Toan tính của các quốc gia Trung Đông khi đầu tư vào Trung Quốc

CẨM ANH 16/01/2024 03:00

Các quỹ đầu tư quốc gia ở một số nước Trung Đông đang chuẩn bị đầu tư nhiều hơn vào các công ty Trung Quốc trong năm 2024.

>> Trung Quốc ngày càng "lấn sâu" vào Trung Đông

hái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman chào đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Riyadh.

Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman chào đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Riyadh.

Theo dữ liệu của Global SWF, một cơ sở dữ liệu theo dõi hoạt động kinh doanh của thế giới, các quỹ đầu tư quốc gia ở Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia và UAE đã đầu tư hơn 2,3 tỷ USD vào Trung Quốc đại lục trong năm 2023, tăng mạnh so với khoảng 100 triệu USD vào năm 2022. Điều này diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang tăng cường quan hệ với Trung Đông.

Đánh giá về xu hướng này, ông Kees Hoving, Giám đốc điều hành khu vực Trung Đông và Châu Phi tại Deutsche Bank cho biết: “Các quỹ đầu tư của Saudi Arabia và UAE đang chuyển sự chú ý sang Trung Quốc vì họ muốn đa dạng hóa thị trường ra ngoài Mỹ hoặc Tây Âu. Điều này một phần được thúc đẩy bởi niềm tin của họ vào sức mạnh của nền kinh tế Trung Quốc”.

Vào tháng 12/2023, Quỹ Jafal, thuộc sở hữu của Quỹ đầu tư công (PIF) trị giá 800 tỷ USD của Saudi Arabia đã tăng cổ phần của mình trong eWTP Arabia Capital, một quỹ liên doanh với gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Alibaba Group Holding trong nỗ lực giúp các công ty công nghệ Trung Quốc khai thác tiềm năng tại thị trường Trung Đông. Trong khi đó, Quỹ đầu tư Mubadala của Abu Dhabi, quỹ đầu tư lớn thứ mười ba thế giới, đã mở văn phòng ở Bắc Kinh vào tháng 9/2023.

Ông Hoving cho biết thêm: “Các quỹ đầu tư quốc gia ở Trung Đông đang nhìn thấy cơ hội khi định giá các công ty Trung Quốc vào thời điểm hiện tại và trong trung và dài hạn. Mặt khác, họ cũng rất lạc quan về Trung Quốc và muốn tăng cường quan hệ với nước này thông qua đầu tư”.

Đối với Saudi Arabia, chuyển đổi năng lượng là ưu tiên hàng đầu trong "Tầm nhìn 2030", một chương trình đầy tham vọng do chính phủ đưa ra nhằm đa dạng hóa nền kinh tế trong nước và giảm bớt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Do đó, đầu tư vào các công ty Trung Quốc trong các lĩnh vực bao gồm xe điện, pin, lưu trữ năng lượng, năng lượng tái tạo sẽ là trọng tâm lớn đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là trong nửa đầu năm 2024.

"Đầu tư từ Trung Đông vào các phân khúc của Trung Quốc như an ninh lương thực và điện tử, sẽ bắt đầu tăng vào nửa cuối năm 2024, cùng với các ngành công nghiệp quan trọng khác bao gồm dầu khí, cơ sở hạ tầng và sản xuất", ông nói thêm.

Theo bà Huang Xiaoyue, Giám đốc điều hành của KPMG, trong những năm gần đây, các nhà đầu tư Trung Đông đã hoạt động tích cực tại thị trường sơ cấp và thứ cấp của Trung Quốc, đồng thời tập trung vào những công ty hàng đầu hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, năng lượng tái tạo và công nghệ sinh học.

“Những khoản đầu tư này dự kiến sẽ không chỉ tạo ra lợi nhuận đáng kể mà còn giới thiệu các công nghệ mới cho Trung Đông có thể giúp nâng cấp các ngành công nghiệp của các quốc gia trong khu vực", bà nhận định.

>> Trung Quốc “chuyển hướng” nền kinh tế

Các nhà đầu tư Trung Đông tích cực đầu tư vào các doanh nghiệp Trung Quốc

Các nhà đầu tư Trung Đông tích cực đầu tư vào các doanh nghiệp Trung Quốc

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc đầu tư vào các công ty Trung Quốc đi kèm với một loạt thách thức. Như ông Hoving chỉ ra: “Khi Trung Đông đầu tư vào Trung Quốc, các nhà đầu tư muốn biết chiến lược rút lui của họ sẽ như thế nào trong vòng 5 đến 7 năm tới, và có một số người nói rằng họ cần phải làm quen với cách chiến lược đó có thể diễn ra ở Trung Quốc”.

Ngoài ra, cần có sự có đi có lại. Các nhà đầu tư của Saudi Arabia luôn muốn tiếp cận với các công nghệ mới mà họ có thể hưởng lợi trong tương lai. Đó là lý do tại sao họ sẵn sàng liên doanh với Trung Quốc.

Đối với UAE, các lĩnh vực mục tiêu thu hút FDI chủ yếu là bất động sản, khách sạn, giải trí, hậu cần và thu hút các cá nhân có giá trị tài sản ròng cao. Đất nước này cũng đang thu hút các gia đình giàu có từ Tây Âu, Châu Phi, Ấn Độ và Pakistan.

Các chuyên gia cho biết, việc sinh sống tại UAE có thể rất hấp dẫn đối với các cá nhân có giá trị tài sản ròng cao trên toàn cầu. Đầu tư bất động sản ở Dubai rất tốt. Lợi nhuận từ tiền cho thuê nhà tại nơi đây vẫn cao hơn nhiều nước khác trên thế giới nên nhiều người coi UAE như ngôi nhà thứ hai.

Để thu hút nhiều chuyên gia và nguồn vốn, chính phủ UAE đã nới lỏng chính sách cư trú vào năm 2022, cho phép các nhà đầu tư có thể nhận được thị thực 10 năm nếu họ mua bất động sản trị giá ít nhất 2 triệu dirham (khoảng 504.000 USD), và những người sở hữu bất động sản trị giá hơn 750.000 dirham có thể nhận thị thực hai năm.

Leo Yin, Phó chủ tịch điều hành của Deutsche Bank ở Trung Quốc cho biết, việc tăng cường mối quan hệ kinh doanh và đầu tư giữa Trung Quốc và Trung Đông cũng sẽ thúc đẩy quá trình quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ. “Trong 12 năm qua, việc sử dụng đồng Nhân dân tệ trong bối cảnh thương mại quốc tế đã đạt đến mức khá và chúng tôi kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp tục trong tương lai”, ông nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Xung đột Trung Đông phủ

    Xung đột Trung Đông phủ "bóng đen" hành lang kinh tế Ấn Độ - châu Âu

    03:30, 01/01/2024

  • “Hé lộ” thách thức mới của Mỹ ở Trung Đông trong năm 2024

    “Hé lộ” thách thức mới của Mỹ ở Trung Đông trong năm 2024

    03:00, 22/12/2023

  • Israel - Hamas ngừng bắn, xung đột Trung Đông sẽ ra sao?

    Israel - Hamas ngừng bắn, xung đột Trung Đông sẽ ra sao?

    04:00, 23/11/2023

  • “Bong bóng” đô la Mỹ có thể vỡ bởi xung đột tại Trung Đông

    “Bong bóng” đô la Mỹ có thể vỡ bởi xung đột tại Trung Đông

    05:20, 29/10/2023

  • Trung Quốc ngày càng

    Trung Quốc ngày càng "lấn sâu" vào Trung Đông

    03:30, 25/10/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Toan tính của các quốc gia Trung Đông khi đầu tư vào Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO