Năm 2023, theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), tổng giá trị trái phiếu đáo hạn ước tính khoảng 309 nghìn tỷ đồng.
>>Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Vẫn vắng người mua, thưa kẻ bán
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng một lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đáo hạn cũng đã được doanh nghiệp mua lại trước hạn và tất toán theo tháng. Chẳng hạn tháng 1/2023, dữ liệu đến ngày công bố 13/1, các doanh nghiệp đã mua lại trái phiếu trước hạn là 3,176 tỷ đồng (tăng 142% so với cùng kỳ tháng 01/2022). Bên cạnh đó, tổng giá trị trái phiếu đến hạn trong tháng 01/2023 là gần 17,3 nghìn tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở nhóm bất động sản (10,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 61% giá trị TPDN đến hạn) và nhóm xây dựng (5,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 34% giá trị TPDN đến hạn).
Riêng trong năm 2022, ghi nhận thị trường chung, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn là 210.573 tỷ đồng (tăng 46% so với cùng kỳ năm 2021).
TS Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính tiền tệ Quốc gia - tính toán, trên quy mô phát hành lớn trong giai đoạn 2018 - 2021 và thời hạn khoảng 4 năm thì sẽ có một khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáng kể sẽ đáo hạn trong giai đoạn 2023 - 2025, khoảng hơn 700 ngàn tỷ đồng, chưa tính tiền lãi.
Giả định đã trừ đi lượng trái phiếu mua lại trước hạn và đàm hạn với các trái chủ để giãn, hoãn thời gian thanh toán, áp lực trái phiếu đáo hạn của 2023 sẽ còn khoản gần ½ so với ước tính ban đầu, tức dưới 150 nghìn tỷ đồng. Dù vậy, đây vẫn là một giá trị rất lớn, có thể là “bom tấn” đe dọa “đè gãy” sức mạnh tài chính các doanh nghiệp khi phải đối mặt thanh toán, nếu các doanh nghiệp không có dòng tiền. Nhưng mặt khác, nếu thị trường được khơi thông, thì giá trị tổng lượng trái phiếu phải đáo hạn năm nay lại có thể “không phải vấn đề”. Bởi giá trị này chưa bằng của giá trị trái phiếu đã mua lại thực tế trong 2022; cũng như, áp lực về mặt thông tin thị trường năm 2023 được kỳ vọng sẽ không có những vụ bất ngờ như Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát.
>>Gỡ khó cho thị trường trái phiếu: Cần tránh “cào bằng”
Một chuyên gia cho rằng yếu tố tích cực là khi thị trường đã quen, thậm chí “bão hòa” với các tin xấu, thì các gánh nặng dàn xếp thanh toán trái phiếu cũng đỡ nặng nề hơn, và đó là cơ hội cho các doanh nghiệp ngoài các giải pháp bán dự án, bán công ty con, thậm chí chuyển đổi cổ phần để lấy nguồn tiền thanh toán...
Vấn đề còn lại của thị trường, là áp lực này sẽ nặng thêm hay nhẹ đi, hay nói cách khác đáo hạn trái phiếu là “bom tấn” hoặc “ngáo ộp” đối với nhà phát hành, hoàn toàn phụ thuộc vào các thông tin chính sách và điều kiện để doanh nghiệp bắt buộc minh bạch hóa thông tin, tài chính, cũng như trách nhiệm của nhóm phân phối với trái chủ.
“Nếu các ngân hàng có “hành lang” pháp lý để hỗ trợ thị trường trái phiếu thay vì quá chặt với 3 lằn ranh đỏ, hoặc các bên phân phối có ràng buộc trách nhiệm với trái chủ thay vì chỉ là “tổ chức giới thiệu”, cơ hội để doanh nghiệp phát hành mới, trả nợ cũ sẽ tăng lên. Vòng quay vốn nợ từ trái phiếu cũng tăng nhanh hơn nhưng được kiểm soát chặt, chất hơn…, thì không lo tạo vòng xoáy hệ lụy mới”, ông Nguyễn Lê Ngọc Hoàn, chuyên gia tài chính cho biết.
Thống kê của MIBG tại cuối tháng 11/2022, chưa cập nhật phần trái phiếu được các doanh nghiệp mua lại trước hạn chưa kịp công bố ngay tại tháng 11, và tháng 12, tháng 1/2023, cho thấy một số doanh nghiệp bất động sản có lượng trái phiếu đáo hạn lớn trong quý I/2023 gồm: CTCP Đầu tư Xây dựng Trường Khải (công ty mẹ Bông Sen) 6920 tỷ đồng; Cty Đầu tư và Phát triển Đô thị Minh Tân 4.050 tỷ đồng; CII 1.850 tỷ đồng; TNR Holdings (thuộc TNG Group) 504 tỷ đồng; , KBC 400 tỷ đồng; An Gia 200 tỷ đồng; Khải Hoàn Land 200 tỷ đồng; nhóm NVL, Hưng Thịnh, DXG…
Có thể bạn quan tâm
Thị trường bất động sản và trái phiếu tiếp tục chi phối triển vọng ngân hàng năm 2023
05:00, 20/01/2023
PDR tiếp tục chi trả 900 tỷ đồng trái phiếu trước hạn
18:27, 17/01/2023
“Khơi dòng” trái phiếu doanh nghiệp: Cần kết hợp các giải pháp ngắn và dài hạn
03:30, 08/01/2023
Luẩn quẩn thế chấp trái phiếu doanh nghiệp vay vốn
02:00, 06/01/2023