Kinh tế thế giới

Trung Quốc đang trở lại bản đồ đầu tư toàn cầu?

Nam Trần 15/05/2025 03:28

Sau thời gian dài bị giới đầu tư toàn cầu né tránh, thị trường Trung Quốc đang được chú ý trở lại sau khi đạt thỏa thuận thương mại tạm thời với Mỹ.

Giám đốc cấp cao từ Morgan Stanley và UBS đã chia sẻ quan điểm tích cực về triển vọng phục hồi của Trung Quốc trong bối cảnh địa chính trị dần lắng dịu.

Tại Hồng Kông vào ngày 13/5, bà Christina Au-Yeung, Giám đốc dịch vụ quản lý đầu tư của Morgan Stanley Private Wealth Management châu Á, và bà Amy Lo, đồng Giám đốc khối quản lý tài sản của UBS tại châu Á, đồng tình rằng nhà đầu tư đang bắt đầu “tái định vị” danh mục đầu tư, quan tâm trở lại đối với thị trường Trung Quốc.

Thị trường Trung Quốc hút vốn trở lại

Morgan Stanley báo cáo rằng các quỹ phòng hộ, đặc biệt từ Mỹ, đã tăng cường đầu tư vào cổ phiếu Trung Quốc do lạc quan về triển vọng đạt được thỏa thuận thương mại giữa hai nước. Chỉ số MSCI China và CSI 300 đã tăng lần lượt 2,4% và 1,9% sau thông tin này.

Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông – vốn có nhiều cổ phiếu Trung Quốc – là một trong những chỉ số tăng mạnh nhất toàn cầu trong năm 2025. Chỉ số Nasdaq 100 của Mỹ cũng gần bước vào vùng thị trường tăng giá).

Bà Au-Yeung đánh giá: “Thỏa thuận này mở ra nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn ở cả hai quốc gia”.

Trong 90 ngày tới, Mỹ đồng ý giảm thuế nhập khẩu từ 145% xuống còn 30% đối với phần lớn hàng hóa Trung Quốc, trong khi Trung Quốc cũng giảm mạnh các loại thuế trả đũa từ 125% xuống còn 10%.

Trong tháng 5, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đã mua ròng khoảng 6,22 tỷ USD cổ phiếu tại các thị trường châu Á, với phần lớn dòng vốn đổ vào Đài Loan (4,43 tỷ USD) và Ấn Độ (1,68 tỷ USD).

Các chính sách hỗ trợ từ Bắc Kinh cũng góp phần khuyến khích dòng vốn đầu tư trở lại. Các thị trường chứng khoán của Trung Quốc được hưởng lợi sau khi chính phủ yêu cầu các công ty bảo hiểm Nhà nước đầu tư ít nhất 30% doanh thu phí bảo hiểm mới vào cổ phiếu trong nước. Điều này dự kiến sẽ bơm khoảng 500 tỷ nhân dân tệ (khoảng 68 tỷ USD) vào thị trường trong năm 2025.

Ngoài ra, các quỹ hưu trí và quỹ tương hỗ cũng được yêu cầu tăng tỷ lệ đầu tư vào cổ phiếu nội địa, nhằm ổn định thị trường và khuyến khích tiêu dùng.

Theo bà Amy Lo từ UBS, khách hàng giàu có của ngân hàng đang dần rút khỏi tài sản gắn với đồng USD và chuyển hướng sang các kênh như vàng, tiền điện tử và thị trường Trung Quốc.

Sự chuyển dịch này cũng phản ánh nhu cầu đa dạng hóa danh mục đầu tư, khi mà trong nhiều năm qua, phần lớn tài sản của các nhà đầu tư siêu giàu vẫn tập trung ở Mỹ. Giờ đây, với rủi ro thương mại, địa chính trị và biến động thị trường tăng cao, họ đang chú trọng hơn đến quản trị rủi ro và phân bổ tài sản chiến lược.

Ngoài yếu tố thương mại, bà Au-Yeung nhấn mạnh rằng Trung Quốc không chỉ còn là nơi sản xuất hàng giá rẻ mà đang nổi lên như một trung tâm đổi mới toàn cầu. Những chủ đề đầu tư như trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo và công nghệ sinh học tại Trung Quốc đang dần thu hút sự quan tâm của giới đầu tư toàn cầu. Sự xuất hiện của các công ty như DeepSeek với các mô hình AI tiên tiến đã góp phần thúc đẩy niềm tin vào triển vọng tăng trưởng của các công ty công nghệ Trung Quốc.

Chiến lược quản lý tài sản cẩn trọng hơn

Morgan Stanley hiện khuyến nghị giới đầu tư siêu giàu phân bổ tài sản theo tỷ lệ 40% trái phiếu, 40% cổ phiếu, 15% tài sản thay thế (ví dụ: bất động sản, đầu tư tư nhân), và phần còn lại là tiền mặt hoặc tài sản tương đương. Mục tiêu lợi suất kỳ vọng hàng năm là 7-8% trong giai đoạn 7-10 năm tới. Tuy nhiên, bà Au-Yeung thừa nhận rằng việc đạt được mục tiêu này giờ đây “khó khăn hơn nhiều” so với giai đoạn hậu khủng hoảng tài chính 2008.

Điều đáng chú ý là khách hàng hiện không còn chú trọng nhiều đến việc “vượt trội thị trường” mà chuyển sang cách tiếp cận cẩn trọng, lập ngân sách rủi ro rõ ràng và phân tích kỹ từng thành phần trong danh mục.

Bà Au-Yeung cũng cảnh báo rằng khung thời gian 90 ngày của thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung là ngắn và khó có thể dẫn đến một hiệp định toàn diện. Nhưng sự “chắc chắn” tăng lên đang cải thiện triển vọng cho các cổ phiếu tăng trưởng tại Mỹ và Trung Quốc.

Dù còn nhiều bất ổn phía trước, những tín hiệu tích cực từ quan hệ thương mại Mỹ - Trung đang thúc đẩy sự thay đổi trong chiến lược đầu tư toàn cầu. Việc Trung Quốc lấy lại sức hút trong mắt giới đầu tư giàu có – những người vốn rất nhạy cảm với rủi ro – là một chỉ dấu quan trọng về niềm tin đang dần quay lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Trung Quốc đang trở lại bản đồ đầu tư toàn cầu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO