Mỗi năm, các nhà cung cấp nước ngoài thu hàng tỉ USD doanh thu, song số tiền thuế Việt Nam thu được từ các tập đoàn này chỉ hơn 1.000 tỉ đồng, con số này chẳng khác nào “muối bỏ bể”…
Đây là chia sẻ của chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh về những khó khăn trong việc thu thuế thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam hiện nay. Theo ông Thịnh, số thu này chưa tương xứng so với tiềm năng phát triển, tình trạng thất thu thuế là thấy rõ.
>>Thu thuế thương mại điện tử: Một chặng đường gian nan
Theo đó, từ tháng 3/2022, Tổng Cục Thuế đã vận hành cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, đây được coi như một giải pháp nhằm hạn chế tình trạng thất thu thuế đối với các nền tảng xuyên biên giới. Theo số liệu thống kê tính tới đầu tháng 6/2023, đã có 55 nhà cung cấp nước ngoài đăng kí, khai thuế và nộp thuế qua cổng này. Tổng số thu ngân sách nhà nước mà các nhà cung cấp nước ngoài đã khai, nộp trực tiếp trên cổng từ đầu năm đến nay là 3.401 tỉ đồng.
Trong đó, có 6 nhà cung cấp nước ngoài lớn gồm Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netfix, Apple, chiếm 90% thị phần doanh thu dịch vụ thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới tại Việt Nam.
Doanh thu các doanh nghiệp xuyên biên giới cũng lên đến hơn 1 tỷ USD/năm, nhưng hiện tại, Nhà nước mới thu được một số ít thuế nhà thầu do doanh nghiệp Việt Nam kê khai và nộp, còn các doanh nghiệp xuyên biên giới chưa thu được các loại thuế có liên quan do họ chưa chấp nhận việc đặt văn phòng, pháp nhân tại Việt Nam.
Theo quy định hiện tại, thuế suất thuế kinh doanh thương mại điện tử với cá nhân, hộ kinh doanh từ 1,5-10%. Như vậy, hiện Nhà nước đang thất thu hàng chục ngàn tỷ đồng.
>>Để thương mại điện tử phát triển lành mạnh
Trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Hà Nội cho biết, những năm gần đây, nhiều cá nhân, tổ chức có doanh thu “khủng” từ các nhà cung cấp nước ngoài có tình trạng “quên” đóng thuế. Chỉ đến khi ngành thuế truy thu, những con số khiến người nghe giật mình.
“Điển hình như tại Hà Nội vài năm trước đây, một cá nhân Việt Nam viết phần mềm cho các nhà cung cấp nước ngoài đã bị truy thu thuế lên tới là gần 30 tỷ đồng. Hay như tại TP. Hồ Chí Minh đã truy thu thuế của hàng chục tỷ đồng đối với các cá nhân hiện nay kê khai thuế không đầy đủ thông qua bán hàng hoặc thông qua các dịch vụ phần mềm viết trò chơi cung ứng khác", bà Cúc nói.
Đáng chú ý, không chỉ có các cá nhân, tổ chức tại Việt Nam đang “hốt bạc” từ các hoạt động từ nền tảng xuyên biên giới mà nhiều nhà cung cấp nước ngoài cũng chưa thực hiện trách nhiệm về thuế, cũng như trách nhiệm tuân thủ các quy định quản lý nội dung khác, như lĩnh vực cung cấp dịch vụ OTT xuyên biên giới.
Điển hình là Netflix - nền tảng xem phim trực tuyến nổi tiếng đã đặt trụ sở tại hơn 190 quốc gia, dù chính thức có mặt ở thị trường Việt Nam từ năm 2016, với mức phí thuê bao 180.000 - 260.000 đồng/tháng, ước tính Netflix thu về hàng trăm tỷ đồng/năm. Miếng bánh “màu mỡ” là vậy, song số thuế thu được từ nền tảng này được đánh giá là khá ít ỏi.
Hay như TikTok, hiện Việt Nam có hơn 150 công ty là đại lý mua quảng cáo của TikTok. Trong khi đó, theo thông tin được công bố trên website chính thức của TikTok, chỉ tính riêng một đại lý lớn tại Việt Nam, số dư có trong tài khoản quảng cáo đã lên đến 3,5 triệu USD một quý. Còn con số chi tiêu thực tế có thể lớn hơn rất nhiều.
Theo các chuyên gia, việc này đã tạo ra sự bất bình đẳng khi tập đoàn lớn bỏ túi hàng tỷ USD nhưng đóng thuế nhỏ giọt, trong khi doanh nghiệp trong nước đang chịu nhiều loại thuế như thuế bản quyền (10%), thuế giá trị gia tăng (5%) và thuế thu nhập doanh nghiệp (hơn 20%).
Suốt thời gian dài, thương mại điện tử trở thành mảnh đất màu mỡ cho các nền tảng xuyên biên giới tại Việt Nam tận dụng tối đa để khai thác, song vì sao việc thu thuế vẫn gặp không ít “gian nan”? Trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây, Bộ Tài chính cũng thừa nhận, thương mại điện tử phát triển nhanh, quản lý, thu thuế kinh doanh xuyên biên giới đối mặt với nhiều thách thức.
Xung quanh vấn đề này các chuyên gia cho rằng, bên cạnh những lỗ hổng pháp lý khiến cơ quan chức năng phải “đau đầu” với bài toán thu thuế thương mại điện tử xuyên biên giới mà chưa có lời giải thì những chiêu trò “lách” thuế của các tổ chức cá nhân cũng vô cùng tinh vi.
Còn nữa…
Có thể bạn quan tâm