Mặc dù dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng của TP HCM đã hoàn thành hơn 90% khối lượng công trình nhưng vẫn không thể về đích do nhiều lý do chủ quan và khách quan.
Không để dây dưa, kéo dài dự án
Theo đó, kết luận tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ Việt Nam đã và đang thực hiện tốt mục tiêu kép, phát triển kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả tích cực. Do đó, trong thời gian tới, phải kiên trì thực hiện mục tiêu kép nhưng không máy móc, cứng nhắc, mà phải chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hài hòa giữa phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, căn cứ tình hình thực tế tại mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương ở từng thời điểm khác nhau để lựa chọn mục tiêu ưu tiên.
Đáng chú ý, tại buổi kết luận, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ ngành, cơ quan, địa phương phải chủ động, nỗ lực giải quyết các nhiệm vụ tồn đọng theo tinh thần làm việc nào dứt điểm việc đó. Đơn cử, dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1- dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng) và yêu cầu cơ quan quản lý nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, không để dây dưa, kéo dài.
Trong đó, UBND TP chịu trách nhiệm rà soát, trao đổi với nhà đầu tư về giá trị dự án, loại bỏ toàn bộ các chi phí bất hợp lý, không đúng quy định, thống nhất chi phí, tiến độ, điều kiện thanh toán hợp đồng và nội dung cần thiết khác để làm cơ sở ký phụ lục hợp đồng theo đúng quy định pháp luật. Sau đó, thống nhất với Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng BIDV về việc điều chỉnh khoản tái cấp vốn cho vay thực hiện dự án theo đúng cơ sở hợp đồng đã được các bên điều chỉnh, ký kết.
Trước đó, liên quan tới các dự án chống ngập tại TP HCM, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 40 về việc tiếp tục triển khai dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng tại TP HCM. Đánh giá đây là dự án cấp bách, quan trọng, đã triển khai được trên 90% khối lượng, Chính phủ thống nhất chấp thuận về nguyên tắc theo đề nghị của UBND TP HCM và các bộ liên quan, cho phép Thành phố tiếp tục triển khai dự án theo cơ chế đặc thù đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý và các thủ tục đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận nhằm đảm bảo lợi ích kinh tế - xã hội, tránh lãng phí nguồn lực đã đầu tư.
… và giảm điểm ngập do mưa, triều cường
Đáng chú ý, trước đó, Sở Xây dựng TP. HCM cũng có văn bản gửi UBND TP về việc xem xét, thông qua kế hoạch thực hiện chương trình chống ngập và xử lý nước thải TP. HCM năm 2021. Theo đó, chỉ tiêu trong năm nay sẽ triển khai, hoàn thành 10 dự án giảm điểm ngập do mưa và 10 dự án giảm ngập do triều cường.
Các dự án giảm điểm ngập do mưa bao gồm hoàn thành 2 dự án giải quyết dứt điểm 3 điểm ngập trên đường Tân Quý (quận Tân Phú); Trương Công Định và Ba Vân (quận Tân Bình); Hoàn tất các thủ tục để triển khai thi công gói thầu xây lắp 6 thuộc dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 2; Thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư 7 công trình giải quyết chín điểm ngập ở các đường như Lê Đức Thọ, Phạm Văn Chiêu, Quang Trung, Nguyễn Văn Khối (quận Gò Vấp), Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành, Kha Vạn Cân (TP Thủ Đức), Bạch Đằng (quận Tân Bình), quốc lộ 1A (đoạn qua TP.HCM).
Về giảm điểm ngập do triều cường, trong năm 2021, cơ quan quản lý sẽ theo dõi, hỗ trợ nhà đầu tư dự án giải quyết ngập do triều cường ở khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 (dự án 10.000 tỉ đồng). Sau khi hoàn thành, dự án này sẽ giải quyết tình trạng ngập của bốn tuyến đường gồm Huỳnh Tấn Phát, Lê Văn Lương, Trần Xuân Soạn, quốc lộ 50. Đồng thời, trong năm nay Thành phố cũng hoàn thành dự án bờ tả sông Sài Gòn để ngăn triều cường và xây dựng hàng loạt nhà máy xử lý nước thải (nằm trong kế hoạch giảm ngập do triều cường) như khởi công xây dựng các hạng mục công trình chính của Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc Thị Nghè giai đoạn 2, triển khai thủ tục mời gọi đầu tư 6 nhà máy xử lý nước thải...
Ngoài ra, Sở Xây dựng TPHCM đã rà soát danh mục 178 dự án thuộc lĩnh vực Hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 2021 + 2025 và đề xuất 88/178 dự án cần thực hiện các công việc chuẩn bị để đề xuất chủ trương đầu tư công trong năm 2021.
Dự án chống ngập do triều cường khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) được thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), khởi công từ tháng 6/2016. Mục tiêu của dự án là kiểm soát ngập do triều cường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 750 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố. Theo tiến độ ban đầu, dự án dự kiến hoàn thành vào tháng 4/2018, sau đó phải ngưng thi công 10 tháng và điều chỉnh thời gian hoàn thành đến tháng 6/2019 do nhiều vướng mắc liên quan việc tái cấp vốn. Dự án được tái khởi động vào tháng 2/2019, phía chủ đầu tư cam kết hoàn thành dự án vào cuối năm 2019, đưa vào vận hành trong quý 1/2020 nếu được bàn giao mặt bằng trong tháng 6/2019. Tuy nhiên do nhiều vướng mắc về cả mặt bằng và nguồn vốn cấp phát cho vay, dự án vẫn đang "treo cẩu" chờ về đích dù đã hoàn thành tới 95% khối lượng công trình. |
Có thể bạn quan tâm
07:40, 22/05/2021
04:23, 20/05/2021
09:01, 16/05/2021
02:30, 06/09/2020
05:00, 17/07/2020
05:07, 24/06/2020
21:15, 23/06/2020
05:05, 14/06/2020