Trong khi mức lương cơ sở đã điều chỉnh lần thứ 13, tuy nhiên, những bất cập của thuế thu nhập cá nhân vẫn còn đó, theo chuyên gia, cần sớm đưa ra giải pháp để tạo sự công bằng cho người nộp thuế…
>> Thuế thu nhập cá nhân - Phải điều chỉnh kịp thời để phù hợp với thực tế
Theo đó, Chủ tịch Quốc hội - Vương Đình Huệ vừa ký ban hành Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, nội dung Nghị quyết yêu cầu Chính phủ phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp tục triển khai đồng bộ, kịp thời, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra.
Đặc biệt, Quốc hội nhấn mạnh đến việc điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm; nghiên cứu phương án điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân;...
Xoay quanh vấn đề thuế thu nhập cá nhân, thực tế cho thấy, những năm qua dù giá cả tất cả các mặt hàng tiêu dùng ngày một tăng, đồng tiền mất giá theo lạm phát năm, tuy nhiên, dù có rất nhiều quy định bất cập liên tục được dư luận “chỉ mặt điểm tên” nhưng cho đến nay những tồn tại của thuế thu nhập cá nhân vẫn chưa được sửa đổi.
Không ít ý kiến cho rằng, bất cập dễ thấy là mức giảm trừ gia cảnh không dựa vào mức sống tối thiểu, thu nhập bình quân đầu người, cũng không căn cứ vào mức lương tối thiểu chung và mức lương tối thiểu theo vùng. Điều vô lý hơn là mức lương tối thiểu theo 4 vùng chênh nhau gần 1,5 lần nhưng mức thu nhập khởi điểm đóng thuế và giảm trừ gia cảnh lại bằng nhau.
Đáng nói, kể từ 01/7, mức lương cơ sở hàng tháng đối với công chức, viên chức được tăng lên 1,8 triệu thay cho mức 1,49 triệu đồng, đây là lần tăng lương thứ 13 trong vòng 19 năm trở lại đây và cũng là năm tăng lương cơ sở cao nhất.
Việc tăng lương cơ sở từ mức 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng, đồng nghĩa mức thuế thu nhập cá nhân mà người lao động phải đóng cũng sẽ tăng thêm, chưa kể, một số trường hợp tiệm cận giữa 2 bậc thuế thì việc tăng lương sẽ đối diện với việc bậc thuế tăng khiến số thuế thu nhập cá nhân phải nộp càng trở thành “gánh nặng”.
>> Cấp thiết sửa bất cập về... thuế thu nhập cá nhân
Nhận định về thực tế đã nêu với báo chí, Luật sư Trần Xoa - Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang cho rằng, các bậc thuế trong biểu thuế thu nhập cá nhân hiện nay quá dày, sát nhau nên khi lương nhích lên vài trăm ngàn hay lên tiền triệu thì người làm công ăn lương sẽ phải đóng thuế nhiều hơn. Trong đó, sẽ có những người trước đây chưa phải nộp thuế nhưng có thể đợt này do lương tăng sẽ phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Đồng thời cũng sẽ có những người bị nhảy bậc thuế từ mức thấp lên mức cao hơn.
Theo Luật sư Trần Xoa, nhiều quy định về thuế thu nhập cá nhân đã lỗi thời nên cần xem xét, chỉnh sửa toàn diện. Đặc biệt, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế 11 triệu đồng/tháng và người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng đã quá lạc hậu, không đủ đảm bảo đời sống cho người dân.
“Trước đây nhiều ý kiến đề xuất nhiều phương án như tính mức giảm trừ gia cảnh theo lương tối thiểu vùng hay theo lương cơ sở, tuy nhiên, Bộ Tài chính không đồng ý và vẫn tính theo mức thu nhập bình quân nhân với hệ số 2,5 lần. Nếu theo phương pháp này thì thu nhập bình quân của người dân Việt Nam trong năm 2022 được công bố lên 95,6 triệu đồng/người/năm, tương đương gần 8 triệu đồng/người/tháng. Khi nhân với hệ số 2,5 lần thì mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế lên 20 triệu đồng/tháng...”, Luật sư Trần Xoa chia sẻ.
Đồng tình với quan điểm đã nêu, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, quy định mức giảm trừ gia cảnh và ngưỡng thu nhập chịu thuế cố định, khi lạm phát tăng 20% mới sửa đổi là không phù hợp. Vì vậy, cơ quan chức năng nên quy định theo hướng mức giảm trừ gia cảnh cao gấp 3-4 mức lương, khi lương tăng, mức giảm trừ gia cảnh sẽ tăng theo. Và các giải trình tăng lương cơ sở có thể làm căn cứ để thay đổi mức giảm trừ gia cảnh, tránh trường hợp Nhà nước tăng lương nhằm hỗ trợ cuộc sống cho người làm công ăn lương, tuy nhiên, khoản đóng thuế đã ngốn một phần lương tăng, chưa kể yếu tố tăng giá hàng hóa thì mục tiêu tăng lương bỗng thành vô nghĩa.
Liên quan đến vấn đề này, trước đó, tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa XV, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - Đoàn Thị Thanh Mai cũng đề nghị Chính phủ cần sớm sửa chính sách về thuế thu nhập cá nhân.
Theo bà Thanh Mai, mức giảm trừ gia cảnh hiện tại là 15,4 triệu đồng (gồm giảm trừ cá nhân 11 triệu đồng và giảm trừ 1 người phụ thuộc 4,4 triệu đồng) duy trì từ tháng 7/2020 đến nay không còn phù hợp, tạo ra sự thiếu công bằng với các đối tượng nộp thuế.
“Với những người sống tại các khu đô thị, chi phí cuộc sống nhiều hơn khi giá thuê nhà, phòng trọ, tiền điện nước, hàng hóa dịch vụ đều tăng. Nhiều gia đình, nhất là tại các thành phố lớn, thì mức giảm trừ gia cảnh hiện nay không đủ để đáp ứng chi tiêu cơ bản, vì vậy, cần điều chỉnh về thuế thu nhập cá nhân cho phù hợp”, bà Thanh Mai bày tỏ.
Có thể bạn quan tâm
Thuế thu nhập cá nhân - Phải điều chỉnh kịp thời để phù hợp với thực tế
05:00, 07/06/2023
Để thuế thu nhập cá nhân không còn là nghịch lý
05:00, 07/06/2023
Cấp thiết sửa bất cập về... thuế thu nhập cá nhân
04:00, 06/06/2023
Bất cập thuế thu nhập cá nhân - Cần sớm nâng mức giảm trừ gia cảnh
03:50, 22/05/2023
Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân: Cần giảm “gánh nặng” cho người làm công ăn lương
04:00, 31/03/2023