An toàn trong chuỗi cung ứng kinh tế xanh đang là yêu cầu cấp bách đối với nhiều quốc gia trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung leo thang.
Ngành công nghiệp xanh của Trung Quốc đang bị phương Tây cáo buộc đe dọa đến an ninh của họ. Vậy sự thực ra sao?
>> Quản lý rủi ro chuỗi cung ứng bằng AI
Sự bùng nổ công suất trong các ngành kinh tế xanh hiện nay tại Trung Quốc là kết quả tất yếu của quá trình chuẩn bị rất bài bản. Xe điện, pin lithium, tấm năng lượng mặt trời là những đại diện điển hình.
Trong thập kỷ vừa qua, Trung Quốc đã đầu tư hơn 230 tỷ USD phát triển ngành công nghiệp xe điện. Số tiền khổng lồ này tương đương với quy mô GDP hàng chục nền kinh tế hiện nay. Lượng vốn này được sử dụng cho doanh nghiệp vay ưu đãi; trợ cấp trực tiếp cho người mua xe điện; phát triển hạ tầng mới,…
Con đường khởi nghiệp của các doanh nghiệp xe điện Trung Quốc cũng rất khác. Một trong những đặc điểm đáng chú ý là các doanh nghiệp này lớn lên nhanh chóng. BYD ra đời năm 1995, nhưng đến 2008 đã trình làng mẫu xe đầu tiên, và tần suất ra sản phẩm mới ồ ạt.
Chưa đầy 2 thập kỷ, BYD, Geely, Nio, Xpeng đã đưa Trung Quốc trở thành nhà sản xuất xe điện bán nhiều nhất thế giới. Trong khi đó, phương Tây cần đến 1 thế kỷ để thống trị xe sử dụng năng lượng hóa thạch. So sánh này cho thấy, khả năng bứt tốc của nền kinh tế kinh tế Trung Quốc hiện nay rất lớn.
Nếu như ngành công nghiệp xe hơi phương Tây chủ yếu đi lên bằng nội lực của mình thì doanh nghiệp xe hơi Trung Quốc chọn cách “đứng trên vai người khổng lồ”.
Geely mua cổ phần của Daimler (Đức), Volvo (Thụy Điển); Dongfeng Motor đầu tư vào tập đoàn xe hơi Pháp PSA; MG (Morris Garages - Anh) cũng về tay SAIC Motor. Ngay cả Tencent Holdings cũng sở hữu 5% cổ phần Tesla, trị giá 1,8 tỷ USD,…
Trung Quốc sở hữu lực lượng lao động dồi dào, sẵn sàng tiếp nhận công việc với mức lương thấp hơn nhiều các nước Âu, Mỹ. Điều này giúp các nhà phát triển xe điện giảm đáng kể chi phí đầu vào, qua đó giảm giá thành sản phẩm.
Không những thế, Trung Quốc còn sở hữu nguồn tài nguyên dồi dào: 80% sản lượng bismuth; 97% đất hiếm toàn cầu; khoảng 85% nguồn cung và 62% trữ lượng vonfram của thế giới. Trữ lượng phát hiện và tiềm năng tài nguyên hiếm như vàng, đồng, chì, nikel, cobalt, thiếc, sắt… thuộc top đầu thế giới.
>> Xanh hóa chuỗi cung ứng - nên bắt đầu từ đâu?
Đặc biệt, những cải cách mang tính đột phá về thị trường giúp nước này thay đổi thói quen sử dụng phương tiện giao thông. Từ năm 2014, Trung Quốc đã đưa ra chính sách miễn thuế đối với xe năng lượng mới (NEV) cho đến năm 2027, đưa nước này trở thành thị trường xe điện lớn nhất hành tinh.
Ngoài ra, Trung Quốc kích thích hệ sinh thái công nghiệp đi kèm, đặc biệt nhu cầu về nguyên liệu thô chế tạo pin; kéo theo các ngành liên quan, bao gồm khai thác, tinh chế và sản xuất. Và lĩnh vực nào liên quan đến kinh tế xanh, Trung Quốc đều đạt được công suất cực đại.
Theo nhiều chuyên gia, việc Mỹ và phương Tây ngăn chặn xe điện nói riêng và sản phẩm kinh tế xanh nói chung của Trung Quốc cho thấy sự bị động của Mỹ và phương Tây, dựa vào ưu thế thị trường để toan tính động cơ chính trị. Liệu điều này có thể ngăn chặn Trung Quốc trỗi dậy?
Thật không dễ! Bởi vì, hàng Trung Quốc sẽ tràn ra những thị trường khác, vẫn có khả năng cung cấp toàn diện các sản phẩm, linh kiện để phát triển dự án kinh tế xanh toàn cầu. Rất nhiều doanh nghiệp xe điện, pin lithium, tấm năng lượng mặt trời đang xây nhà máy mới tại Nam Mỹ, Đông Nam Á và Tây Á.
Ngay chính công ty Mỹ và châu Âu buộc tìm đường chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc đại lục. Việt Nam là lựa chọn tốt nhờ đáp ứng nhiều điều kiện: cận biên Trung Quốc; tài nguyên dồi dào; môi trường kinh tế, chính trị ổn định; quan hệ ngoại giao tốt đẹp…
Khi chuỗi cung ứng kinh tế xanh bị chia làm hai dòng, yêu cầu đặt ra với các nền kinh tế còn lại là lựa chọn chiến lược phù hợp để tham gia. Bởi vì, không loại trừ khả năng Mỹ sẽ trừng phạt thứ cấp, nếu bên thứ 3 xuất thô hàng Trung Quốc sang Mỹ.
Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp sở tại tham gia sâu hơn vào quá trình hoàn thiện sản phẩm. Bởi vì, việc nhập hàng Trung Quốc về “gắn mác” đã hết thời. Do đó, các quốc gia bắt buộc đặt nhà máy tại chỗ, thậm chí nguồn gốc xuất xứ linh kiện, chất bán dẫn sử dụng trong xe điện sẽ bị “soi” kỹ theo quy định mới nhất ngày 21/6 của Mỹ.
Có thể bạn quan tâm
Chìa khoá để đa dạng chuỗi cung ứng
05:00, 26/06/2024
Thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng xanh cho ngành logistics
00:37, 15/06/2024
Trung Quốc âm thầm chiếm lĩnh chuỗi cung ứng công nghệ Đông Nam Á
03:00, 02/06/2024
Trung Quốc bị gạt khỏi chuỗi cung ứng mới?
04:00, 01/06/2024
Lộ diện "chiến trường" mới của chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu
03:00, 01/06/2024
Giảm thiểu rủi ro từ chuỗi cung ứng bền vững
02:00, 23/05/2024
Giải pháp phát triển bền vững chuỗi cung ứng ở Đông Nam Á
02:30, 20/05/2024