Tránh bẫy chuyển giá: (Bài 2) Kiểm soát giá chuyển nhượng

Hoàng Thùy Dương, FCPA, Phó Tổng Giám đốc, Dịch vụ Tư vấn thuế Quốc tế, KPMG Việt Nam 14/06/2020 11:00

Những quy định mới về xác định giá chuyển nhượng cùng với những vấn đề thực tiễn trong hoạt động thanh tra, kiểm tra đòi hỏi doanh nghiệp và cơ quan Thuế cần có những biện pháp giải quyết...

LTS: Kiểm toán nhà nước vừa công bố: 50% về doanh nghiệp FDI hoạt động lỗ liên tục nhưng vẫn mở rộng đầu tư. Điều này khiến dư luận tiếp tục đặt câu hỏi: Liệu các công ty này đang muốn biến Việt Nam thành “thiên đường thuế”?

Cơ quan Thuế cần xây dựng quy trình tranh tra, kiểm tra giá chuyển nhượng, áp dụng hệ thống cở sở dữ liệu nội bộ, và cơ sở dữ liệu thương mại minh bạch, thống nhất giữa các cơ quan chức năng của Việt Nam. Ảnh: S.T

Cơ quan Thuế cần xây dựng quy trình tranh tra, kiểm tra giá chuyển nhượng, áp dụng hệ thống cở sở dữ liệu nội bộ, và cơ sở dữ liệu thương mại minh bạch, thống nhất giữa các cơ quan chức năng của Việt Nam. Ảnh: S.T

Trong những năm gần đây, cơ quan thuế đã dành nhiều nguồn lực vào hoạt động kiểm soát giá chuyển nhượng của các doanh nghiệp có giao dịch liên kết thông qua hoạt động thanh tra giá chuyển nhượng. Trên thực tế, có nhiều vấn đề vướng mắc nảy sinh trong các cuộc thanh tra, kiểm tra giá chuyển nhượng.

Những quy định mới về xác định giá chuyển nhượng cùng với những vấn đề thực tiễn trong hoạt động thanh tra, kiểm tra đòi hỏi doanh nghiệp và cơ quan Thuế cần có những biện pháp giải quyết trong việc tuân thủ với các quy định về giá chuyển nhượng hiện hành.

Gỡ vướng... dần dần

Luật Quản lý Thuế sửa đổi đưa ra những quy định liên quan đến Phương pháp thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá (“APA”) và Thủ tục thỏa thuận song phương (“MAP”) qua đó đem lại những biện pháp khác giúp cơ quan Thuế và doanh nghiệp có thêm những lựa chọn để ứng phó với sự gia tăng của các vấn đề tranh chấp, khiếu nại liên quan đến GCN.

Quy định về APA. Thỏa thuận APA là thỏa thuận bằng văn bản giữa cơ quan Thuế với người nộp thuế hoặc giữa cơ quan Thuế với người nộp thuế và cơ quan Thuế các nước, vùng lãnh thổ mà Việt Nam đã ký Hiệp định thuế cho một thời hạn nhất định, trong đó xác định cụ thể các căn cứ tính thuế, phương pháp xác định giá tính thuế hoặc giá tính thuế theo giá thị trường. APA được xác lập trước khi người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế TNDN.

Các hình thức thỏa thuận APA bao gồm thỏa thuận APA đơn phương được đàm phán và ký kết giữa cơ quan Thuế Việt Nam và người nộp thuế đứng đơn đề nghị áp dụng APA, và thỏa thuận APA song phương/ đa phương được đàm phán và ký kết giữa cơ quan Thuế Việt Nam, người nộp thuế và một hoặc nhiều cơ quan Thuế đối tác có liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế đứng đơn đề nghị áp dụng APA trên cơ sở Hiệp định thuế.

Hiện tại, có trên mười trường hợp đang tiến hành đàm phán APA tại Việt Nam. Đa số những APA này đều là các thỏa thuận APA đơn phương.

Bên cạnh đó, vấn đề khiếu nại hành chính trong thanh tra GCN, thủ tục tư pháp và thủ tục thỏa thuận song phương (MAP) cũng được người nộp thuế và cơ quan Thuế nhìn nhận như một biện pháp nhằm giải quyết vấn đề đánh thuế trùng liên quan đến điều chỉnh giá chuyển nhượng trong giao dịch liên kết. Tuy nhiên trên thực tế, quy trình giải quyết khiếu nại thường kéo dài, thủ tục tư pháp chưa rõ ràng và việc thực hiện thủ tục MAP theo hiệp định tránh đánh thuế hai lần chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.

Đề xuất từ thực tế

Qua hơn hai mươi năm khi vấn đề giao dịch liên kết lần đầu tiên được đề cập, và hơn mười năm khi văn bản đầu tiên về quản lý giá chuyển nhượng được đưa ra, hiện nay quá trình xây dựng hành lang, cơ sở pháp lý về giá chuyển nhượng đã được đưa lên một tầm cao mới.

Về phía doanh nghiệp, trong bối cảnh giá chuyển nhượng đang là mối quan tâm hàng đầu trong các chương trình nghị sự của Chính phủ về đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam, các cơ quan quản lý cần thực hiện các chính sách quản lý giá chuyển nhượng thận trọng, và xem xét quy trình nội bộ về quản lý giao dịch liên kết trong quá trình đưa ra quyết định đầu tư. Để hạn chế rủi ro, doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định về việc lập và lưu giữ Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết và các kê khai đầy đủ các giao dịch liên kết và đề cao vấn đề chất lượng trong việc chuẩn bị những tài liệu này.

Về phía cơ quan Thuế, cần thiết xây dựng quy trình tranh tra, kiểm tra GCN bài bản, xem xét tăng thời gian của mỗi cuộc tranh tra, kiểm tra lên 90 ngày (thay vì 30 ngày như hiện nay), xây dựng, áp dụng hệ thống CSDL nội bộ, và CSDL thương mại minh bạch, thống nhất giữa các cơ quan chức năng của Việt Nam để tăng cường sự phối hợp đồng bộ cho mục đích quản lý rủi ro cũng như trong quá trình tiến hành các hoạt động thanh tra, kiểm tra vấn đề giá chuyển nhượng.

Luật hóa chống chuyển giá

Quy định khống chế chi phí lãi vay 20% gây bức xúc cộng đồng doanh nghiệp trong 3 năm đã được phần nào tháo gỡ khi sửa đổi Nghị định 20 thời điểm 20/4/2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, 5 năm là khoảng thời gian tối đa cho các cơ quan thuế thực hiện hồi tố khoản thuế liên quan tới trần chi phí lãi vay tính trong thu nhập chịu thuế đã thực hiện trong năm 2017 và 2018.

Từ ngày 1-7-2020, Luật Quản lý thuế sửa đổi sẽ có hiệu lực. Đây được coi là căn cứ quan trọng để cơ quan thuế tiếp tục đấu tranh với công cuộc chống chuyển giá, trốn thuế. Đặc biệt, những tập đoàn FDI liên tục báo lỗ sẽ tiếp tục được các địa phương, cơ quan chuyên môn lập danh sách thanh kiểm tra tình hình sản xuất, kinh doanh nhằm tránh tình trạng trốn thuế nhờ chuyển giá.

Tuy nhiên, Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị khẳng định hiện tượng chuyển giá trong hoạt động của các doanh nghiệp (doanh nghiệp) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng tinh vi và có xu hướng gia tăng.

Trong Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị cũng đưa ra phương hướng để hạn chế tình trạng chuyển giá, gian lận thuế của các doanh nghiệp FDI.

Theo đó, phải hoàn thiện pháp luật về chống chuyển giá theo hướng nâng lên thành luật. Pháp luật về thuế, ngoại hối, hải quan, đầu tư, khoa học và công nghệ, về xây dựng cơ sở dữ liệu, công bố thông tin... cần bổ sung các quy định chặt chẽ để kiểm soát, quản lý, ngăn chặn chuyển giá ngay từ khi thành lập và trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp FDI. Đồng thời, xây dựng bộ máy chuyên trách chống chuyển giá đủ mạnh, đủ năng lực; cơ chế kiểm tra liên ngành, chuyên ngành để ngăn ngừa và hạn chế tình trạng chuyển giá của doanh nghiệp.

Như vậy, trong tương lai chính sách chống chuyển giá sẽ được nâng cấp thành luật với các quy định gồm: nguyên tắc quản lý thuế đối với doanh nghiệp có quan hệ giao dịch liên kết, quy định về hồ sơ xác định giá giao dịch.

Bùi Phú 

Có thể bạn quan tâm

  • Tránh bẫy chuyển giá: (Bài 1) Chống “virus” chuyển giá

    Tránh bẫy chuyển giá: (Bài 1) Chống “virus” chuyển giá

    05:45, 13/06/2020

  • Chống chuyển giá: Quy định chặt chẽ sẽ giúp môi trường đầu tư lành mạnh

    Chống chuyển giá: Quy định chặt chẽ sẽ giúp môi trường đầu tư lành mạnh

    04:50, 12/06/2020

  • Tránh bẫy chuyển giá: Kiểm soát giá chuyển nhượng

    Tránh bẫy chuyển giá: Kiểm soát giá chuyển nhượng

    20:27, 11/06/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tránh bẫy chuyển giá: (Bài 2) Kiểm soát giá chuyển nhượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO