Bộ Tài chính vừa yêu cầu giám sát, thắt chặt việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ.
Quy định này được cho là sẽ gây nhiều khó khăn, thách thức cho các doanh nghiệp nhỏ, nhưng lại có lợi cho doanh nghiệp lớn phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Theo quy định nói trên, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) sẽ phải xây dựng các biện pháp thanh tra, giám sát, thắt chặt việc phát hành TPDN riêng lẻ không có tài sản đảm bảo (TSĐB) hoặc chất lượng TSĐB và uy tín của doanh nghiệp phát hành thấp; Đồng thời giám sát tình hình phát hành và cung cấp dịch vụ về TPDN riêng lẻ, đặc biệt là việc phát hành của các doanh nghiệp nhỏ lẻ, mới thành lập, hoạt động trong các lĩnh vực có tính rủi ro cao...
Quy định về phát hành TPDN đã liên tục thay đổi chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm qua, khi đầu tháng 9 năm trước, Nghị định 81/2020/NQ-CP đã siết khá chặt thị trường TPDN. Nhưng đến cuối 2020, Nghị định số 153/2020/NĐ-CP đã giúp các đơn vị phát hành dễ thở hơn. Và với quy định mới nói trên, TPDN riêng lẻ sẽ bị thắt lại ở các điều kiện bên bán.
Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT FiinGroup, cho biết chỉ tính riêng giá trị phát hành đang lưu hành, số dư trái phiếu so với dư nợ ngân hàng chiếm khoảng 12% nhưng tính trên phần dư nợ trung và dài hạn chiếm hơn 30%- điều này tiềm ẩn rủi ro cho hệ thống ngân hàng. Riêng rủi ro mua trái phiếu, ở góc độ quản lý minh bạch thông tin thì hiện có 18-19 triệu thể nhân, người vay. Trên hệ thống ngân hàng dư nợ 375 tỷ USD thì NHNN nắm được; còn nửa triệu nhà đầu tư trái phiếu, đầu tư vào mấy nghìn doanh nghiệp phát hành toàn là công ty dự án, ít doanh nghiệp có thương hiệu, hồ sơ tốt.
Trong năm qua và cả đầu 2021, nhóm phát hành TPDN riêng lẻ chiếm tỷ trọng lớn còn có cả khối ngân hàng. Khối này vừa đứng đầu về tỷ trọng phát hành 6 tháng đầu 2021, vừa đứng đầu về lãi suất trái phiếu thấp nhất. Theo đó, siết lại TPDN phát hành riêng lẻ mà không có sự sàng lọc, thì cơ hội dùng công cụ nợ có thể sẽ lại chỉ thuộc về doanh nghiệp lớn.
Một chuyên gia khẳng định đã không còn sớm để nghiên cứu cơ chế vốn riêng, các điều kiện để thúc đẩy doanh nghiệp được gọi vốn, như cơ chế công bố thông tin, đánh giá tín nhiệm… Nhưng trước mắt vẫn cần cơ chế hỗ trợ thuế riêng biệt, sâu hơn nữa, nhằm “cứu” các doanh nghiệp quy mô nhỏ ngay lúc này, sau đó sẽ là các định hướng hỗ trợ nền tảng cho dài hạn.
Có thể bạn quan tâm
Thận trọng khi mua trái phiếu doanh nghiệp
03:40, 07/09/2021
Trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục lên ngôi
16:18, 07/08/2021
Cẩn trọng khi mua trái phiếu doanh nghiệp qua ngân hàng, công ty chứng khoán
16:25, 14/07/2021
Ngân hàng đã đầu tư khủng vào trái phiếu doanh nghiệp năm 2020
05:50, 05/03/2021
Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp tăng?
11:00, 06/06/2021