanh quý 1/2023 khá tệ, nhưng đó chỉ là mảng bán lẻ hàng xa xỉ hoặc thiết bị ICT có giá trị lớn. Còn về cơ bản, bán lẻ và tiêu dùng ở Việt Nam vẫn tăng trưởng 11,54% trong 5 tháng đầu năm 2023.
Chúng tôi kỳ vọng cuối năm 2023, đầu tư công sẽ tăng trưởng tốt, FDI giải ngân nhiều hơn, lãi suất giảm mạnh, đơn hàng xuất khẩu nhích dần lên, khiến thu nhập của người dân tăng. Khi đó, họ sẵn sàng chi tiêu tiêu dùng mạnh tay hơn.
Thứ ba là ngành ngân hàng. Đây là ngành được hưởng lợi dài và bền vững nhất trên TTCK Việt Nam bởi tín dụng 6 tháng cuối năm nay được kỳ vọng tăng trưởng khoảng 10% - mức tăng kỷ lục trong 10 năm qua, vì đầu năm nay mức tăng trưởng quá thấp (hơn 3%).
Thứ tư là nhóm ngành đầu tư công, vật liệu xây dựng và xây dựng. Trong 6 tháng đầu năm nay, đầu tư công chỉ tăng trưởng 18%, nhưng dự báo sẽ tăng trưởng cao hơn trong 6 tháng cuối năm nay.
Thứ năm là ngành công nghệ. Đây là xu hướng tất yếu, nhất là sau một giai đoạn khó khăn, các doanh nghiệp, tập đoàn thường tái cơ cấu mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ để có thể đi nhanh, đi mạnh và bền vững hơn.
Trong khi đó, Việt Nam đang có ưu thế về nhân công, dân số trẻ giúp chúng ta có thể cạnh tranh sòng phẳng với các công ty công nghệ của Ấn Độ, Trung Quốc hay các nước khác. Ngoài ra, đặc thù giáo dục của Việt Nam giúp chúng ta phù hợp với việc làm công nghệ, vì vậy lĩnh vực này sẽ có sự tăng trưởng bền vững bất chấp khó khăn, đặc biệt ngành này còn rất ít thâm dụng vốn.
Trên đây là 5 nhóm ngành mà nhà đầu tư có thể quan tâm trong giai đoạn cuối năm 2023, nhưng cũng có những điểm cần lưu ý khi tham gia thị trường.
Một là, việc phát hành cổ phiếu mới sẽ sôi động và mạnh mẽ hơn mang lại rất nhiều cơ hội, nhưng cũng không ít rủi ro. Trong giai đoạn đầu của TTCK, các doanh nghiệp tăng vốn, có lợi nhuận cao, nhưng khi thị trường phát triển đến cực đại mà phát hành nhiều vốn thì sẽ có nguy cơ khiến nhà đầu tư bị “kẹt hàng”.
Hai là, TTCK sẽ phân hóa mạnh triển vọng giữa các ngành nghề, doanh nghiệp, nghĩa là sau khó khăn sẽ có những doanh nghiệp rút lui. Ngược lại có những doanh nghiệp mạnh hơn nhờ việc thâu tóm thị phần của các doanh nghiệp yếu kém bỏ lại.
Ba là, phân hoá mạnh định giá cổ phiếu của các ngành. Tuy TTCK có định giá thấp nhưng có không ít ngành đã định giá cao. Do đó, chúng ta cần lựa chọn các ngành hợp lý, lựa chọn cổ phiếu có định giá hấp dẫn.
Bốn là, các cổ phiếu đầu cơ sẽ bị kiểm soát chặt hơn bởi các cơ quan quản lý Nhà nước khi vừa qua TTCK Việt Nam liên tiếp có các vụ khởi tố, xử lý việc thao túng giá cổ phiếu.
Có thể bạn quan tâm