Không chỉ mất đà tăng trưởng, trong thời gian qua Trung Quốc cũng đang gặp khó khăn trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài quay trở lại.
>> Trở lực kinh tế Trung Quốc (Kỳ II): “Thế lực” nào đang cản trở?
Những nguyên nhân gốc rễ của sự suy giảm kinh tế Trung Quốc đang dần lộ diện, với một trong số đó là tỷ lệ nợ công địa phương ở mức cao kỷ lục. Không còn nhiều dư địa để tung ra các gói kích cầu khổng lồ như trong quá khứ, các chính quyền ở Trung Quốc đã phải hướng mắt ra ngoài biên giới.
Kể từ khi mở cửa nền kinh tế trở lại vào tháng 3, quan chức các tỉnh và thành phố, từ Tứ Xuyên cho đến Triều Châu, đã cử các phái đoàn đi chào hàng và mời các nhà đầu tư tham dự các hội nghị chuyên đề thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Mới đây, Trung Quốc đã công bố kế hoạch thu hút hơn nữa đầu tư quốc tế và cải thiện môi trường kinh doanh, bao gồm các biện pháp về thuế và visa. Mục tiêu đặt ra đối với nền kinh tế Trung Quốc là thu hút đầu tư nhiều hơn vào các ngành công nghiệp trọng điểm như dược phẩm, sinh học, hay viễn thông...
Các công ty nước ngoài được khuyến khích thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển, để đổi lại việc được hỗ trợ tài chính và thuế, cũng như nới lỏng trong xin visa, giấy phép cư trú cho nhân viên người nước ngoài.
Bất chấp các nỗ lực đó, niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường tỷ dân dường như chưa thể hồi phục.
Thách thức chính không chỉ ở môi trường kinh doanh ngày càng khó khăn hơn trong kinh tế Trung Quốc. Theo các chuyên gia, nhu cầu thu hút đầu tư nước ngoài của chính quyền địa phương dường như mâu thuẫn với cách tiếp cận ngày càng “diều hâu” hơn của Bắc Kinh trong cạnh tranh địa chính trị với các nước.
Tận dụng sự thống trị trong chuỗi cung ứng ngành công nghệ, các quan chức Trung Quốc sẵn sàng đối đầu và đáp trả phương Tây mỗi khi hai bên có khúc mắc. Bên cạnh đó, với lý do bảo đảm an ninh quốc gia, Bắc Kinh cũng hạn chế đáng kể môi trường hoạt động tự do của các công ty nước ngoài hay các tập đoàn công nghệ.
>> Trở lực kinh tế Trung Quốc (Kỳ IV): Hé lộ lý do "cỗ xe" kinh tế bị trục trặc
Vốn FDI bằng USD đã giảm 5,6% từ tháng 1 đến tháng 5/2023 so với cùng kỳ năm ngoái, bất chấp việc Trung Quốc đã chấm dứt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt phòng chống COVID-19.
Báo chí phương Tây thời gian qua thậm chí còn lên tiếng về một cuộc “đàn áp” của chính quyền Trung Quốc đối với các nhân viên và tập đoàn nước ngoài, khi quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng căng thẳng.
Nhiều công ty nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp tư vấn chiến lược, đã bày tỏ lo ngại trước việc các cơ quan chức năng gây ảnh hưởng lên quá trình thẩm định, hay áp dụng các luật chống gián điệp và bảo vệ dữ liệu mới.
Theo các nhà phân tích, hiện nay có rất ít sự khoan dung đối với việc đi chệch khỏi tư duy của Đảng Cộng sản Trung Quốc về kinh doanh, điều này đã buộc nhiều công ty nước ngoài phải suy nghĩ lại về cách tiếp cận của họ đối với kinh tế Trung Quốc.
Thậm chí, bất chấp nhu cầu của các địa phương về việc thu hút đầu tư nước ngoài, mới đây Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục khẳng định chính sách về tự lực và tự cường tại một thành phố miền Nam Trung Quốc.
Giám đốc một nhà sản xuất ô tô nước ngoài tại Trung Quốc nói với Reuters: “Xét về tình hình vĩ mô, chính quyền địa phương không thể làm gì để trấn an các nhà đầu tư nước ngoài. Thực ra, họ chỉ là một phần của hệ thống”.
Theo Reuters, các giám đốc điều hành ngành công nghiệp nước ngoài và các nhà vận động hành lang cho biết các ưu đãi mà nhiều chính quyền địa phương Trung Quốc đưa ra kém hấp dẫn hơn nhiều so với một thập kỷ trước, thời điểm các công ty có thể dễ dàng nhận được trợ cấp như miễn phí tiền thuê đất hay môi trường pháp lý ổn định hơn.
Ông Kiran Patel, Giám đốc cấp cao của Hội đồng Kinh doanh Trung Quốc-Anh, cho biết: “Rõ ràng phía Trung Quốc đang đi đầu trong việc can dự quốc tế… Nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm để hâm nóng lại mối quan tâm ở Trung Quốc”.
Ông Noah Fraser, Giám đốc điều hành của Hội đồng Kinh doanh Canada - Trung Quốc, cho biết dù tổ chức của ông đã nhận được lời mời chào từ chính quyền thành phố, tỉnh và khu vực ở Trung Quốc, nhưng hầu hết hỗ trợ đều khá ít ỏi..
Trước đây, các công ty được mời chào với các ưu đãi như miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giao đất đai để đầu tư mới. Hiện tại, đề nghị chỉ là một thỏa thuận về thuế thu nhập cá nhân cho các giám đốc điều hành, như một thành phố miền Đông Trung Quốc.
>>Trở lực kinh tế Trung Quốc (Kỳ IV): Hé lộ lý do "cỗ xe" kinh tế bị trục trặc
Cùng với các rào cản đó, sự nổi lên của các thị trường tiềm năng thay thế như các nước Đông Nam Á càng khiến nguồn đầu tư nước ngoài rời bỏ Trung Quốc. Không chỉ có yếu tố địa lý thuận lợi, sự ổn định chính trị và kinh tế-xã hội của các nước láng giếng cũng đã đủ để khiến các nhà đầu tư cảm thấy hài lòng trước các áp lực ngày càng tăng ở thị trường Trung Quốc.
Có thể bạn quan tâm
Trở lực kinh tế Trung Quốc (Kỳ V): Ưu tiên củng cố quyền lực chính trị
05:10, 18/08/2023
Trở lực kinh tế Trung Quốc (Kỳ III): Nguy cơ "lỗi hẹn" mục tiêu tăng trưởng
04:45, 17/08/2023
Trở lực kinh tế Trung Quốc (Kỳ I): FDI vào Trung Quốc đối mặt "cơn gió ngược"
14:17, 14/08/2023
"Báo động đỏ" kinh tế Trung Quốc
05:00, 11/08/2023
Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc gây lo ngại
02:30, 18/07/2023
"Lộ diện" lý do kinh tế Trung Quốc chưa thể phục hồi
04:00, 01/07/2023
Vì sao tốc độ phục hồi kinh tế Trung Quốc gặp trở lực?
03:00, 26/05/2023
Kinh tế Trung Quốc phục hồi sẽ cứu nền kinh tế toàn cầu?
11:10, 22/03/2023
Kinh tế Trung Quốc: "Lung lay" trụ cột tiêu dùng
04:30, 18/03/2023
"Cơn gió ngược" với kinh tế Trung Quốc
03:00, 08/03/2023
Kinh tế Trung Quốc hướng nội, Việt Nam ứng phó ra sao?
12:00, 27/02/2023