Trung Quốc đang đạt được những tiến bộ công nghệ trong lĩnh vực sản xuất máy bay không người lái.
>> Phương Tây sẽ "ra tay" với pin xe điện Trung Quốc?
SCMP trích dẫn nguồn tin từ một nhà khoa học Trung Quốc giấu tên cho biết, một thế hệ máy bay không người lái tốc độ cao, hoạt động lâu dài, chạy bằng động cơ phản lực giá rẻ đã được đưa vào hoạt động quân sự của quốc gia này.
Điều khiến máy bay không người lái mới của Trung Quốc khác biệt so với các mẫu khác là chi phí năng lượng thấp. Động cơ phản lực cho máy bay không người lái quân sự rất đắt tiền. Ví dụ, Northrop Grumman RQ-4 Global Hawk được trang bị động cơ phản lực cánh quạt AE3007 của Rolls-Royce có giá gần 4 triệu USD. Thêm vào đó, giá dịch vụ và sửa chữa thường xuyên cho loại động động cơ này và những chi phí hậu cần thậm chí còn cao hơn.
Trong bài thuyết trình về dự án nghiên cứu do Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc công bố vào ngày 19/10, nhà vật lý nhiệt kỹ thuật Zhu Junqiang cho biết, với những bước đột phá công nghệ trong những năm gần đây, quân đội Trung Quốc giờ đây có thể có sản xuất được động cơ phản lực không người lái có hiệu suất vượt trội với mức giá chưa bằng 1/5 giá quốc tế.
Trung Quốc là nước đi sau trong công nghệ động cơ phản lực. Phải đến gần đây, máy bay chiến đấu tàng hình J20 của họ mới có được lắp động cơ sản xuất trong nước. Để vận hành tiết kiệm và an toàn, máy bay chở khách thương mại C919 của Trung Quốc vẫn đang bay bằng cặp động cơ CFM International LEAP.
Nhưng với công nghệ không người lái, các nhà nghiên cứu Trung Quốc có nhiều quyền tự do hơn để thực hành các thử nghiệm. Ông Zhu cho biết thêm: “Chúng tôi đã chế tạo động cơ phản lực cánh quạt nhỏ gọn đầu tiên trên thế giới có một trục duy nhất".
Tuy nhiên, giá của động cơ được sử dụng trong các thiết bị không người lái không phải là điều duy nhất mà quân đội nước này quan tâm. Hiệu suất tổng thể và khả năng dễ bảo trì cũng được tính đến – và quân đội Trung Quốc thường không thích những thiết bị sử dụng thiết kế hoàn toàn khác với các mẫu trước đó.
Mặc dù vậy, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã nhanh chóng chấp nhận động cơ mới, chủ yếu là vì các thiết bị này sở hữu nhiều tính năng hữu ích như tiêu thụ nhiên liệu ít hơn gần 1/3 so với động cơ hai trục và chi phí bảo trì của nó rẻ hơn đáng kể. Do đó, tổng chi phí mua và vận hành động cơ máy bay không người lái đã giảm khoảng 80%.
Trung Quốc đã tập trung phát triển các mẫu máy bay không người lái trong những năm gần đầy, và nhiều mẫu dùng cho mục đích quân sự. Giới quan sát đánh giá, những khách hàng hoạt động trong lĩnh vực quân sự thường sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho máy bay không người lái so với người dùng dân sự.
>> Vì sao Trung Quốc hạn chế xuất khẩu máy bay không người lái?
Máy bay không người lái quân sự tốc độ cao chạy bằng động cơ phản lực thường được phân loại là những thiết bị có giá trị cao. Nhưng số lượng máy bay không người lái trong kho tương đối nhỏ. Ngay cả Mỹ, quốc gia có ngân sách quân sự lớn hơn tất cả các quốc gia khác cộng lại, cũng chỉ có đủ khả năng mua 42 chiếc Global Hawk, trị giá 130 triệu USD mỗi chiếc.
Ông Sameer Joshi, nhà sáng lập NewSpace Research & Technologies, một trong những công ty cung cấp drone cỡ nhỏ chỉ ra, Trung Quốc đã nắm bắt cơ hội trong lĩnh vực này. Việc có khả năng triển khai nhiều máy bay không người lái hơn với hiệu suất tốt hơn và chi phí thấp hơn nhiều đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ có nhiều ưu thế hơn trên thị trường thiết bị không người lái.
Ông cũng nói thêm rằng, những tiến bộ của Bắc Kinh đang cho thấy việc mở rộng trọng tâm công nghệ quân sự sang những thiết bị có thể được sử dụng trong các tình huống chiến đấu khác nhau, như sử dụng trí tuệ nhân tạo, ô tô và máy bay tự lái...
Mặc dù vậy, sự phát triển các công nghệ quân sự tiên tiến của Bắc Kinh không chỉ bị cản trở bởi các vấn đề kỹ thuật mà còn cả địa chính trị. Cụ thể, việc nghiên cứu và phát triển công nghệ tiên tiến ở Mỹ còn phụ thuộc vào mạng lưới các quốc gia đáng tin cậy.
Ví dụ, sản xuất chip tiên tiến phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu trải dài từ Đài Loan đến Hàn Quốc, Mỹ và Hà Lan. Nhưng Trung Quốc đang gặp rào cản trong việc tận dụng mạng lưới toàn cầu do các biện pháp hạn chế trong lĩnh vực công nghệ do Mỹ và các nước đồng minh đưa ra.
Tuy nhiên, theo ông Sam Bresnick, nhà nghiên cứu tại Trung tâm An ninh và Công nghệ mới nổi của Đại học Georgetown: “Ngay bây giờ, tôi thấy sự cạnh tranh của Trung Quốc khi họ dành rất nhiều sự chú ý và nguồn lực vào việc phát triển năng lực quân sự dựa trên AI và công nghệ mới nổi. Rất khó để đo lường những gì Trung Quốc đang thực sự làm. Và điều này có thể mang đến những đột phá bất ngờ".
Có thể bạn quan tâm
Vì sao Trung Quốc hạn chế xuất khẩu máy bay không người lái?
14:37, 02/08/2023
UFO bị nghi là máy bay không người lái của Nga, Trung Quốc
16:12, 31/05/2021
Amazon được cấp phép giao hàng bằng máy bay không người lái
13:19, 02/09/2020
Startup máy bay không người lái hưởng lợi trong COVID-19
08:25, 21/07/2020
Agras Việt Nam: Sẵn sàng tài trợ máy bay không người lái phun thuốc khử trùng chống dịch
20:55, 01/02/2020