Tiếp tục sửa đổi quy định về bảo hiểm bắt buộc ôtô, xe máy

KHÔI NGUYÊN 23/12/2022 00:06

Chính phủ đang rà soát, hoàn thiện quy định về bảo hiểm bắt buộc đối với xe cơ giới để phù hợp với Luật Kinh doanh bảo hiểm, bảo đảm tuân thủ các điều ước quốc tế…

>>Hết thời ép buộc khách hàng mua bảo hiểm

hihi

Chính phủ đang rà soát, hoàn thiện quy định về bảo hiểm bắt buộc đối với xe cơ giới để phù hợp với Luật Kinh doanh bảo hiểm. Ảnh minh họa

Theo đó, để đồng bộ với Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 có hiệu lực từ 1/1/2023, các quy định mới sẽ được triển khai như tiếp tục đơn giản hóa thủ tục bồi thường, giảm phí, thu hẹp việc loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, tăng tỷ lệ hỗ trợ nhân đạo…

Điều 8, Luật Kinh doanh bảo hiểm 08/2022 quy định bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới nằm trong nhóm bảo hiểm bắt buộc. Đây là sản phẩm bảo hiểm nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội, bên cạnh các sản phẩm bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc và bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Điều 88 luật này cũng quy định về sản phẩm bảo hiểm có sự hỗ trợ của Nhà nước. Theo đó, các sản phẩm bảo hiểm vì mục tiêu an sinh, xã hội được Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thông qua một số biện pháp như: Đơn giản hóa thủ tục hành chính; tuyên truyền các chính sách bảo hiểm; xây dựng cơ sở dữ liệu, hỗ trợ ứng dụng công nghệ trong thiết kế, xây dựng sản phẩm bảo hiểm, giám định tổn thất, bồi thường bảo hiểm…

Điều 89 cũng quy định về hoạt động chi hỗ trợ nhân đạo đối với nạn nhân tai nạn giao thông. Theo đó, Quỹ bảo hiểm xe cơ giới được hình thành từ nguồn đóng góp của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài triển khai bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Quỹ này được sử dụng để thực hiện chi hỗ trợ nhân đạo và các hoạt động khác nhằm tăng cường thực hiện bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; cơ chế quản lý, sử dụng quỹ thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Ngày 15/1/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 03/2021/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, đẩy nhanh tiến độ giải quyết bồi thường bảo hiểm, tạm ứng bồi thường, tăng mức bồi thường bảo hiểm, đơn giản hóa hồ sơ bồi thường bảo hiểm, tăng mức chi hỗ trợ nhân đạo... Nghị định số 03/2021 hiệu lực từ 1/3/2021.

Hiện Chính phủ đang Dự thảo nghị định mới nhằm đồng bộ với Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 trên cơ sở vừa kế thừa các quy định cải tiến về bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới đã quy định trong Nghị định số 03/2021, vừa tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định nhằm giải quyết những vấn đề còn băn khoăn liên quan đến sản phẩm này.

>>Cần thêm chỉ tiêu để nâng cao chất lượng giải quyết bồi thường, quyền lợi bảo hiểm

hihi

Đây là sản phẩm bảo hiểm nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội. Ảnh minh họa

Theo quy định hiện hành, mức phí bảo hiểm (chưa bao gồm VAT) với xe máy dưới 50cc, xe máy điện là 55.000 đồng, xe máy trên 50cc là 60.000 đồng, và không có quy định về giảm phí với bất kỳ trường hợp nào. Tuy nhiên, Dự thảo nghị định đề xuất giảm phí 15% đối với các xe có lịch sử bồi thường thấp để tạo chủ động của doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm trong việc đánh giá rủi ro.

Đặc biệt, Dự thảo nghị định cũng đề xuất tăng tỷ lệ chi hỗ trợ nhân đạo từ 25% lên 30% tổng Quỹ bảo hiểm xe cơ giới nhằm tăng cường hơn nữa chi hỗ trợ nhân đạo trong trường hợp tai nạn thuộc loại trừ trách nhiệm bảo hiểm hoặc không thuộc phạm vi bồi thường.

Tại Nghị định số 03/2021, trong các trường hợp không xác định được xe gây tai nạn, xe không tham gia bảo hiểm và các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm theo quy định tại điều 13 Nghị định này (trừ hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe cơ giới, người lái xe hoặc của người bị thiệt hại) thì nạn nhân sẽ thuộc đối tượng hỗ trợ nhân đạo của Quỹ bảo hiểm xe cơ giới do các doanh nghiệp đóng góp.

Cụ thể, mức hỗ trợ nhân đạo là 30% mức trách nhiệm bảo hiểm và 10% mức trách nhiệm đối với trường hợp tổn thương được điều trị cấp cứu (mức trách nhiệm bảo hiểm là 150 triệu đồng/người/vụ, không hạn chế số người trong 1 vụ). Đây là việc làm ý nghĩa đối với gia đình nạn nhân tai nạn giao thông do xe cơ giới gây ra, giúp họ giảm bớt gánh nặng về kinh tế sau mất mát đau thương, đồng thời thể hiện chính sách đúng đắn của luật pháp đối với việc chi hỗ trợ nhân đạo cho người gặp điều không may trong các vụ tai nạn.

Đặc biệt, Dự thảo nghị định cũng đề xuất thu hẹp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm theo hướng chỉ loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong trường hợp lái xe điều khiển xe cơ giới mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức trị số bình thường theo hướng dẫn của Bộ Y tế (Theo quy định tại Nghị định số 03/2021, lái xe điều khiển xe cơ giới mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn gây tai nạn sẽ không được bồi thường bảo hiểm).

Có thể bạn quan tâm

  • Cần sớm ban hành Luật Cấp thoát nước

    Cần sớm ban hành Luật Cấp thoát nước

    03:10, 16/12/2022

  • Luật Đất đai (sửa đổi): Tháo gỡ xung đột, chồng chéo với loạt các luật liên quan

    Luật Đất đai (sửa đổi): Tháo gỡ xung đột, chồng chéo với loạt các luật liên quan

    03:00, 15/11/2022

  • Sửa Luật Đấu thầu: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong đấu thầu

    Sửa Luật Đấu thầu: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong đấu thầu

    22:21, 06/11/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tiếp tục sửa đổi quy định về bảo hiểm bắt buộc ôtô, xe máy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO