Ước tính tiêu dùng cho y tế sẽ trở lại mức bình thường vào năm 2021, khi quy định về giãn cách xã hội được nới lỏng và nhu cầu khám bệnh của người dân tăng trở lại.
Ngành dược nhạy cảm với Covid, nhưng đang dần phục hồi. Dịch Covid-19 là thách thức lớn đối với kết quả hoạt động của ngành, đặc biệt trong trường hợp nếu dịch bệnh lây lan mạnh trong cộng đồng. Tuy nhiên, chi tiêu chăm sóc sức khỏe nhìn chung là khoản chi tiêu thiết yếu và nhu cầu chỉ tạm trì hoãn trong thời gian ngắn, do đó, khả năng ngành phục hồi trong năm 2021 là rất cao.
Theo báo cáo phân tích mới nhất của nhóm phân tích SSI, ước tính doanh thu dược phẩm Việt Nam năm 2021 tăng 15% so với cùng kỳ, cao hơn tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CARG) 2015-2019 là 11,8%. Ước tính tiêu dùng cho y tế sẽ trở lại mức bình thường vào năm 2021, khi quy định về giãn cách xã hội được nới lỏng và nhu cầu khám bệnh của người dân tăng trở lại. Ngoài ra, dân số Việt Nam đang già hóa nhanh và thu nhập bình quân đầu người tăng mạnh tiếp tục hỗ trợ đà tăng trưởng dài hạn của thị trường chăm sóc sức khỏe.
Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục cải cách chính sách để hỗ trợ các công ty dược phẩm trong nước và giảm gánh nặng bảo hiểm y tế. Chính phủ Việt Nam tiếp tục sửa đổi quy định đấu thầu thuốc tại bệnh viện công, nhằm khuyến khích sản xuất thuốc generic thay thế thuốc nhập khẩu đắt tiền; và giảm gánh nặng tài chính lên quỹ bảo hiểm y tế, do doanh thu phí bảo hiểm đã khó bắt kịp nhu cầu chi trả bảo hiểm trong những năm gần đây.
Năm 2020, Chính phủ ban hành Thông tư 15/2020/TT-BYT thay thế Thông tư 09/2016/TT-BYT, mở rộng danh mục thuốc đầu thầu bởi bệnh viện và thuốc đấu thầu tập trung (thuốc do BHXH Việt Nam trực tiếp tổ chức đấu thầu). Do đó, giá thuốc tại kênh bệnh viện đang dần minh bạch hơn, giúp các nhà sản xuất trong nước cạnh tranh với các loại thuốc nhập khẩu đắt tiền trước đây vẫn chiếm ưu thế trong bệnh viện vì có mức hoa hồng cao cho các y bác sỹ.
Ngoài ra, Luật Dược (Chương II, Điều 7) và Thông tư 03/2019/TT-BYT quy định không chào thầu thuốc nhập khẩu khi thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu về điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp, tạo ra ưu thế lớn cho thuốc nội địa.
Hạ tầng y tế được cải thiện tiếp tục hỗ trợ nhu cầu chăm sóc sức khỏe tăng mạnh. Năm 2020, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tại Việt Nam đạt 91% (tăng từ mức 76% năm 2015), với tổng số bác sĩ và giường bệnh ở mức cao so với các nước trong khu vực. Trong 10 năm qua, số giường bệnh và bác sĩ tăng 4,3% và 5,1%/ năm, cao hơn nhiều so với mức tăng dân số 1,1%/ năm. Do đó, chất lượng y tế tốt hơn đang giúp nâng cao nhận thức và nhu cầu về chăm sóc sức khỏe.
Về triển vọng dài hạn, Bộ Y tế đặt mục tiêu tỷ lệ bao phủ bảo hiểm cao hơn ở mức 95% vào năm 2025 và mở rộng danh mục thuốc được chi trả bởi bảo hiểm y tế. Dựa trên tốc độ già hóa nhanh và ô nhiễm môi trường gia tăng ở Việt Nam, SSI ước tính xu hướng chi tiêu chăm sóc sức khỏe còn rất nhiều tiềm năng phát triển trong dài hạn.
Mặc dù các chính sách gần đây hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước, môi trường pháp lý cho các công ty dược phẩm vẫn còn biến động khó lường, với việc sửa đổi và ban hành từ 2 đến 5 Thông tư mới mỗi năm, tiềm ẩn nhiều rủi ro cao trong kinh doanh.
Việt Nam vẫn phụ thuộc khá nhiều vào nguồn API nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ, chiếm 80% tổng số API nhập khẩu và 70% tổng API sử dụng trong ngành. Đây là nút thắt đáng kể về nguyên liệu, vì nếu có bất kỳ thay đổi nào từ các quốc gia này đều có thể ảnh hưởng lớn đến năng lực của các nhà sản xuất thuốc trong nước.
Có thể bạn quan tâm
Nỗi lo không chỉ ngành dược
03:45, 19/12/2020
Thị trường "dậy sóng" sau tin Amazon nổ phát súng đầu tiên trong ngành dược phẩm
03:08, 19/11/2020
Lợi nhuận ngành Dược "thăng – giáng" mùa COVID-19
06:00, 20/10/2020
Sanofi – “cá mập” trong các thương vụ M&A ngành dược
05:03, 18/08/2020
Nhân sự ngành dược: Thách thức của đa thế hệ và chuyển đổi số
11:11, 23/06/2020