Mặc dù Bộ NN&PTNT đã tổ chức buổi làm việc để tiếp thu ý kiến về những bất cập trong văn bản quy phạm, tuy nhiên, một lần nữa những kiến nghị của VASEP đứng trước nguy cơ không được xem xét sửa đổi.
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, cộng đồng doanh nghiệp thủy sản đang gặp vướng mắc lớn về quy định pháp luật tại chùm 3 Thông tư (Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT, Thông tư số 36/2018/TT-BNNPTTN và Thông tư số 15/2018/TT-BNNPTNT) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) liên quan đến hoạt động kiểm tra nhập khẩu sản phẩm thuỷ sản. Thế nhưng, tại dự thảo sửa đổi Thông tư số 15/2018/TT-BNNPTNT, bất chấp kiến nghị và thực tế vướng mắc của các doanh nghiệp, một lần nữa những tồn tại này lại đứng trước nguy cơ không được sửa đổi.
Quan ngại từ cộng đồng doanh nghiệp
Tại Công văn số 83/CV-VASEP gửi Cục Kiểm tra Văn bản Quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) tiếp tục nhấn mạnh về hàng loạt bất cập đang tồn tại xoay quanh các Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT, Thông tư số 36/2018/TT-BNNPTTN và Thông tư số 15/2018/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT.
Theo VASEP, toàn bộ cơ chế và phương thức kiểm tra đang thực hiện theo thiết chế trong chùm 3 Thông tư đã nêu của Bộ NN&PTNT, không thực hiện theo các quy định của Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm (ATTP), cũng như Nghị định 85/2019/NĐ-CP (cơ chế 1 cửa và kiểm tra chuyên ngành xuất nhập khẩu).
Bởi, dù vẫn kiểm tra các chỉ tiêu ATTP (cảm quan, E.coli, Salmonella...) đối với nhóm sản phẩm thuỷ sản chế biến (dạng: đông lạnh, đồ hộp...) như bản chất khoa học và giống các nước đang thực hiện, nhưng lại mang tên “kiểm dịch” nên khiến quy mô và tần suất kiểm tra các lô hàng nhập khẩu là vô cùng lớn (100% container kiểm hồ sơ, 100% container kiểm cảm quan;...).
“Đáng nói, việc duy trì các đối tượng/danh mục “hàng chế biến dùng làm thực phẩm” phải kiểm dịch qua các năm và tại Dự thảo sửa đổi Thông tư 15/2018/TT-BNNPTNT là biện pháp quá mức, chưa phù hợp với chủ trương cắt giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, với quy định pháp luật cũng như thông lệ quốc tế hiện hành, khi đây là yếu tố làm giảm đi năng lực cạnh tranh của ngành, của quốc gia, chi phí (thời gian, cơ hội…) là rất lớn, và đặc biệt khiến cho nhiều yêu cầu cải cách của Chính phủ và Bộ NN&PTNT sẽ không được thực hiện” – VASEP quan ngại.
Cần bỏ tên… “kiểm dịch”
Thông tin với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó tổng Thư ký VASEP kiến nghị, không đưa hoạt động kiểm tra nhập khẩu các sản phẩm thuỷ sản chế biến dùng làm thực phẩm cho người (đông lạnh, hàng khô, đồ hộp, nấu chín, ăn liền,…) vào danh mục có tên là “kiểm dịch” - trừ các sản phẩm sống, tươi sống, ướp lạnh.
Theo ông Nam, việc nhập khẩu các sản phẩm chế biến kể trên để dùng làm thực phẩm đã và đang được Cục Thú y kiểm tra nhập khẩu theo các chỉ tiêu ATTP là phù hợp với thông lệ quốc tế và cơ sở khoa học - cần được trả lại đúng tên, đúng khái niệm, đúng quy định trong các Thông tư liên quan của Bộ NN&PTNT… việc kiểm tra ATTP nhập phải được thực hiện theo đúng Nghị định số 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật ATTP 2010.
“Việc sửa đổi như đã nêu không chỉ giúp Bộ NN&PTNT thực hiện được phần lớn các cải cách mà Chính phủ đã yêu cầu trong 5 năm qua, phù hợp với thông lệ quốc tế, cơ sở khoa học và quy định pháp lý, mà còn giúp môi trường kinh doanh ở Việt Nam được cải thiện, giảm nhiều chi phí cho doanh nghiệp và thúc đẩy xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam”, ông Nam chia sẻ.
Không chỉ VASEP, mới đây, trong văn bản góp ý của mình Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và các Tiểu ban Ngành nghề cũng cho rằng, kiểm dịch thực phẩm đã chế biến bao gói sẵn hiện nay hoàn toàn trùng với kiểm tra ATTP, do cùng kiểm tra các vi sinh vật như: E. Coli, Salmonella,… khiến doanh nghiệp phải làm 2 kiểm tra giống nhau tại 2 cơ quan (kiểm dịch sản phẩm ở Bộ NN&PTNT, kiểm tra ATTP ở Bộ Y tế), gây tốn kém vô ích.
Để tránh chồng chéo như đã nêu, đơn vị này khuyến nghị, chỉ dùng 1 tên gọi kiểm tra ATTP cho kiểm tra thực phẩm đã chế biến bao gói sẵn, về mặt hồ sơ, thú y phải có Giấy chứng nhận y tế, và chỉ nộp bản điện tử để kiểm tra và lưu bản chính tại cơ sở để hậu kiểm, nhằm đảm bảo sản phẩm được sản xuất từ các vùng không có dịch bệnh và an toàn khi sử dụng.
Theo thống kê và công bố của TFP, số lượng lô hàng vi phạm trong quá trình kiểm dịch các năm qua là vô cùng thấp (Năm 2017: chỉ 4 /tổng số 320.376 tờ khai bị vi phạm, chiếm 0,001%; Năm 2018: chỉ 6/tổng số 183.831 tờ khai bị vi phạm, chiếm 0,01%; Năm 2019: 0/tổng số 320.376 tờ khai bị vi phạm, chiếm 0%). Trong khi đó, các yêu cầu về kiểm dịch, tần suất kiểm dịch và số lượng lô hàng bị đưa vào diện kiểm dịch lại tăng dần lên từ 2010 đến nay. |
Có thể bạn quan tâm
Thủy sản gặp khó vì “bó” kiểm dịch: Sẽ tiếp thu, xử lý, trình Thủ tướng
14:00, 09/07/2021
Thủy sản gặp khó vì “bó” kiểm dịch: Kiến nghị làm thủ tục trên hệ thống 1 cửa quốc gia
04:30, 18/06/2021
Thủy sản gặp khó vì “bó” kiểm dịch: Quy định bất hợp lý, gây tốn kém
11:01, 02/06/2021
Thủy sản gặp khó vì “bó” kiểm dịch: Ai đã đánh tráo khái niệm?
15:02, 19/05/2021
Thủy sản gặp khó vì “bó” kiểm dịch: Cục Thú y sẽ rà soát thông tư
11:00, 13/05/2021
Thủy sản gặp khó vì “bó” kiểm dịch
11:00, 05/05/2021