Thực thi FTA: "Cần chủ động khai thác cơ hội"

PV 13/10/2020 04:20

Việc thực thi các FTA đòi hỏi cả cơ quan nhà nước cũng như doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa trong việc nắm bắt các cơ hội.

Chiều 12/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bắt đầu phiên họp thứ 49, tiến hành giám sát chuyên đề: “Việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên”.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề.

Cơ hội luôn song hành cùng thách thức

Kết quả giám sát cho thấy, tính đến hết năm 2019, Việt Nam đã ký kết 13 FTA và đang đàm phán 3 FTA. Trong số 13 FTA đã ký kết, có 12 FTA đã có hiệu lực đối với Việt Nam thuộc phạm vi của chuyên đề giám sát, bao gồm 1 FTA thế hệ mới là Hiệp định CPTPP đã được Quốc hội phê chuẩn trong năm 2018.

Tuy nhiên, khi nhìn nhận lại kết quả mà các FTA mang lại, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng Phan Thanh Bình lo ngại rằng, chúng ta vẫn chưa thoát được việc phụ thuộc vào một vài nền kinh tế lớn và gần Việt Nam, điểm này, theo ông Bình cần đánh giá sâu hơn.

“Việc tham gia các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và toàn diện như CPTPP và EVFTA không chỉ mang lại cơ hội mà kèm theo những rủi ro và thách thức, nhất là năng lực cạnh tranh để tác động tăng trưởng kinh tế, có thể rủi ro đối với doanh nghiệp trong nước; thách thức về hoàn thiện khuôn khổ pháp luật; thách thức trong việc thực thi các cam kết trong những lĩnh vực mới chưa có trong các FTA trước đây như lao động, công đoàn, môi trường”, ông Giàu nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.

Tán thành với các nội dung báo cáo kết quả giám sát, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết thêm kể từ khi Việt Nam thực hiện chiến lược hội nhập và thực thi các thế hệ FTA, đây là lần đầu tiên có giám sát của Quốc hội về nội dung này. Qua đó có cái nhìn khách quan, toàn diện về hiệu quả của chiến lược hội nhập của Việt Nam, định hướng cho giai đoạn mới trong bối cảnh tình hình mới và phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tiếp theo.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đưa ra lưu ý rằng, hội nhập là điều không thể tránh khỏi trong bối cảnh toàn cầu hóa và để hội nhập sâu rộng hơn nữa đòi hỏi sự chủ động ở trong nước. Như kết quả giám sát đã chỉ rõ, nếu không xây dựng tốt nội lực, cộng đồng doanh nhân, nội lực nền kinh tế thì khó có thể khai thác hiệu quả chiến lược hội nhập này. Do đó các bài học kinh nghiệm, khắc phục những vấn đề tồn tại giữa Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, người dân và các chủ thể trong quá trình thực thi các FTA là rất quan trọng; đòi hỏi đẩy mạnh hơn nữa thực hiện cải cách, hoàn thiện thể chế khuôn khổ pháp luật và các chính sách để phát huy nguồn lực trong nước.

Nhiều lăn tăn về mức độ hội nhập?

Về phần mình, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, hiện nay vẫn còn có ý kiến khác nhau về mức độ hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Có ý kiến cho rằng đi nhanh quá, mở rộng quá, có ý kiến lại cho rằng cần mở rộng hội nhập hơn nữa. Báo cáo cần khẳng định là thực hiện FTA mà Việt Nam là thành viên đã đem lại lợi ích chính đáng cho Việt Nam, bước đầu có khó khăn nhưng lâu dài có kết quả tích cực, ông Hiển nêu quan điểm.

 Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng kết luận nội dung thảo luận.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng kết luận nội dung thảo luận.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với kiến nghị của Đoàn giám sát về việc có kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này. Nhất trí về những kiến nghị đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng cường giám sát công tác tổ chức thực hiện, kết quả, tác động của việc thực hiện các FTA; ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản luật, nghị quyết của Quốc hội để nội luật hóa các cam kết trong FTA.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu tổ chức triển khai các kiến nghị của Đoàn giám sát trong quá trình triển khai thực thi các FTA. Đề nghị Đoàn giám sát tiếp thu nghiêm túc ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội hoàn thiện báo cáo, dự thảo kết luận và gửi đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 tới.

Qua giám sát, Đoàn giám sát thống nhất với báo cáo của Chính phủ và các bộ, ngành về một số bài học kinh nghiệm.

Một, bám sát các chủ trương, đường lối về hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng, tranh thủ sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng để chủ động thúc đẩy, tham gia các FTA.

Hai, xác định hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân và của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước.

Ba, xác định hội nhập quốc tế về kinh tế là trọng tâm, hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế và góp phần tích cực vào phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy phát triển văn hóa, xã hội.

Bốn, xây dựng hệ thống giám sát đồng bộ; phát huy tính chủ động và phối hợp đồng bộ của tất cả các cấp, các ngành, địa phương và doanh nghiệp.

Năm, thường xuyên tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao sự hiểu biết về hội nhập kinh tế quốc tế và các FTA cho cán bộ trong hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân để thực hiện có hiệu quả.

Sáu, công tác dự báo phải đáp ứng yêu cầu diễn biến thế giới và đánh giá khả năng nước ta triển khai theo lộ trình phù hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thực thi FTA: "Cần chủ động khai thác cơ hội"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO