Xuất khẩu giày dép Việt Nam có khả năng gia tăng giá trị nếu chủ động được nguyên liệu sản xuất.
>>>Da giày lo nguồn nguyên liệu làm tuột cơ hội từ CPTPP, EVFTA
Giầy dép là một trong những nhóm hàng công nghiệp có tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi cao nhất khi xuất khẩu sang các thị trường có FTA với Việt Nam. Tại một số thị trường tỷ lệ này lên đến 100%.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết, tỷ trọng xuất khẩu giày dép sang thị trường EU đã tăng từ 23% lên 26% khi có hiệp định EVFTA, kể cả trong thời điểm chịu tác động của dịch bệnh COVID -19 tăng trưởng xuất khẩu vẫn đạt kết quả tốt. Tương tự, hiệp định CPTPP mang lại cho ngành da giày cơ hội tiếp cận thị trường tiềm năng như Mexico và Canada để phát triển dòng sản phẩm mới, có giá trị gia tăng cao. Đây là thị trường không tạo thêm áp lực cạnh tranh quá lớn cho da giày Việt Nam bởi trong các nước thành viên của CPTPP, không nước nào mạnh về xuất khẩu giày dép.
Khác với một số ngành nghề, da giày tận dụng tốt các FTA với thuận lợi nhiều hơn khó khăn. Đặc biệt, với những doanh nghiệp đã có kinh nghiệm xuất khẩu vào EU. Tuy nhiên, theo bà Phan Thị Thanh Xuân, trong thời gian tới, ngành da giày muốn gia tăng thêm thị phần, mở rộng dư địa doanh nghiệp xuất khẩu. Vì vậy, khó khăn tập trung ở các doanh nghiệp bắt đầu xuất khẩu khi phải tìm hiểu, nắm bắt nhiều quy định khác nhau.
Chưa kể, từ quý 4 năm 2022, ngành da giày chịu tác động lớn của suy thoái kinh tế. Đơn hàng từ các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản suy giảm. Dự kiến, đến hết quý 2 năm 2023 thị trường xuất khẩu mới có tín hiệu khả quan.
“Các giải pháp tháo gỡ khó khăn được thực hiện như tìm kiếm nguồn cung, thị trường mới, tận dụng thị trường có ký kết hiệp định. Việt Nam là quốc gia xuất khẩu giày da số lượng lớn và có uy tín, đặc biệt là giày thể thao theo nhãn hàng lớn. Chúng tôi hy vọng trong tổng cầu suy giảm, đơn hàng với Việt Nam vẫn duy trì”, bà Phan Thị Thanh Xuân cho hay
Sản phẩm chủ lực của ngành da giày Việt Nam là giày thể thao. Trong hơn 1 tỷ đôi giày dép sản xuất tại Việt Nam thì 2/3 là giày thể thao. Tuy nhiên, do chưa chủ động nguyên liệu nên chúng ta đang nhập khẩu nguyên liệu (da thuộc) tới hơn 1 tỷ USD. Theo lộ trình giảm thuế của hiệp định EVFTA, sau 7 năm dòng sản phẩm giày da thị trường EU sẽ có mức thuế bằng 0. Đây là cơ hội lớn để giá tăng giá trị cho mặt hàng này nhưng đặt ra thách thức lớn trong gia tăng hàm lượng xuất xứ.
>>>Ngành da giày Việt Nam khó "cất cánh"
Bà Phan Thị Thanh Xuân cũng cho biết: muốn phát triển dòng giày có giá trị gia tăng cao, cần thu hút đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, đặc biệt nguyên liệu da thuộc với công nghệ thân thiện với môi trường, đáp ứng các tiêu chí cao của EU.
Thứ hai, cần hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực thiết kế. Hiện nay, các doanh nghiệp chủ yếu gia công, hàm lượng giá trị gia tăng chưa tốt, chưa chủ động trong đổi mới sáng tạo, hấp thụ công nghệ mới từ EU chuyển giao vào Việt Nam. Vì vậy, cần chính sách thu hút đầu tư nước ngoài trong phát triển nguyên liệu, chuyển giao công nghệ ngành da giày.
Cùng với đó, các cơ quan chức năng hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ kiến thức về thị trường; nâng cao năng lực, tiếp cận thị trường, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường.
Về phía các doanh nghiệp, cần tìm hiểu các quy tắc và thủ tục chứng nhận xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan. Các cam kết này là cơ sở để doanh nghiệp điều chỉnh chuỗi cung ứng và sản xuất nhằm đáp ứng các quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế. Các vấn đề về hải quan, phòng vệ thương mại, lao động và môi trường cần được doanh nghiệp tìm hiểu kỹ để có kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp.
Có thể bạn quan tâm
Da giày cần sớm có chiến lược phát triển ngành
00:20, 29/11/2022
Chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam: Tiếp theo là da giày?
04:10, 21/10/2022
3 kiến nghị giúp ngành da giày vượt qua thách thức lạm phát
04:00, 19/08/2022
Thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững cho ngành da giày Việt Nam
07:58, 27/05/2022
“Vực” ngành dệt may, da giày sau “bão” dịch
03:30, 29/01/2022
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Ngành dệt may, da giày nỗ lực phấn đấu tăng trưởng nhanh
19:42, 23/12/2020