Doanh nghiệp

Tiếp sức cho thương mại điện tử

Thy Hằng 14/08/2024 12:31

Cần hỗ trợ về chính sách của Nhà nước với các nền tảng thương mại điện tử, xuất khẩu để giúp doanh nghiệp vượt qua những rào cản kỹ thuật.

Mặc dù kinh tế thế giới và khu vực đang trong giai đoạn gặp nhiều khó khăn, nhưng theo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam (EBI 2024) của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, ước tính tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 tăng trên 25% so với năm trước và đạt 25 tỷ USD, trong đó, quy mô bán lẻ hàng hoá trực tuyến đạt 17,3 tỷ USD. Ở góc độ vĩ mô, nền kinh tế số Việt Nam dự kiến chạm mốc 45 tỷ USD vào năm 2025 nhờ sự thúc đẩy của thương mại điện tử.

bec6294d9f869682d48b3f2e51f819a078838aaa-bd9d-42c7-83bf-945f419e52f0.jpg
Ở góc độ vĩ mô, nền kinh tế số Việt Nam dự kiến chạm mốc 45 tỷ USD vào năm 2025 nhờ sự thúc đẩy của thương mại điện tử.

Theo PGS.TS Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông, định hướng, đến năm 2025, kinh tế số ngành lĩnh vực đạt tối thiểu 50% kinh tế số cả nước. Chứng tỏ, vai trò của kinh tế số ngành lĩnh vực đóng góp ngày càng nhiều vào kinh tế số. Đặc biệt, thương mại điện tử đã, đang và sẽ trở thành động lực chính để phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực.

Tính đến hết năm 2023, lĩnh vực thương mại điện tử đã đóng góp khoảng 15%-17% trong tổng giá trị của kinh tế số quốc gia. Ngoài ra, chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số đã xác định mỗi hộ nông dân, mỗi hộ kinh doanh đều có thể trở thành những cửa hàng trực tuyến trên thương mại điện tử để tăng cường khả năng tiếp thị, quảng bá các dịch vụ của mình.

Hiện nay, Việt Nam có trên 14 triệu cửa hàng, 9 nghìn chợ, nhưng xu hướng thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt sau giai đoạn dịch COVID-19. Đưa các hoạt động bán buôn, bán lẻ, lên nền tảng thương mại số, thương mại điện tử trở thành xu hướng lớn, chiếm 19,6% tổng doanh thu bán lẻ toàn cầu. Còn tại Việt Nam, mục tiêu đặt ra là doanh thu thương mại điện tử chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ vào năm 2025 và chúng ta có thể đạt được mục tiêu này.

Trên thực tế, thống kê riêng năm 2023, doanh thu của thương mại điện tử là 3,5 triệu tỷ, thu ngân sách từ đó là khoảng 100.000 tỷ và những con số này chắc chắn trên thực tế còn cao hơn.

Theo TS Võ Trí Thành, ngoài kinh doanh online, nhiều sàn điện tử cũng là một phần của thương mại điện tử, một phần của bán lẻ, tạo ra nhiều công ăn việc làm. Ngoài độ hấp dẫn của Việt Nam, dân số trẻ, tiêu dùng mạnh mẽ, thích giao dịch online gắn với gen Z, thương mại điện tử tạo ra sự phát triển đồng đều hơn, giảm bớt khoảng cách về thu nhập. Thương mại điện tử phát triển ở khu vực nông thôn cũng rất mạnh mẽ, gần tiệm cận với thành phố.

Tuy nhiên, Vị chuyên gia kinh tế cũng thẳng thắn chỉ ra những điểm nghẽn còn tổn tại. Theo đó, trong quá trình phát triển này, khu vực thương mại truyền thống, khu vực bán lẻ dần dần bị thu hẹp, đó là một phần của quá trình phát triển nhưng cũng có thể tạo ra những tác động không mong muốn. Ông Võ Trí Thành cho rằng đây là việc phải quan tâm về mặt chính sách, để không ai bị thiệt thòi, bỏ lại phía sau.

“Liên quan đến nhiều câu chuyện về thể chế, về xử lý tranh chấp, bảo vệ người tiêu dùng làm sao để phát triển đem lại lợi ích tốt nhất chứ không phải lúc nào cũng màu hồng”, TS Võ Trí Thành lưu ý.

Từ góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam Trần Tuấn Anh cho biết cũng có những khó khăn đối với nhiều nhà sản xuất, kinh doanh trong nước, đặc biệt là kinh doanh nhỏ lẻ khi vận hành thương mại điện tử.

“Ví dụ với ngành may mặc, những sản phẩm này chưa tiếp cận được quá nhiều trong thị trường nội địa vì một số lý do: Hiểu biết về thị trường nội địa từ các nhà kinh doanh xuất khẩu chưa nhiều; cách tiếp cận người tiêu dùng qua thương mại điện tử ở Việt Nam vẫn còn mới; nhu cầu và thị hiếu của thị trường Việt Nam cũng khác với thị trường xuất khẩu”, ông Trần Tuấn Anh nêu ví dụ.

Đồng thời cho biết, trong những cuộc đi khảo sát thị trường, nhận thấy các doanh nghiệp ở Việt Nam có một số thử thách. Việc đầu tiên là các doanh nghiệp phải hiểu thương mại điện tử và cách tiếp cận thương mại điện tử qua các kênh, đó là thử thách mà doanh nghiệp cần hỗ trợ. Bên cạnh đó là việc doanh nghiệp phải hiểu người tiêu dùng sẽ biến đổi như thế nào để bắt kịp và đi theo trào lưu.

“Cách tiếp cận của chúng tôi hiện tại là có sự hợp tác chặt chẽ với các bộ, ngành để có sự liên kết với doanh nghiệp, hiệp hội, các cơ sở sản xuất từ lớn đến nhỏ để có sự hướng dẫn hiệu quả, cập nhật các phương pháp kinh doanh, các cách tiếp thị, các công cụ vận hành hiệu quả nhất. Đồng thời, phải tạo được sự liên kết với các chuỗi cung ứng, đến các nhà sản xuất, các nhà phân phối, kho bãi… Chúng tôi cố gắng phát triển song song với các đối tác của mình”, ông Trần Tuấn Anh lưu ý.

Đồng thời cho rằng phải có vòng xoay để có cơ chế, có những điều chỉnh để cho sản xuất, các cơ chế, chính sách để cho doanh nghiệp phát triển tốt hơn.

Trong khi đó, bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho rằng, để tối ưu hoá tiềm năng thương mại điện tử của Việt Nam là bài toán đường dài.

vita0358-1629700228752418672066.jpg
Thống kê riêng năm 2023, doanh thu của thương mại điện tử là 3,5 triệu tỷ, thu ngân sách từ đó là khoảng 100.000 tỷ và những con số này chắc chắn trên thực tế còn cao hơn.

“Tôi muốn nói đến định hướng của kế hoạch tổng thể thương mại điện tử cho giai đoạn 5 năm tới mà Bộ Công Thương đang tham mưu trình Chính phủ. Theo đó, thương mại điện tử hướng tới xuất khẩu để đưa sản phẩm "Made in Vietnam" ra thị trường quốc tế và có tính cạnh tranh trên thị trường đó, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng các nhà sản xuất có thể bán hàng ra thị trường toàn cầu”, bà Lại Việt Anh nhấn mạnh.

Yếu tố thứ hai được Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số nhắc đến là phát triển bền vững nên là định hướng lớn khi xây dựng những giải pháp thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới và xuất khẩu nói chung.

Từ góc độ này, bà Việt Anh cho rằng, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số trong thương mại điện tử cũng sẽ có vai trò nhất định. Ví dụ, khách hàng có những yêu cầu về truy xuất hàng hoá, đảm bảo được vùng trồng, không vi phạm về chặt phá rừng hoặc đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường, chống rác thải…

“Chúng ta giải quyết tất cả những vấn đề đó bằng cách số hoá của quy trình sản xuất chuỗi giá trị, áp dụng đến từng khâu của quy trình của sản xuất… Đó là những yếu tố mà thương mại điện tử phải áp dụng để nâng cao tính cạnh tranh cho hàng hoá Việt Nam trên thị trường quốc tế”, Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số nhấn mạnh.

Ngoài ra, bà Việt Anh cho rằng có thể hỗ trợ về chính sách của Nhà nước, các nền tảng thương mại điện tử, xuất khẩu để giúp doanh nghiệp vượt qua những rào cản kỹ thuật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tiếp sức cho thương mại điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO