Thực hiện Quyết định số 2545/QĐ-TTg - Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong doanh nghiệp

Diendandoanhnghiep.vn Được sự chỉ đạo của VCCI, Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức Diễn đàn “Thực hiện Quyết định số 2545/QĐ-TTg- Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong doanh nghiệp” tại Hà Nội.

Sau 4 năm triển khai Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020, đến nay thanh toán điện tử và hệ sinh thái thanh toán điện tử có những bước phát triển tích cực. Thực tế, những bước phát triển này đến đâu? Những thách thức nào đang ở phía trước? Và làm thế nào để từ những bước phát triển này chúng ta  thậm chí còn đi nhanh và vượt qua lực tác động của COVID-19 cũng như sự xoay chuyển ý thức thích nghi phù hợp, kịp thời cho doanh nghiệp khi lựa chọn tồn tại cùng phương thức mới?

Chính vì vậy, chiều ngày 26/8/2020, tại Hà Nội, được sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Diễn đàn: Thực hiện Quyết định số 2545/QĐ-TTg- Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong doanh nghiệp.

Toàn cảnh Diễn đàn

Toàn cảnh Diễn đàn “Thực hiện Quyết định số 2545/QĐ-TTg- Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong doanh nghiệp”

Phát biểu khai mạc Diễn đàn “Thực hiện Quyết định số 2545/QĐ-TTG - Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong doanh nghiệp”, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống kinh tế- xã hội. Tuy nhiên, COVID-19 ở một góc độ khác đang khiến chúng ta thay đổi nhanh hơn trong chuyển đổi số, thay đổi chiến lược kinh doanh, chiến lược sản phẩm, chiến lược kênh phân phối...

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI

“COVID-19 đang bước vào giai đoạn thứ hai, chúng ta cũng chưa biết bao giờ có thể khống chế dịch bệnh này, do đó, không có cách nào khác là phải thay đổi nhanh hơn, chuẩn bị tâm thế và nền tảng cho kinh doanh bền vững trong bối cảnh sẽ phải sống chung với đại dịch”, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Chủ tịch VCCI thông tin, ngày 30/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 (Quyết định 2545/QĐ-TTg). Sau gần 4 năm triển khai, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục phát triển tích cực; cơ sở hạ tầng, công nghệ thanh toán được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả; hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng hoạt động ổn định, an toàn, phát huy hiệu quả, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán liên ngân hàng trong toàn quốc; công tác đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt được coi trọng và tăng cường…

Các dịch vụ, phương tiện thanh toán điện tử được phát triển mạnh, đa dạng; hầu hết các sản phẩm, phương tiện thanh toán mới, hiện đại đã được nghiên cứu, triển khai tại Việt Nam, đặc biệt thanh toán qua thiết bị di động có tốc độ tăng trưởng mạnh.

Thống kê cho thấy, Việt Nam hiện đã có 70 tổ chức tín dụng và chưa kể các đơn vị trung gian thanh toán, như ví điện tử… đã triển khai cung ứng các dịch vụ thanh toán qua Internet, cung ứng các dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. Giá trị giao dịch tài chính qua kênh Internet đã đạt trên 7 triệu tỷ đồng và 300 nghìn tỷ đồng giao dịch qua điện thoại di động.

Giá trị giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng trong 3 tháng đầu năm 2020 tăng trên 21% so với cùng kỳ 2019. Tổng số lượng giao dịch qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử trong 3 tháng đầu năm 2020 tăng 81,32% về số lượng và tăng 145,32% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Trong 20 ngày đầu tháng 4/2020, giá trị giao dịch trung bình qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 8,85% so với cùng kỳ năm trước.

“Mặc dù có bước phát triển đáng ghi nhận, nhưng Việt Nam vẫn chưa đạt được mục tiêu như kỳ vọng, tỷ lệ sử dụng tiền mặt còn cao” – TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh và cho biết, theo Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG) năm 2019, gần 40% số dân Việt Nam có tài khoản ngân hàng, nhưng vẫn còn 80% chi tiêu hằng ngày sử dụng tiền mặt. Ở góc độ doanh nghiệp, việc thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam dù đã trở thành nhu cầu tất yếu, nhưng cũng chưa thực sự được quan tâm đúng mức. 

Theo Chủ tịch VCCI, ở đây có cả vấn đề nhận thức và ý thức. Trong đó, hạ tầng cơ sở và trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam còn kém hiệu quả, chưa tương xứng với tiềm năng.

“Hiện nay, các tổ chức tài chính (gồm ngân hàng, trung gian thanh toán và ví điện tử) đều xây dựng hệ thống trang thiết bị thanh toán riêng tại một điểm chấp nhận thanh toán, vừa gây lãng phí, vừa không tận dụng được hạ tầng chung. Các hình thức thanh toán mới như QR Code, sinh trắc học... bắt đầu phát triển nhưng chưa được quy hoạch, đánh giá để triển khai diện rộng”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh. 

Đặc biệt, về môi trường pháp lý, Chủ tịch VCCI nhận định, dù đã có những tiến bộ nhất định về xây dựng hành lang pháp lý cho dịch vụ thanh toán số, nhưng vẫn còn trở ngại về mặt pháp lý, thủ tục giấy tờ trong hệ thống các văn bản hiện hành. Điều này khiến thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam chưa thể mở rộng nhanh và dễ dàng tới nhóm khách hàng ưa tiện lợi, nhất là khối doanh nghiệp.

Cụ thể là sự thiếu phù hợp giữa các quy định về chứng từ điện tử hiện hành và tính chất đặc thù của những chứng từ điện tử phát sinh trong các giao dịch số; Vấn đề bảo vệ tính riêng tư dữ liệu người dùng vẫn chưa đảm bảo...

Toàn cảnh Diễn đàn

Các đại biểu tham dự Diễn đàn

Trước thực trạng nói trên, TS.Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, cần có những nỗ lực mới cả ở tầm chính sách và tạo lập hạ tầng để thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam nói chung và thanh toán không dùng tiền mặt trong doanh nghiệp nói riêng.

Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Chính phủ từ giữa thập niên trước. Cụ thể hóa chủ trương này, NHNN đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy TTKDTM.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN cho biết, trong 4 năm qua, TTKDTM đã đạt một số kết quả nổi bật.

ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN

ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN

Về công tác chỉ đạo, điều hành và hoàn thiện hành lang pháp lý, ông Dũng cho biết NHNN đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành: Quyết định số 2545/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 phê duyệt Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23/02/2018 phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công; Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Bên cạnh đó, hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán tiếp tục hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu thực tế và xu hướng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ, mô hình hợp tác kinh doanh sáng tạo, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ của các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán (TGTT). Liên quan đến hoạt động thanh toán, NHNN trình Chính phủ ban hành 03 Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt; về phòng, chống rửa tiền; về xử phạt vi phạm hành chính. NHNN cũng đã ban hành nhiều Thông tư quy định về hoạt động thẻ ngân hàng, hoạt động TGTT, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, phí dịch vụ thanh toán...

NHNN đã ban hành Tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) về thẻ chip nội địa nhằm tránh nguy cơ thị trường thẻ Việt Nam trở thành vùng trũng về an ninh, an toàn thanh toán thẻ, cũng như định ra lộ trình phù hợp chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip; đã ban hành TCCS “Đặc tả kỹ thuật QR Code hiển thị từ phía đơn vị chấp nhận thanh toán tại Việt Nam”, yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ chủ động áp dụng TCCS QR Code khi triển khai cung ứng dịch vụ thanh toán, dịch vụ TGTT nhằm tạo nền tảng thanh toán liên thông, và tiết kiệm chi phí.

NHNN hiện đang xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định mới thay thế các Nghị định 101/2012/NĐ-CP về TTKDTM, hướng đến giải quyết một số vấn đề sau: (i) Quy định rõ bản chất của các phương tiện thanh toán (trong đó có tiền điện tử); (ii) Quy định quản lý các hoạt động thanh toán xuyên biên giới; (iii) Bổ sung làm rõ hơn các điều kiện cung ứng dịch vụ TGTT, các hành vi vi phạm; (iv) Quy định mới về hoạt động đại lý thanh toán hướng nhiều hơn đến tài chính toàn diện tại Việt Nam.

Về phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán, theo ông Lê Anh Dũng, cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ TTKDTM, nhất là hạ tầng thanh toán điện tử, tiếp tục được NHNN và các TCTD chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán ngày càng tăng của xã hội, đòi hỏi ngày càng cao của người dùng và hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp, thương nhân Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào mạng lưới kinh doanh, chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Lê Anh Dũng cho biết, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng của NHNN được vận hành hoạt động an toàn, hiệu quả, thông suốt, được tích hợp thêm nhiều cấu phần dịch vụ mới như chuyển ngoại tệ, quyết toán theo lô. Trong 6 tháng đầu năm 2020, Hệ thống đã xử lý khoảng 69,2 triệu giao dịch, với giá trị xấp xỉ 50 triệu tỷ đồng, tăng 14,9% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2019. Ngoài ra, Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử đã xử lý gần 498 triệu giao dịch đạt giá trị 3,9 triệu tỷ đồng, tăng 72,4% về số lượng và tăng 102,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Trong khi đó, Hệ thống ATM, POS tiếp tục hoạt động ổn định, được các ngân hàng quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ. Tính đến cuối tháng 6/2020, toàn quốc có hơn 19.570 ATM  và 266.310 POS (tăng tương ứng 4,4% và 2,5% so với cùng kỳ năm 2019). 

Cũng theo Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng, một bước phát triển đáng chú ý gần đây là sự ra đời nền tảng thanh toán mới - Hệ thống thanh toán bù trừ tự động các giao dịch bán lẻ (ACH) với khả năng thanh toán thời gian thực, hoạt động liên tục 24/7, xử lý giao dịch đa kênh, chính thức vận hành từ tháng 6/2020, qua đó cung cấp một lựa chọn về kênh chuyển tiền nhanh liên ngân hàng đáng tin cậy, hiệu quả chi phí cho các ngân hàng, tổ chức TGTT. Hệ thống này sẽ ngày càng mở rộng phạm vi dịch vụ, đối tượng tham gia, thêm dịch vụ mới, gia tăng tiện ích cho các thành viên và kỳ vọng sẽ phục vụ đắc lực các hoạt động kinh tế- thương mại sôi động gắn với sự nổi lên của nền kinh tế số Việt Nam.

Về phát triển dịch vụ thanh toántheo ông Lê Anh Dũng, thời gian qua, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin - viễn thông, sự phổ biến của các thiết bị di động thông minh kết nối Internet, nhiều sản phẩm, dịch vụ mới như chuyển tiền trực tuyến 24/7 qua Mobile banking, thanh toán hóa đơn, mua hàng, đặt dịch vụ trực tuyến qua ứng dụng Mobile banking, Ví điện tử, QR code... ngày càng phổ cập trong cuộc sống, tạo bước phát triển mới trong TTKDTM, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.

“Việc mở và sử dụng tài khoản của cá nhân tiếp tục tăng lên; đến cuối tháng 6 năm 2020 đã đạt khoảng 93,7 triệu tài khoản cá nhân (tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2019). Phát triển dịch vụ tài khoản cá nhân góp phần thu hút vốn nhàn rỗi từ mọi tầng lớp dân cư và tạo điều kiện mở rộng dịch vụ TTKDTM”, ông Dũng nói.

Đến nay, đã có 75 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (TCCƯDVTT) triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 45 TCCƯDVTT thực hiện qua điện thoại di động (ĐTDĐ). Trong 6 tháng đầu năm 2020, số lượng giao dịch qua kênh Internet là hơn 200 triệu giao dịch, với giá trị khoảng 12,9 triệu tỷ đồng (tăng 36% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019); số lượng giao dịch qua kênh ĐTDĐ đạt hơn 472 triệu giao dịch, với giá trị khoảng 4,9 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng 178% và 177% so cùng kỳ năm 2019).

Dịch vụ thanh toán thẻ tiếp tục được các ngân hàng quan tâm phát triển. Đến cuối tháng 6 năm 2020, số lượng thẻ lưu hành đạt mức 106 triệu thẻ (tăng khoảng 14,5% so với cùng kỳ năm 2019); số lượng giao dịch thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt trên 171 triệu giao dịch với giá trị đạt khoảng 399 nghìn tỷ đồng (tăng tương ứng 20,9% và 9,1% so với cùng kỳ năm 2019). Các ngân hàng đã tích hợp thêm nhiều tính năng vào thẻ ngân hàng để sử dụng thanh toán hàng hóa, dịch vụ; đồng thời, chất lượng dịch vụ thẻ cũng như độ an toàn trong thanh toán thẻ được các ngân hàng chú trọng và nâng cao.

Bên cạnh thẻ, giải pháp thanh toán qua mã QR Code được các TCTD, tổ chức TGTT quan tâm đẩy mạnh như một lựa chọn thanh toán linh hoạt, triển khai nhanh, chi phí hợp lý để thúc đẩy TTKDTM với nhóm khách hàng là các đơn vị bán hàng nhỏ lẻ. Đến nay đã có khoảng 30 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán QR Code, toàn thị trường có hơn 70.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code.

Về thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, thanh toán trực tuyến dịch vụ hành chính côngông Dũng thông tin, hệ thống TTĐTLNH đã được kết nối với toàn bộ 63 KBNN cấp tỉnh trong cả nước, đáp ứng được nhu cầu thu, chi ngân sách của người dân và doanh nghiệp một cách nhanh chóng, kịp thời; khoảng 50 NHTM đã hoàn thành kết nối với hệ thống nộp thuế điện tử của Tổng cục Hải quan, của Tổng cục Thuế trên 63 tỉnh/thành phố và tất cả các quận, huyện trên cả nước, với 95% số thu Hải quan được thực hiện qua ngân hàng; 27 ngân hàng và 10 tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT phối hợp thu tiền điện; doanh thu tiền điện của EVN thanh toán, thu qua qua ngân hàng, TGTT lên tới gần 90%.

Ngày 09/12/2019, Chính phủ đã khai trương, đưa vào vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia. Cổng dịch vụ công quốc gia đã tích hợp chức năng thanh toán trực tuyến, qua đó cho phép người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng tài khoản mở tại các ngân hàng, tổ chức TGTT để thanh toán trực tuyến phí, lệ phí thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công.

Chủ tọa Diễn đàn

Chủ tọa Diễn đàn (Từ trái qua phải, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính; ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN; Ông Trần Kim Chung – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý Trung ương).

Theo ông Dũng, bên cạnh kết quả đạt được, TTKDTM còn một số tồn tại, thách thức trong phát triển như cơ chế, chính sách, khuôn khổ quy định liên quan đến TTKDTM cần được tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện, nhất là định rõ chính sách đối xử, khuôn khổ quy định quản lý những phương tiện, dịch vụ thanh toán mới, mô hình kinh doanh đổi mới, giải pháp thanh toán sáng tạo.

Bên cạnh đó, sự tham gia ngày càng nhiều của các tổ chức phi ngân hàng, công ty Fintech, hãng công nghệ lớn vào lĩnh vực thanh toán đặt ra nhiều thách thức đối với cơ quan quản lý, nhất là trong việc xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật vừa đảm bảo sự phát triển, đổi mới, vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước đối với hoạt động thanh toán và bảo vệ người tiêu dùng.

Đồng thời, thói quen, hành vi sử dụng tiền mặt phổ biến của người dân nhìn chung đã giảm bớt nhưng vẫn chưa chuyển dịch mạnh sang thanh toán phi tiền mặt, thanh toán điện tử; Một bộ phận người tiêu dùng còn e dè khi tiếp cận với công nghệ, phương tiện thanh toán mới, do còn lo ngại về vấn đề an ninh, an toàn trong thanh toán.

Ngoài ra, tội phạm, gian lận trong thanh toán điện tử gần đây có chiều hướng gia tăng trong bối cảnh các dịch vụ, giao dịch online trở nên phổ biến với những hành vi, thủ đoạn mới, tinh vi hơn và sử dụng công nghệ nhiều hơn.

Ông Dũng cũng thông tin, một số vấn đề phát sinh trong lĩnh vực thanh toán điện tử gần đây diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải có sự phối hợp, xử lý của nhiều bộ, ngành, như: một số tổ chức, cá nhân sử dụng máy POS, thiết bị di động có nguồn gốc từ nước ngoài để chấp nhận thanh toán trên lãnh thổ Việt Nam, không tuân thủ quy định pháp luật; hay hoạt động thanh toán cho các dịch vụ của tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cung ứng xuyên biên giới vào lãnh thổ Việt Nam...còn có khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý.

Toàn cảnh Diễn đàn

Toàn cảnh Diễn đàn

Với thực tế và những tồn tại, thách thức nêu trên, Ngân hàng Nhà nước đã đề ra phương châm chỉ đạo hoạt động thanh toán thời gian tới theo nguyên tắc lấy khách hàng làm trọng tâm để nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng sức cạnh tranh, lấy ứng dụng công nghệ thành tựu của CMCN 4.0 để tạo sự phát triển bứt phá; đồng thời đề ra một số giải pháp:

Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu ban hành mới, sửa đổi, bổ sung quy định hiện hành nhằm tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động TTKDTM, thanh toán điện tử, đặc biệt là khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 101 về TTKDTM.

Thứ haithúc đẩy sự phát triển của hạ tầng ACH thế hệ mới, đóng vai trò là nền tảng thanh toán số với hướng tiếp cận mở và đảm bảo kết nối liên thông.

Thứ bahoàn thành kế hoạch chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip tại Việt Nam theo Tiêu chuẩn thẻ chip nội địa; triển khai Tiêu chuẩn cơ sở QR Code rộng khắp.

Thứ tư, khẩn trương ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 23/2014 về mở và sử dụng tài khoản thanh toán, trong đó có quy định hướng dẫn mở tài khoản thanh toán cá nhân bằng phương thức điện tử (e-KYC), cho phép người dân, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa dễ dàng mở tài khoản, tiếp cận dịch vụ thanh toán qua kênh số, không cần gặp mặt trực tiếp.

Thứ nămphát triển TTKDTM ở khu vực nông thôn bằng những mô hình triển khai mới, giải pháp thanh toán phù hợp, gắn với việc triển khai Chiến lược quốc gia về Tài chính toàn diện.

Thứ sáu, tăng cường quản lý, giám sát đối với các hệ thống thanh toán quan trọng, các phương tiện, dịch vụ thanh toán mới, hoạt động thanh toán xuyên biên giới, đảm bảo sự vận hành an toàn, hiệu quả và gia tăng lòng tin đối với thanh toán điện tử.

Thứ bảy, NHNN cùng các NHTM, tổ chức TGTT đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức về TTKDTM, nâng cao nhận thức người tiêu dùng về những rủi ro trong thời đại số và hướng dẫn người dân kỹ năng giao dịch tài chính-thanh toán an toàn, hợp lý; Chú trọng nhiều hơn tới khía cạnh bảo vệ người sử dụng dịch vụ trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Trưởng ban Phát triển thị trường tài chính, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính- Bộ Tài chính đã có bài trình bày về “Vai trò của tài chính trong thúc đẩy thanh toán không dung tiền mặt trong doanh nghiệp - Thực trạng và giải pháp”.

Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Trưởng ban Phát triển thị trường tài chính, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính- Bộ Tài chính

Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Trưởng ban Phát triển thị trường tài chính, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính- Bộ Tài chính

Bà Nguyễn Thị Hải Bình cho biết, trong giai đoạn 2016-2020 vấn đề thanh toán không dùng tiền mặt đã liên tục được thúc đẩy với 5 giải pháp chính.

Thứ nhất là hoàn thiện khung khổ pháp lý và chính sách trong hoạt động thanh toán như việc Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2545/QĐ-TTg để thúc đẩy TTKDTM nhằm thực hiện trong lĩnh vực dịch vụ công.

Thứ hai là xây dựng và chuẩn hóa thông tin nộp ngân sách nhà nước, thông tin thu nộp ngân sách nhà nước, kết hợp với nâng cấp và triển khai đồng bộ hệ thống trao đổi thông tin dữ liệu về thu, nộp ngân sách nhà nước giữa các cơ quan thuế, hải quan, kho bạc nhà nước.

Giải pháp này, theo bà Bình, đã giúp thông tin nhanh số thu nộp vào ngân sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giúp người dân và doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc thực hiện các nghĩa vụ của nhà nước. Ở góc độ quản lý Nhà nước, thì các cơ quan nhà nước cũng nắm được các khoản thu đã thu phân chia ngân sách, từ đó phần nào tìm ra các khó khăn của doanh nghiệp rồi gỡ khó cho họ.

Thứ ba là hoàn thiện kết nối giữa hạ tầng thanh toán điện tử của các tổ chức tín dụng với hạ tầng của các cơ quan thuế, hải quan.

Thứ tư là ban hành hướng dẫn cụ thể về các thủ tục hành chính, nhằm tạo thuận lợi cho việc thực hiện TTKDTM trong các giao dịch liên quan đến dịch vụ công.

Thứ năm, là chuyển chức năng quyết toán tiền giao dịch trái phiếu Chính phủ từ Ngân hàng Thương mại sang Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Bà Bình cho biết, các giải pháp trên đã mạng lại nhiều kết quả, trong đó đáng chú ý là hệ thống điện tử liên ngân hàng đã kế nối được với 63 kho bạc, ngân hàng nhà nước ở các địa phương. Đây là cơ sở đẩy mạnh TTKDTM. Đến nay đã có 50 ngân hàng thương mại ký kết thỏa thuận phối hợp thu thuế điện tử với Thuế, Hải quan trên phạm vi cả nước; 99% doanh nghiệp đang hoạt động đăng ký nộp thuế điện tử; số tiền điện tử đã nộp từ năm 2019 là trên 700.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, từ góc nhìn của người nghiên cứu quá trình triển khi TTKDTM, bà Bình cũng đưa ra một số hạn chế. Theo đó, các dịch vụ đi kèm như hóa đơn điện tử, chữ ký số còn nhiều bất cập. Với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hạ tầng phục vụ TTKDTM cũng gặp rất nhiều khó khăn. Cơ sở hạ tầng của các khu vực vùng sâu, vùng xa chưa đồng bộ.

Thói quen sử dụng tiền mặt là rào cản lớn nhất trong việc thực hiện TTKDTM. Doanh nghiệp nhỏ ngại sử dụng phương tiện thanh toán hiện đại vì không giấu được doanh thu và ảnh hưởng đến các khoản nộp thuế.

Cuối cùng là chưa có sự đồng bộ về hệ thống TTKDTM, đặc biệt là dịch vụ công.

Từ thực tế, bà Bình đề xuất ba giải pháp mang tính định hướng để thúc đẩy hoạt động TTKDTM: Thứ nhất, coi vấn đề xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng thanh toán dịch vụ là yếu tố cốt lõi và trọng tâm. Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách. Thứ ba là thực hiện chiến lược tài chính toàn diện đến 2025, định hướng đến 2030 theo Quyết định số 149/QĐ-TTg.

Có mặt tại Diễn đàn, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính- ngân hàng cho biết, dịch bệnh COVID-19 đã tác động lớn đến kinh tế thế giới, thế nhưng đây cũng lại là cơ hội để thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng chuyển đổi mô hình kinh tế số, thay vì thủ công như trước.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính- ngân hàng

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính- ngân hàng

Kinh tế Việt Nam đã có những chuyển biến rất tích cực. Từ năm 2012, Việt Nam đã có Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về TTKDTM. Sau 8 năm, mặc dù Chính phủ đã có những nỗ lực rất lớn, nhưng chúng ta vẫn là nền kinh tế tiền mặt, 80% chi tiêu người dân vẫn là tiền mặt.

Có 3 lý do khiến người dân Việt Nam vẫn chi tiêu bằng tiền mặt.

Thứ nhất, các quy định về TTKDTM của chúng ta còn thiếu. Cách đây mấy tháng, NHNN đã đưa ra dự thảo về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công ty Fintech. Theo một số thông tin, NHNN đã trình Chính phủ xem xét, nhưng hiện tại vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến các Bộ, ngành có liên quan.

Thứ hai là vấn đề giáo dục cộng đồng, giáo dục quần chúng trong vấn đề đưa ra hệ thống thanh toán phi tiền mặt. Ở Mỹ, cách đây 20 năm, quốc gia này đã có chương trình giáo dục Money Smart- chương trình giao dục cơ bản về sử dụng phi tiền mặt.

Theo đó, Chính phủ Mỹ yêu cầu các ngân hàng, các trường học, phổ biến chương trình này; đào tạo người dân, đặc biệt là các học sinh sinh viên sử dụng các công cụ thanh toán phi tiền mặt. Hoạt động này đã rất hiệu quả trong việc tăng số lượng phần trăm công dân có tài khoản ngân hàng, góp phần thúc đẩy hoạt động thanh toán phi tiền mặt.

Có thể thấy, giáo dục cộng đồng là một trong những biện pháp cần thiết để tuyên truyền, truyền thông về định hướng này, tuy nhiên, Việt Nam chưa có những chương trình như vậy.

Thứ ba, vấn đề sai phạm trong hệ thống tài chính ngân hàng, lừa đảo qua mạng hiện nay khá phổ biến, nhưng xử lý sai phạm rất khó khăn vì cấp độ lừa đảo đi từ những thông tin sai lệch đến dẫn dắt người ta đến lừa đảo.

Tôi mong rằng đến năm 2025, 80% người dân Việt Nam sẽ có tài khoản ngân hàng, tỷ lệ thanh toán phi tiền mặt sẽ tăng lên đến 40%.

Ngay sau khi kết thúc việc trình bày các tham luận của các diễn giả, Diễn đàn bước vào phiên THẢO LUẬN giữa các cơ quan quan lý Nhà nước, các chuyên gia tài chính, đại diện các doanh nghiệp để thảo luận về các giải pháp thúc đẩy TTKDTM. Ông Phạm Ngọc Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp điều phối phiên thảo luận này.

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp

Chia sẻ tại phiên Thảo luận Diễn đàn, ông Đinh Thanh Sơn -  Phó Tổng giám đốc Tổng công ty CP bưu chính Viettel (Viettel Post) cho rằng, Công ty triển khai TTKDTM từ năm 2016 với thời điểm sơ khai của hoạt động mua sắm qua mạng. Văn hoá “tiền trao cháo múc” đã được hình thành quá lâu, 95% khách hàng của Viettel Post lúc đó sử dụng hoạt động thanh toán dùng tiền mặt. Đây là rủi ro lớn với doanh nghiệp.

Do đó, doanh nghiệp đã đưa ra nhiều giải pháp thay đổi phương thức thanh toán. Ví dụ, khách hàng thanh toán trước qua chuyển khoản sẽ được giảm cước vận chuyển đến 20-30%. Sau 4 năm triển khai, đã có 30% số khách hàng TTKDTM, còn khoảng 70% khách hàng vẫn sử dụng phương thức thanh toán tiền mặt.

ông Đinh Thanh Sơn -p/Phó Tổng giám đốc Tổng công ty CP bưu chính Viettel (Viettel Post)

ông Đinh Thanh Sơn - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty CP bưu chính Viettel (Viettel Post)

Với ứng dụng của nền tảng khoa học công nghệ, Viettel Post đang ngày một nâng cao số lượng khách hàng TTKDTM, các nền tảng mua sắm bằng điện tử nở rộ khiến tình trạng “bom hàng” giảm dần, giúp mua sắm hàng qua điện tử tin cậy hơn.

Tuy nhiên, hiện có một số vấn đề khó khăn mà trước hết là liên quan chi phí. Nếu thanh toán điện tử thì mất phí cao, trong khi thanh toán tiền mặt không mất phí. 

Thứ hai, với trường hợp thanh toán bằng ví điện tử lại có các QR Code khác nhau cho hệ thống các ví điện tử khác nhau mà không thể thanh toán chéo. Do đó, chúng tôi kiến nghị dùng QR Code chung cho các mã thanh toán ở các ví điện tử khác nhau. 

Thứ ba, nghiên cứu hệ thống thanh toán tạm giữ để người mua và bán tin tưởng nhau hơn, tạo tin cậy cho mua sắm online, do đó, giúp hoạt động mua sắm điện tử phát triển hơn.

Ông Sơn cũng cho biết, Viettel Post hiện đang có kênh online Vỏ Sò, trong đó coi trọng việc đồng hành cùng người nông dân chuyển đổi phương thức bán hàng và thanh toán, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 có nhiều tác động như hiện nay.

ông Huỳnh Ngọc Huy – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank), Tổng Thư ký Hiệp hội Mắc ca Việt Nam

ông Huỳnh Ngọc Huy – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank), Tổng Thư ký Hiệp hội Mắc ca Việt Nam

Có mặt tại phiên thảo luận, ông Huỳnh Ngọc Huy – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank), Tổng Thư ký Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cho biết, 5 năm trở lại đây TTKDTM ở Việt Nam phát triển khá nhanh, tuy nhiên hiện còn nhiều việc phải làm từ hạ tầng kỹ thuật, quản lý, hệ thống an toàn, quan trọng nhất vẫn là thói quen của người tiêu dùng.

Từ kinh nghiệm cá nhân tham gia hệ thống TTKDTM, ông Huy cho biết, trước đây, ông tham gia phát triển ứng dụng Pay U. "Sau khi triển khai được 2 năm, chúng tôi nhận thấy mình đi sớm quá, khi Việt Nam chưa chấp nhận phương thức thanh toán này. Khi đó, chúng tôi buộc phải thoái vốn tại doanh nghiệp phát triển ứng dụng này", ông Huy thông tin.

LienVietPostBank đang phát triển ứng dụng TTKDTM như Ví việt; xây dựng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, thanh toán số,... Ngoài phát triển công nghệ, mạng lưới, số lượng người dùng, LienVietPostBank cũng đẩy mạnh kinh doanh hợp tác với các thành phố, trường học, bệnh viện,… để tăng khách hàng cũng như mạng lưới TTKDTM.

Theo ông Huy, thời gian tới, LienVietPostBank sẽ ra mắt ứng dụng LienViet 24h tích hợp nhiều dịch vụ trong một ứng dụng, giúp cá nhân hóa trải nghiệm người dùng và dễ dàng kết nối với các đối tác phát triển hệ sinh thái.

“COVID- 19 là cơ hội đẩy mạnh thanh toán phi tiền mặt. Hiện nay, LienVietPostBank có những chương trình giảm lãi suất cho khách hàng, giảm phí chuyển tiền nhanh liên ngân hàng…”, ông Huy cho biết và nhấn mạnh phía ngân hàng cũng muốn giảm phí viễn thông, bởi giao dịch sẽ có tin nhắn mà hiện nay giá cước khá cao, phía ngân hàng đã có văn bản đề xuất giảm phí viễn thông.

Về “vùng trũng” trong giải quyết vấn đề thanh toán ở thị trường nông thôn, ông Huy cho biết: “Trong hệ thống các ngân hàng thương mại, chúng tôi đứng sau Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam. Tuy nhiên, người Việt có thói quen thanh toán tiền mặt, mà chưa quan tâm đến TTKTM, vì họ chưa có niềm tin vào phương thức thanh toán này. LienVietPostBank hiện đã có hệ thống bưu điện offline khá lớn để người dân nhận diện, có niềm tin, qua đó đẩy mạnh triển khai hệ thống thanh toán online.

Ông Trần Văn Trọng - Chánh Văn Phòng Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom)

Ông Trần Văn Trọng - Chánh Văn Phòng Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom)

Ông Trần Văn Trọng - Chánh Văn Phòng Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) cho biết, thời gian qua để thúc đẩy hoạt động TTKDTM, Vecom đã tiến hành nhiều hoạt động để hỗ trợ. Trong đó, chúng tôi đã cùng với các cơ quan nhà nước, làm việc với doanh nghiệp và cố gắng thay đổi thói quen người tiêu dùng.

Theo khảo sát được thực hiện vào cuối năm 2019 về tỷ lệ TTKDTM khi nhận hàng, kết quả cho thấy đa số người mua hàng vẫn thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch mua sắm qua mạng (86% người tham gia khảo sát có mua sắm trực tuyến chọn hình thức thanh toán bằng tiền mặt khi nhận hàng).

Cũng theo ông Trọng, để thúc đẩy hơn nữa quá trình TTKDTM thì cơ quan quản lý cần có cơ chế chính sách thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai. Đồng thời, phải cho cộng đồng thấy được TTKDTM tiện lợi hơn phương thức thanh toán truyền thống ra sao: từ việc đăng ký sử dụng tới khâu ứng dụng, mức độ bảo mật, chi phí...; Cơ quan nhà nước phải là đơn vị đi đầu triển khai ứng dụng TTKDTM vào các dịch vụ công.

Với quá trình chuyển đổi số, cơ quan quản lý nhà nước cần có sự vào cuộc quyết liệt mới tạo được khí thế và xu hướng của cộng đồng. Với cơ quan quản lý, ông Trọng bày tỏ mong muốn phải có cơ chế chính sách về thanh toán có tính tương đồng với thực tiễn.

Về phía nhà cung cấp, các đơn vị cung cấp giải pháp hay trung gian thanh toán cần có sự liên kết với nhau để đồng nhất giúp người dùng dễ dàng sử dụng cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần có một số giải pháp công nghệ thanh toán mới (Smart POS, NFC,...).

Về phía doanh nghiệp dùng dịch vụ, theo ông Trọng hiện nay các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán đang quá nhiều, nhưng lại không đồng bộ với nhau dẫn tới lãng phí trong việc mở rộng thị trường và bối rối cho người sử dụng lựa chọn kênh thanh toán. Do đó, các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán nên tích hợp đồng bộ với nhau để tiết kiệm nguồn lực phủ thị trường về dịch vụ.

Về phía người dùng, ông Dũng cho biết tỷ lệ thanh toán tiền mặt (trên 80%) vẫn chiếm đa số do thói quen tiêu dùng truyền thống chưa được thay đổi và niềm tin vào mua sắm online chưa cao. Do vậy, cần thiết đẩy mạnh việc tuyên truyền đối với người tiêu dùng. Người tiêu dùng cũng nên trang bị các kỹ năng mua sắm trực tuyến và TTKDTM để tránh các trường hợp bị lợi dụng và hiểu được lợi ích của mua sắm trực tuyến.

Ông Vũ Hải Nam – Trưởng Ban phát triển đối tác, Công ty Cổ phần MISA

Ông Vũ Hải Nam – Trưởng Ban phát triển đối tác, Công ty Cổ phần MISA

Ông Vũ Hải Nam – Trưởng Ban phát triển đối tác, Công ty Cổ phần MISA cho biết, đối với doanh nghiệp, các giao dịch qua ngân hàng là kênh thanh toán không dùng tiền mặt phổ biến. Song song với việc thực hiện giao dịch với ngân hàng, kế toán của doanh nghiệp phải thực hiện các công việc hạch toán, đối chiếu sổ phụ, số dư tài khoản để cập nhật vào phần mềm kế toán MISA SME.

Để hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết bài toán trên, MISA đã phối hợp cùng 10 ngân hàng, giúp kế toán tiết kiệm 90% thời gian làm việc với chứng từ ngân hàng. Các dữ liệu về giao dịch, đối chiếu sổ phụ, tra cứu tài khoản được cập nhật tức thời giữa ngân hàng và phần mềm kế toán MISA, loại bỏ 100% sai sót do việc nhập liệu thủ công. Điều nay thúc đẩy doanh nghiệp ngày càng sử dụng nhiều giao dịch qua ngân hàng, đặc biệt là qua hệ thống Internet Banking.

Đối với các đối tượng là trường học, phụ huynh, MISA đã thực hiện chuyển đổi số cho 12.000 trường khắp cả nước, và đang tích cực hỗ trợ các trường học thực hiện thu học phí bằng phương thức TTKDTM.

Từ năm 2019, MISA đã kết hợp các đối tác là Ngân hàng, các tổ chức trung gian thanh toán để cung cấp dịch vụ thanh toán học phí không dùng tiền mặt, tạo thành một quy trình thu- nộp học phí khép kín với tính tự động hóa cao.

Nhà trường đang sử dụng phần mềm MISA QLTH sẽ đăng ký dịch vụ thu học phí với Ngân hàng hoặc tổ chức trung gian thanh toán, nhà trường sẽ gửi thông báo thu học phí tới phụ huynh qua phần mềm. Phụ huynh nhận được thông báo nộp học phí ngay qua SISAP - Ứng dụng chia sẻ thông tin giữa nhà trường và phụ huynh – và có thể lựa chọn các hình thức thanh toán phù hợp như chuyển khoản, quét QR Code, ví điện tử… Khi nhà trường nhận được học phí, hệ thống sẽ tự động gửi hóa đơn điện tử MISA MeInvoice tới phụ huynh và phần mềm kế toán MISA tự động hạch toán khoản thu cho nhà trường.

Đối với đối tượng là các hộ kinh doanh, thời gian giãn cách xã hỗi vì dịch bệnh đã ảnh hưởng trực tiếp tới thói quen thanh toán của khách hàng, đặc biệt là các thanh toán không tiếp xúc như quét mã QR Code. Theo thống kê của VISA, lượng thanh toán không tiếp xúc tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm đã tăng 500% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, trước đây, việc quét mã QR Code tĩnh đặt tại quầy thu ngân, khách hàng phải nhập tay số tiền cần thanh toán, có thể dẫn đến sai sót. Tuy nhiên, hiện tại MISA đã hợp tác với các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán để tích hợp QR Code ngay trên các hóa đơn thanh toán tại nhà hàng, cửa hàng bán lẻ, việc quét mã trên hóa đơn từ phần mềm MISA sẽ giúp hiển thị đúng số tiền phải trả, tiết kiệm thời gian và hạn chế sai sót cho người dùng.

Trong tương lai gần, MISA đang tiếp tục mở rộng các kết nối về thanh toán để mang lại nhiều tiện ích và hỗ trợ tốt hơn nữa nhu cầu của xã hội về thanh toán không dùng tiền mặt. Có thể thấy, để thanh toán không dùng tiền mặt phát triển tốt sẽ phải cần tới sự phát triển đồng bộ của hệ thống công nghệ thông tin, ứng dụng phần mềm hỗ trợ tại từng cơ quan, doanh nghiệp, hộ kinh doanh và tới cả các cá nhân. Điều đó vừa tạo thói quen sử dụng các tiện ích công nghệ vừa giúp các dịch vụ TTKDTM được phổ biến rộng rãi trong toàn xã hội.

Với những đóng góp trong việc thúc đẩy TTKDTM nêu trên, MISA cam kết tiếp tục giữ sứ mệnh phụng sự xã hội và ngày càng phát huy khả năng của mình hơn nữa để đóng góp nhiều nhất vào những mục tiêu chung của chính phủ và xã hội. Rất mong nhận được sự đồng hành và hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam để giúp MISA thực hiện tốt vai trò của mình hơn nữa.

ông Huỳnh Ngọc Huy – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank), Tổng Thư ký Hiệp hội Mắc ca Việt Nam

ông Huỳnh Ngọc Huy – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank), Tổng Thư ký Hiệp hội Mắc ca Việt Nam

Chia sẻ thêm tại Diễn đàn, ông Huỳnh Ngọc Huy – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank), Tổng Thư ký Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cho rằng cần xây dựng hệ sinh thái giữa các công ty tài chính và ngân hàng.

Trên thực tế, về mặt công nghệ, các ngân hàng thường đi chậm hơn so với các công ty Fintech – bởi họ làm chủ và đi đầu về công nghệ. Về lâu dài, giữa ngân hàng và Fintech phải cộng sinh với nhau, nhưng hiện tại có vẻ như lại đang là đối thủ của nhau. Bởi, việc dùng một đơn vị Fintech đứng giữa để tạo hệ sinh thái thì doanh nghiệp vẫn đang dè dặt, chưa dám mạnh dạn sử dụng TTKDTM. “Nhưng về lâu dài, tôi cho rằng có thể đây sẽ là xu hướng tất yếu” – ông Huy nói.

Giám đốc Ngân hàng số BIDV Nguyễn Chiến Thắng

Giám đốc Ngân hàng số BIDV Nguyễn Chiến Thắng

Giám đốc Ngân hàng số BIDV Nguyễn Chiến Thắng cho biết, xây dựng hệ sinh thái để phát triển TTKDTM là rất quan trọng.

Cách đây 5 năm, Fintech là đối thủ của ngân hàng, nhưng đến nay trong chiến lược của BIDV không có khái niệm đó, thậm chí còn đặt Fintech nằm trong trụ cột phát triển của mình.

Ngân hàng không thể đủ năng lực, linh hoạt hay chú trọng vào một ngành hẹp như Fintech. Một ngân hàng truyền thống không thể ra quyết định nhanh như fintech và được cũng không đủ nguồn lực để tập trung trong một ngành hẹp nào đó.

Chuyện hợp tác giữa ngân hàng và fintech mang quan hệ biện chứng. Về lợi ích, khi hợp tác với fintech, ngân hàng không thiệt nhiều. Trước đây khi không hợp tác, có thể miếng bánh rời rạc, mỗi đơn vị phát triển 1 phần. Nhưng khi hợp tác chặt chẽ thì miếng bánh có thể lớn lên gấp nhiều lần, số chia tương đối giảm đi, số tuyệt đối lại tăng lên rất nhiều.

Chiến lược hợp tác giúp ngân hàng mở rộng hệ sinh thái của mình, kể cả vấn đề phát triển sản phẩm, dịch vụ, tạo ra mạng lưới để tăng dịch vụ cho khách hàng.

Tuy nhiên, chúng ta cần có những hệ thống chuyển mạch QR để một ngân hàng hay đơn vị thanh toán có thể thanh toán trên bất kì QR nào trên thị trường.

Ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán- NHNN

Ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán- NHNN

Ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán- NHNN cho biết, Chính phủ đã có chỉ đạo về các giải pháp hỗ trợ phương thức TTKDTM. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 22/CT-TTG về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển TTKDTM.

Ông Dũng chia sẻ kinh nghiệm quốc tế như tại Hàn Quốc trước đây giảm thuế VAT mua sắm trực tuyến cho người tiêu dùng nếu thanh toán qua thẻ nhằm khuyến khích sử dụng TTKDTM.

Đối với Việt Nam, ông Dũng cũng cho rằng việc phát triển hạ tầng cũng là điều vô cùng quan trọng vì hạ tầng dù có sẵn nhưng vẫn cần phát triển thêm để theo kịp với công nghệ hiện đại.

bà Nguyễn Thị Hải Bình, Trưởng ban Phát triển thị trường tài chính, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính- Bộ Tài chính

bà Nguyễn Thị Hải Bình, Trưởng ban Phát triển thị trường tài chính, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính- Bộ Tài chính

Trả lời cho câu hỏi làm thế nào hỗ trợ giảm phí thanh toán cho người tiêu dùng, thúc đẩy TTKDTM, theo bà Nguyễn Thị Hải Bình, Trưởng ban Phát triển thị trường tài chính, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính- Bộ Tài chính, một số quốc gia đã có những chính sách hỗ trợ các ngân hàng, các doanh nghiệp để thúc đẩy TTKDTM. Trong đó có thể kể đến chính sách chiết khấu một mức nào đó cho các hóa đơn khi thanh toán bằng ví điện tử, mức chiếu khấu này được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

Một trong những giải pháp có thể xem xét, đó là phí dịch vụ hóa đơn điện tử được trừ vào các phí hợp lý, hợp lệ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp… Tất cả điều đó nhằm thúc đẩy TTKDTM tại Việt Nam.

Còn theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, hiện nay, các ngân hàng đang đưa ra rất nhiều loại phí, khiến khách hàng ngần ngại khi lập tài khoản ngân hàng, như: phí phát hành thẻ, phí sao kê, phí chuyển tiền quá cao so với các thanh toán nhỏ lẻ... Do đó, để có thể thúc đẩy TTKDTM, có thể xem xét giảm, điều chỉnh các loại phí một cách hợp lý. Ngân hàng cũng có thể bù trừ các loại phí đó bằng cách tăng phí bảo lãnh.

Ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho rằng, nếu nói ngân hàng tại Việt Nam thu nhiều phí là cũng hơi “oan”. Các ngân hàng quốc tế thực hiện các khoản thu khiến người dùng hài lòng vì cách thu khác. Nhưng chúng ta thấy các ngân hàng trong nước thu phí chưa hợp lý là do hoàn cảnh. Do đó, các ngân hàng trong nước cần chia nhỏ các dịch vụ.

Cũng phải thẳng thắn rằng, nhiều ngân hàng đã đưa ra các gói giao dịch với phí 0 đồng. Thay vào đó, ngân hàng sẽ có số dư của các tài khoản nhiều hơn, trên cơ sở đó ngân hàng có thể khai thác nguồn vốn nhàn rỗi đó. Về dài hạn, phí thanh toán sẽ giảm đi, mà thay vào đó là các dịch vụ bảo hiểm…

Cho ý kiến thêm về phí dịch vụ, Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Trưởng ban Phát triển thị trường tài chính, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính- Bộ Tài chính cho biết, ngày 7/8 vừa qua, Bộ Tài Chính đã có Công văn 9488/BTC-HCSN hướng dẫn chi trả phí dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó quy định phí dịch vụ không dùng tiền mặt được xem là một loại phí được dùng để hoạch toán.

ng Bạch Đông Nam - Viện Khoa học và Công nghệ, Bộ KHCN

Ông Bạch Đông Nam - Viện Khoa học và Công nghệ, Bộ KHCN

Trong khi đó, ông Bạch Đông Nam - Viện Khoa học và Công nghệ, Bộ KHCN cho ý kiến, báo cáo của NHNN đã cập nhật cho thấy bước phát triển tích cực về TTKDTM, trong đó hình thức được ưa chuộng nhất là giao dịch qua internet và hệ thống thanh toán bù trừ tự động. Đồng thời, hình thức được tín nhiệm là hệ thống thanh toán liên ngân hàng. Có lẽ phải hiểu đây là xu thế. Trong khi đó, số giao dịch thẻ là giao dịch thấp nhất, do đó, cần đánh giá lại.

“Theo thông tin chúng tôi nắm được, ở Việt Nam, người dùng đều sử dụng hệ thống thanh toán chuyên dụng để chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử. Xu thế này không đảo ngược được nên cần nghiên cứu”, ông Nam nhấn mạnh.

Ông Trần Kim Chung – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương

Ông Trần Kim Chung – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương

Ông Trần Kim Chung – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, TTKDTM  là vấn đề quốc tế, vấn đề thời đại. Chúng ta không thể mãi thanh toán tiền mặt. Một số hoạt động như mua sản phẩm, dịch vụ, đóng tiền học khi du học nước ngoài, mua hàng hóa ở nước ngoài,... không thể không dùng thanh toán qua ngân hàng.

Hiện nay Việt Nam đứng trước ba nền tảng phát triển: Công nghiệp hóa; hội nhập; nền kinh tế thị trường.

Trong đánh giá 5 năm tái cơ cấu của Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương đang trình Quốc hội, chúng tôi có nêu một số vấn đề, như cơ cấu lại đầu tư công, cơ cấu lại ngân sách nhà nước, cơ cấu lại thị trường tài chính và cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại.

Theo ông Chung, Diễn đàn hôm nay xoay quanh 5 bình diện: Một là thực trạng hiện tại của hệ thống thanh toán: Mở rộng hình thức, thời gian giao dịch, giá trị giao dịch, đối tượng giao dịch, mở rộng quy mô kinh tế, chất lượng giao dịch được nâng cao.

Hai là về hạn chế, theo ông Chung, hiện nay văn bản pháp lý về TTKDTM chưa đầy đủ, chưa hệ thống, nhận thức bên sử dụng, đặc biệt là người dân chưa đầy đủ, vẫn mang "tiện tiến ngoại suy, mở rộng cái ngày xưa".

Ba là hạn chế hạ tầng kỹ thuật.

Bốn là lưu lượng quy mô chưa đạt tầm mong muốn.

Năm là tính an toàn, liên tục, liên thông chưa đảm bảo yêu cầu.

Nói về nguyên nhân, ông Chung cũng đưa ra 5 nguyên nhân: Tâm lý sử dụng tiền mặt vẫn còn; hệ thống thể chế đang chuyển đổi; hạ tầng đang cập nhật nâng cấp; kinh tế phát triển vượt tầm của hệ thống ngân hàng có thể tự đổi mới; nguy cơ tiềm ẩn đe dọa.

Từ thực trạng trên, ông Chung kiến nghị, cần nâng cấp hệ thống hạ tầng, bao gồm cả hệ thống cứng và hệ thống mềm; nâng cao năng lực hệ thống bảo mật; lệ phí phải đủ hấp dẫn người dùng; đồng bộ thường xuyên, liên tục các giao dịch và hoạt động của hệ thống ngân hàng qua internet banking; đảm bảo niềm tin cho khách hàng rằng dùng dịch vụ ngân hàng tốt hơn là không dùng dịch vụ ngân hàng.

Đồng thời ông Chung cho rằng cần nâng cao niềm tin người dùng; người dân và ngân hàng cần chung tay và ứng xử tốt nhất có thể.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Thực hiện Quyết định số 2545/QĐ-TTg - Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong doanh nghiệp tại chuyên mục DIỄN ĐÀN TÀI CHÍNH của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714514908 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714514908 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10