Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng vừa có văn bản số 156/TTg-CN ngày 4/2/2021 về Đề án bổ sung quy hoạch các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn TP.Cần Thơ.
Theo đó, xét đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Công văn số 8710/BKHĐT-QLKKT ngày 28/12/2020) về Đề án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn TP. Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến: Đồng ý đề nghị của Bộ KH-ĐT tại văn bản nêu trên về việc điều chỉnh quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn TP. Cần Thơ như sau:
Điều chỉnh giảm diện tích KCN Thốt Nốt từ 600 ha xuống 200 ha. Đưa KCN Ô Môn có diện tích 600 ha và KCN Bắc Ô Môn có diện tích 400 ha ra khỏi Quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam.
Bổ sung quy hoạch KCN Ô Môn - Cần Thơ (diện tích là 500 ha; vị trí tại phường Trường Lạc, quận Ô Môn, TP. Cần Thơ) và KCN Vĩnh Thạnh (diện tích là 900 ha; vị trí tại xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ) vào Quy hoạch phát triển các KCN.
Các KCN khác trên địa bàn TP. Cần Thơ nằm trong Quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam được phê duyệt tại Công văn số 2628/TTg-KTN ngày 22/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ không thay đổi.
Tại văn bản này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: UBND TP. Cần Thơ đảm bảo tính chính xác của số liệu báo cáo; quy mô diện tích, vị trí đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các KCN trên địa bàn TP. Cần Thơ; sự phù hợp, tính khả thi, liên kết, đồng bộ, kế thừa và khả năng tích hợp của phương án phát triển hệ thống KCN trên địa bàn Thành phố trong nội dung Quy hoạch Thành phố thời kỳ 2021- 2030 theo quy định của pháp luật về quy hoạch. Không để xảy ra các tranh chấp, khiếu kiện trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch. Tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành.
Chịu trách nhiệm báo cáo Hội đồng nhân dân TP. Cần Thơ xem xét thông qua việc bổ sung KCN Ô Môn - Cần Thơ và KCN Vĩnh Thạnh trong chỉ tiêu đất KCN thuộc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) TP. Cần Thơ được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 52/NQ-CP.
Tập trung thực hiện đồng bộ việc quy hoạch, phát triển các KCN với các công trình nhà ở công nhân, các công trình xã hội và văn hóa thể thao cho người lao động trong KCN; đảm bảo việc cung cấp hạ tầng kỹ thuật và xã hội ngoài hàng rào phục vụ cho hoạt động của KCN.
Thực hiện lựa chọn và thu hút nhà đầu tư hạ tầng có tiềm lực về tài chính và kinh nghiệm để đầu tư KCN Ô Môn - Cần Thơ và KCN Vĩnh Thạnh theo quy định của pháp luật; chỉ đạo các cơ quan có liên quan và nhà đầu tư cụ thể hóa phương án đền bù giải phóng mặt bằng, kết nối hạ tầng, phương án cung cấp nguồn nhân lực, đầu tư hạ tầng điện nước và các yếu tố cần thiết khác để đảm bảo hiệu quả kinh tế xã hội của các KCN trong quá trình lập dự án và lựa chọn nhà đầu tư...
KCN Bắc Ô Môn và Thốt Nốt đều có mặt tiếp giáp sông Hậu. Việc điều chỉnh giảm diện tích KCN Thốt Nốt và chuyển đổi vị trí KCN Bắc Ô Môn (phường Phước Thới) về phường Trường Lạc quận Ô Môn nhằm giảm diện tích KCN ven sông Hậu, đưa KCN ra xa trung tâm, vực dậy tiềm năng kinh tế cho các khu vực vùng sâu của địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Đại hội XIII: Cần Thơ đề xuất các giải pháp phát triển KH-CN trong lĩnh vực nông nghiệp
11:11, 28/01/2021
Văn Phú Invest quyết định đầu tư lớn vào Cần Thơ
11:10, 23/01/2021
Vì sao Cần Thơ dời đường hoa nghệ thuật về địa điểm mới?
07:25, 22/01/2021
Thủ tướng: Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ phải khánh thành trong năm 2022
11:00, 04/01/2021