Trung Quốc đã chính thức lập ra một quỹ trị giá 29 tỷ USD do nhà nước hậu thuẫn để đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn, thúc đẩy mục tiêu giảm sự phụ thuộc vào công nghệ của Mỹ.
Hiện Trung Quốc là nhà nhập khẩu chip lớn nhất thế giới. Với quyết định tạo ra một quỹ trị giá 204 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 28,9 tỷ USD) do nhà nước hậu thuẫn để đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn, Bắc Kinh hy vọng sẽ thúc đẩy các nỗ lực tạo ra chuỗi cung ứng bán dẫn của riêng mình từ thiết kế chip đến sản xuất.
Quỹ sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc chỉ đạo chiến lược và đầu tư tổng thể trong lĩnh vực mạch tích hợp, bao gồm bộ xử lý và chip lưu trữ được sử dụng trong điện thoại thông minh và trung tâm dữ liệu.
Vốn đăng ký của quỹ chủ yếu đến từ các tổ chức nhà nước, theo thông tin đăng ký công ty, được đăng tải trên mạng vào ngày 22/10.
Bộ Tài chính Trung Quốc sẽ bơm 22,5 tỷ Nhân dân tệ trong khi một nhánh của Ngân hàng Phát triển Trung Quốc sẽ đổ về 22 tỷ Nhân dân tệ. Nó cũng thu hút đầu tư từ chính quyền địa phương và các doanh nghiệp nhà nước.
Trung Quốc đã tạo ra quỹ mạch tích hợp do nhà nước lãnh đạo đầu tiên vào năm 2014 để hỗ trợ cho các sáng kiến sản xuất chip lớn, bao gồm nhà máy chip nhớ trị giá hàng tỷ USD Tsinghua Unigroup, tại thành phố trung tâm Vũ Hán.
Đặt trong bối cảnh hiện nay, lượng chất bán dẫn sản xuất tại Trung Quốc hiện chỉ đáp ứng 16% nhu cầu trong nước, theo công bố của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) hồi tháng 2/2019. Đáng nói là doanh nghiệp nội địa Trung Quốc chỉ sản xuất được một nửa lượng chất bán dẫn trên. Năm ngoái, Trung Quốc đã nhập khẩu số chip trị giá 312 tỷ USD để đáp ứng nhu cầu quốc nội, vượt quá số tiền chi cho dầu mỏ.
Có thể bạn quan tâm
08:36, 25/06/2019
06:35, 07/06/2017
Trung Quốc ngày nay đã có thể tự mình đạt được thành quả cao trong sản xuất điện hạt nhân, đưa người lên vũ trụ hay dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực liên quan tới trí tuệ nhân tạo.
Nhưng khi nói đến sản xuất chất bán dẫn, quốc gia này vẫn bị tụt lại phía sau và buộc phải chi tiêu ngày càng nhiều hơn cho việc nhập khẩu chip cho các thiết bị điện tử, PC và cả thiết bị quân sự.
Chính vì vậy Bắc Kinh đang cố gắng giảm sự phụ thuộc của nước này vào việc nhập khẩu chất bán dẫn trị giá khoảng 200 tỷ USD hàng năm. Họ lo ngại sự phụ thuộc như vậy làm suy yếu an ninh quốc gia và cản trở sự phát triển của một ngành công nghệ phát triển mạnh. Quốc gia này dự tính chi hàng trăm tỷ USD để đạt được vị trí nổi bật trong ngành công nghiệp bán dẫn - điều mà các giám đốc công nghệ và quan chức chính phủ Mỹ đã cảnh báo có thể gây tổn hại cho lợi ích của Mỹ.
Trung Quốc vốn dĩ phụ thuộc vào nguồn cung linh kiện và công nghệ lõi từ Mỹ như chip, phần mềm, modem và động cơ phản lực. Thương chiến Mỹ - Trung leo thang càng ảnh hưởng xấu đến hoạt động của doanh nghiệp công nghệ hai bên.
Mới đây nhất, chính quyền Trump bổ sung thêm tên Trung Quốc vào danh sách đen xuất khẩu, cắt đứt dòng chip cho các công ty mục tiêu từ Huawei Technologies Co. đến SenseTime Group Ltd.
Trung Quốc lâu nay muốn đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp chip của riêng mình. Theo đó, vào hồi tháng 3/2018, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã tuyên bố ngành công nghiệp chất bán dẫn đứng đầu trong 10 ngành công nghiệp mà Bắc Kinh muốn tập trung phát triển trong chiến lược "Made in China 2025" (sản xuất tại Trung Quốc năm 2025).
Ban lãnh đạo Trung Quốc đặt mục tiêu ngành công nghiệp bán dẫn phải đạt 305 tỉ USD về đầu ra vào năm 2030 và đáp ứng 80% nhu cầu nội địa. Trong khi năm 2016, các con số này lần lượt chỉ 65 tỉ USD và 33%.
"Đổi mới công nghệ là gốc rễ sự sống đối với các doanh nghiệp", Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói trong chuyến thăm tỉnh Giang Tây hồi tháng 5/2019, theo hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã. "Chỉ khi chúng ta sở hữu tài sản trí tuệ và công nghệ cốt lõi của riêng mình, thì chúng ta mới có thể sản xuất các sản phẩm có khả năng cạnh tranh cốt lõi và sẽ không bị đánh bại trong bối cảnh tăng cường cạnh tranh" - Ông Tập nhấn mạnh.
Hy vọng rằng, với quỹ đầu tư lên đến 29 tỷ USD trên, Trung Quốc sẽ tránh đi vào vết xe đổ trong quá khứ với Dự án 908, khi đó chính phủ Trung Quốc đã chi 2 tỷ nhân dân tệ (khoảng 280 triệu USD ngày nay) - để xây dựng một nhà máy chế tạo chip thuộc Tập đoàn Huajing. Dự án 908 đầy tham vọng sau đó được coi là một thất bại do sai lầm trong chiến lược phát triển.