Trung Quốc đã liên tục chứng kiến số lượng gia tăng các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài rút lui khỏi thị trường trong bối cảnh Bắc Kinh đang chất chồng những bất ổn về kinh tế và tài chính.
>>Nhân dân tệ vẫn chìm trong áp lực
Kinh tế toàn cầu vẫn tiếp tục đối mặt với những thách thức như: Nguy cơ đại dịch Covid-19 xuất hiện biến chủng mới, giá năng lượng neo cao, thiếu hụt lao động, khủng hoảng năng lượng tại châu Âu và tắc nghẽn chuỗi cung ứng. Ngoài ra, các rủi ro vĩ mô có xu hướng tăng như lạm phát tăng cao, các nước tăng lãi suất và thắt chặt tiền tệ. Rủi ro địa kinh tế chính trị gia tăng và đã trở thành sự thật với cuộc chiến Nga - Ukraine… Có thể vì vậy mà các nhà đầu tư toàn cầu bắt đầu muốn đánh giá lại mức độ tiếp xúc của họ với đồng Nhân dân tệ cũng như tài sản Trung Quốc nói chung để đưa ra các điều chỉnh phù hợp.
Đến nay, Cục Quản lý Ngoại hối Trung Quốc (SAFE) vẫn tự tin đánh giá các kết quả hoạt động gần đây, dù đồng USD đã mạnh lên đáng kể, nhưng sự ổn định của đồng Nhân dân tệ so với các đồng tiền chính khác có phần nổi bật hơn khi nền kinh tế trong nước khởi sắc. Thậm chí cơ quan này còn bày tỏ tin tưởng rằng, nhu cầu ở nước ngoài đối với trái phiếu bằng đồng Nhân dân tệ sẽ tiếp tục tăng trong dài hạn.
Trên thực tế, các nhà đầu tư có đồng lạc quan với sự tự tin của SAFE hay không lại là một vấn đề khác, trong bối cảnh Bắc Kinh đang chất chồng những bất ổn về kinh tế và tài chính.
Đáng chú ý, quốc gia này vẫn đang tuân thủ chính sách zero-Covid không khoan nhượng, đi kèm với chi phí kinh tế lớn và mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5,5% cho năm 2022 ngày càng trở nên khó khăn. Rõ nhất là trong quý 2/2022, nền kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 0,4%, thấp hơn kỳ vọng của các nhà phân tích là 1,1%.
Tại một cuộc đối thoại trực tuyến do Diễn đàn Kinh tế Thế giới tổ chức vào ngày 19/7, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để đạt được kết quả tốt trong năm nay, nhưng không sử dụng các biện pháp kích thích siêu lớn, hoặc in tiền quá mức để thực hiện mục tiêu tăng trưởng cao. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến tương lai".
Như vậy để thấy, theo quan điểm của vị Thủ tướng là sẽ không bất chấp mọi giá để đạt mục tiêu tăng trưởng 5,5%. Điều đó cũng dấy lên hoài nghi về việc bỏ lỡ mục tiêu liệu có phá vỡ thỏa thuận đối với các nhà đầu tư, mà xét về tổng thể có thể ảnh hưởng xấu đến “cảm tình” đối với tài sản của Trung Quốc.
>>Trung Quốc "cảnh giác" khi các Ngân hàng Trung ương lớn tăng lãi suất
Ngoài ra, sự việc nổi lên gần đây liên quan đến các bê bối tại ngân hàng ở Hà Nam, khi nhiều người dân địa phương không thể rút các khoản tiết kiệm của mình, cũng có thể gây tổn hại đến niềm tin của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế nói chung.
Đặc biệt, ngành bất động sản - vốn là một trụ cột của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới đang chìm trong khủng hoảng và trở thành rào cản lớn đối với tăng trưởng trong vòng một năm trở lại đây. Trong tháng 7, nhiều người mua nhà ở nhiều địa phương đồng loạt dừng việc thanh toán các khoản vay mua nhà, đặt ra thách thức mới đối với các nhà chức trách.
Do đó, theo tiết lộ của một quan chức Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) với hãng tin Reuters, Trung Quốc sẽ mở một quỹ bất động sản quốc gia, nhằm giúp các công ty phát triển địa ốc của nước này vượt qua cuộc khủng hoảng nợ hiện nay. Quỹ sẽ có quy mô lên tới 300 tỷ Nhân dân tệ (44 tỷ USD). Đây sẽ là động thái lớn đầu tiên của Bắc Kinh nhằm “giải cứu” thị trường bất động sản đang chao đảo dưới gánh nặng nợ nần của các doanh nghiệp.
Giới đầu tư toàn cầu dường như đang có sự quan tâm đặc biệt tới diễn biến thị trường bất động sản Trung Quốc, vì ngành này cùng với các ngành liên quan như xây dựng, vật liệu xây dựng chiếm hơn 1/4 GDP của quốc gia. Các vấn đề như khủng hoảng nợ của các chủ đầu tư, thắt chặt tín dụng, cho tới làn sóng dừng trả nợ ngân hàng từ người mua nhà đã bào mòn niềm tin và buộc nhà chức trách phải vào cuộc để ngăn vấn đề lan rộng ra toàn nền kinh tế.
Chen Gong, Nhà sáng lập tổ chức nghiên cứu Ambound cho biết, câu hỏi đặt ra cho sự phục hồi kinh tế Trung Quốc là động lực cốt lõi cho tăng trưởng kinh tế là gì và điều gì tạo ra thị trường? Theo quan điểm của ông, đó đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, Trung Quốc đã liên tục chứng kiến số lượng các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài rút lui khỏi thị trường ngày càng tăng.
Trong khi đó, tại đánh giá hàng quý về nền kinh tế mới đây nhất, Trung Quốc vẫn tiếp tục nhấn mạnh, họ muốn đạt được sự cân bằng giữa kiểm soát Covid, tăng trưởng kinh tế và phát triển - một thông điệp không thay đổi so với tháng 4 mặc dù tăng trưởng thấp trong quý thứ hai.
Có thể bạn quan tâm
04:50, 11/06/2022
05:00, 27/05/2022
04:53, 08/05/2022