Vận tải biển Việt Nam ngậm ngùi nhường thị phần

LA QUANG TRÍ - Giám đốc ShipOffer Corp (Vũ Tâm ghi) 14/10/2018 06:30

Việt Nam có nhiều loại hàng hóa xuất nhập khẩu tương đối lớn về số lượng nhưng lại nằm ngoài khả năng chuyên chở của doanh nghiệp vận tải biển trong nước.

Đơn cử, các mặt hàng của Việt Nam thường xuyên xuất đi Trung Quốc như gạo, trước đây được chuyên chở bằng tàu 3.000DWT theo đường tiểu ngạch thì giờ lợi thế này không còn nữa. Lý do các doanh nghiệp Trung Quốc mua gạo chính ngạch và yêu cầu tàu lớn hơn, các đội tàu Việt Nam không cạnh tranh lại đội tàu của chính họ thuê, nên mất thị phần.

Gỗ dăm xuất khẩu trước đây thường chở bằng các loại tàu nhỏ của Việt Nam thì vài năm gần đây người mua hàng Trung Quốc đã đầu tư đội tàu chuyên dụng hoặc thuê các tàu của Nhật Bản vận chuyển, đẩy đội tàu Việt Nam ra khỏi danh sách cạnh tranh.

Sắn lát vẫn xuất khá nhiều sang Trung Quốc nhưng cũng về tay các tàu Trung Quốc. Họ chở sắt thép, thiết bị từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc qua Việt Nam rồi lấy sắn lát về để bù cước nên có giá khá rẻ, tàu Việt Nam lại ít có tuyến hàng ngược lại, đành ngậm ngùi nhường thị phần cho họ.

Tại thị trường Trung Quốc, các tàu treo cờ Việt Nam luôn được "chăm sóc đặc biệt". Họ kiểm tra PSC (Port State Control - Kiểm soát của chính quyền cảng) rất gắt gao và từ đầu năm đến nay, hàng chục tàu bị bắt giữ, đưa đội tàu Việt Nam đến nguy cơ trở lại danh sách đen của Tokyo-MOU (Thỏa thuận kiểm tra nhà nước cảng biển khu vực Châu Á - Thái Bình Dương).

Giá cước cạnh tranh khó khăn, thủ tục hành chính phía bạn gắt gao làm cho đội tàu Việt Nam không thể cạnh tranh là điều dễ hiểu.

Theo thống kê những năm gần đây, đội tàu trong nước chỉ đảm nhận vận tải khoảng 7 - 8% lượng hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam. Trong điều kiện số lượng tàu giảm như hiện tại (chỉ còn khoảng 400 tàu) thì để phát triển được ngành vận tải biển có vẻ là “nhiệm vụ bất khả thi", nếu như không có chính sách hỗ trợ đòn bẩy của nhà nước.

Theo đó, cần phát triển đội tàu lớn, hiện đại, có chất lượng ngày càng cao theo hướng chuyên môn hóa. Đồng thời, phải đầu tư có trọng điểm để xây dựng đội tàu nòng cốt có khả năng đáp ứng được những yêu cầu ngày càng khắt khe của vận tải biển trong nước cũng như quốc tế.

Ngoài ra, cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp vận tải biển trong nước với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa. Việc liên kết giữa các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước với các doanh nghiệp vận tải biển sẽ góp phần giải quyết những khó khăn cho ngành vận tải biển, đồng thời góp phần không nhỏ đến sự gia tăng GDP của quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vận tải biển Việt Nam ngậm ngùi nhường thị phần
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO