Trước đề xuất tăng phí 4 tuyến cao tốc của VEC, giới chuyên gia cho rằng, cần phải tính toán lộ trình tăng phí thật kỹ và phù hợp, bởi tăng phí vào thời điểm này sẽ làm khó người dân, doanh nghiệp…
>>VEC - "đứa con hư" của Bộ Giao thông vận tải?
Tăng để lấy tiền … trả nợ
Theo đó, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa có văn bản kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chấp thuận chủ trương điều chỉnh mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ các tuyến cao tốc do đơn vị quản lý khai thác.
Đưa ra sự cần thiết phải điều chỉnh giá sử dụng đường bộ cao tốc, Tổng Giám đốc VEC cho biết, theo kế hoạch trả nợ các dự án từ năm 2024, chi phí trả nợ của VEC sẽ tăng liên tục, ngoài ra các dự án sau thời gian đưa vào khai thác đã đến thời hạn phải sửa chữa trung tu, đại tu. Sau khi cập nhật các thông số, VEC đã tính toán lại phương án tài chính, xây dựng 3 kịch bản tăng phí.
Kịch bản 1: VEC tăng giá dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc từ năm 2024 với lộ trình tăng phí 3 năm/lần, mỗi lần 12%. Tổng doanh thu thu phí 5 dự án giai đoạn 2024-2030 (bao gồm VAT) đạt 50.798 tỷ đồng. Lũy kế dòng tiền hòa chung 5 dự án luôn dương, VEC đảm bảo khả năng trả nợ, có đủ nguồn lực đầu tư đưa Dự án đường Cao tốc Bến Lức-Long Thành vào khai thác đúng tiến độ.
Kịch bản 2: VEC tăng giá dịch vụ sử dụng đường cao tốc từ năm 2025 với lộ trình tăng phí 3 năm/lần với tỷ lệ tăng là 12%. Khi đó, tổng doanh thu thu phí 5 dự án giai đoạn 2024-2030 đạt 48.428 tỷ đồng (bao gồm VAT), giảm 2.371 tỷ đồng so với kịch bản 1. Lũy kế dòng tiền hòa chung 5 dự án thiếu hụt giai đoạn 2026-2034, với mức thiếu hụt lớn nhất 1.261 tỷ đồng vào năm 2033, phương án tài chính bị phá vỡ.
Kịch bản 3: VEC tăng giá dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc từ năm 2027 với lộ trình tăng phí 3 năm/lần với tỷ lệ tăng là 12%. Khi đó, tổng doanh thu thu phí 5 dự án giai đoạn 2024-2030 đạt 46.750 tỷ đồng (bao gồm VAT), giảm 4.048 tỷ đồng so với kịch bản 1, với mức thiếu hụt lớn nhất 2.301 tỷ đồng vào năm 2034, phương án tài chính 5 dự án bị phá vỡ.
Trên cơ sở đó, VEC kiến nghị Bộ GTVT chấp thuận phương án tăng giá dịch vụ sử dụng đường cao tốc các dự án do VEC làm chủ đầu tư với thời gian tăng thực hiện điều chỉnh từ tháng 1/2024.
Đáng chú ý, trước đó, theo số liệu báo cáo của VEC hồi đầu tháng 10 vừa qua cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2023, 4 tuyến cao tốc do VEC quản lý, khai thác đã phục vụ hơn 45,3 triệu lượt xe, tăng 12,41% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình có lưu lượng xe cao nhất với 15,8 triệu lượt (mức tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2022); cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây 15,4 triệu lượt xe (tăng trưởng 9,65%); cao tốc Nội Bài - Lào Cai 12,3 triệu lượt xe (tăng trưởng 21,43%); cao Đà Nẵng - Quảng Ngãi 1,8 triệu lượt xe (tăng trưởng 15,18%).
Cần tính toán kỹ lưỡng
Bình luận về đề xuất tăng phí 4 tuyến cao tốc do VEC quản lý , nhiều ý kiến cho rằng, phương án mà VEC xây dựng tăng phí sử dụng dịch vụ đường bộ vào năm 2024 đối với 4 dự án đường cao tốc do đơn vị này quản lý là chưa phù hợp vì doanh nghiệp vận tải vẫn còn đang gặp nhiều khó khăn sau dịch Covid-19. Người dân cũng đang gặp khó khăn bị mất việc làm, lạm phát tăng cao.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Đỗ Văn Bằng, Phó Chủ tịch hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, doanh nghiệp vận tải chia sẻ với áp lực của việc phải đảm bảo phương án tài chính. Tuy nhiên, việc tăng phí sử dụng dịch vụ đường bộ vào năm 2024 cần xây dựng lộ trình. Theo ông Bằng, trong thời điểm hiện nay, nền kinh tế nói chung và ngành vận tải nói riêng vẫn đang khó khăn, dự báo khó khăn còn kéo dài tới hết năm 2025, vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu và xem xét kỹ việc tăng phí BOT.
“Cần phải nói rõ rằng, lưu lượng xe trên các tuyến đều có mức tăng trưởng nhanh. Nhưng hiện nay nhà đầu tư, quản lý các tuyến cao tốc chỉ công bố số lượng xe, rất ít khi công bố công khai doanh thu. Vậy doanh thu theo ngày, theo tháng và năm của mỗi tuyến cao tốc này là bao nhiêu, từ ngày đưa vào khai thác đến nay, mỗi tuyến thu được bao nhiêu tiền và con số phải thu còn lại bao nhiêu. Từ đó mới có thể xây dựng lộ trình tăng phí trên 4 tuyến cao tốc một cách phù hợp”, ông Bằng chia sẻ.
Đồng quan điểm, chuyên gia giao thông, TS Phan Lê Bình cũng cho rằng, việc tăng phí cần căn cứ trên thực tế khai thác của từng dự án, không thể tăng theo mức chung và “gom các dự án lại” để cùng tăng ở một thời điểm.
Theo TS Bình, trước khi tăng phí, ngoài việc cần thiết phải xem phương án tài chính, thì điều quan trọng tính đến các yếu tố diễn ra trong thực tế. Đó là lưu lượng xe đang khai thác trên tuyến có đảm bảo, nếu lượng xe tăng trưởng tốt, vượt phương án tính toán thì nhà đầu tư cần đưa ra cơ sở pháp lý để tăng hay giảm phí. Trường hợp lưu lượng xe tăng quá lớn, vượt dự toán ban đầu thì thay vì tăng phí, nhà đầu tư còn phải tính tới cả phương án giảm phí mới thỏa đáng và phù hợp thực tế. Cùng với đó, để tăng phí cũng cần tính đến thực tế xã hội, sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp.
Cũng theo vị chuyên gia này, người dân và doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp vận tải vừa trải qua thời gian dài bị ảnh hưởng dịch bệnh, kinh tế khó khăn, giá xăng dầu tăng cao… liệu doanh nghiệp đề xuất tăng phí sử dụng đường BOT đã phù hợp hay chưa? “Đây là nội dung rất quan trọng, nhà đầu tư và cơ quan chức năng cần phải tính toán, rà soát, đưa ra cơ sở tăng thuyết phục, kiểm tra kỹ để tránh sốc cho người dân, doanh nghiệp”, TS Phan Lê Bình nói.
>>Cao tốc nghìn tỷ hư hỏng: Cựu Phó tổng giám đốc VEC không nhận trách nhiệm
Không đồng tình trước đề xuất tăng phí từ VEC, chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy thẳng thắn cho rằng, cần giảm chứ không phải tăng. Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, việc làm này cần phải được nghiên cứu và tính toán cẩn trọng về tỉ lệ và mức thu sao cho hợp lý.
Mặt khác, nguyên tắc là càng kéo dài thời gian thì càng phải giảm phí thu xuống chứ không phải tăng phí. TS Thủy cho rằng, hiện đang có sự làm ngược. Nghĩa là sau 5 năm lại cho tăng phí lên. Trong khi 5 năm thì đường xấu đi, khấu hao giảm trong khi số lượng xe tăng lên qua mỗi năm từ 15 - 20%. Do đó cần giảm phí xuống.
“Tôi nghĩ trong bất kỳ vấn đề gì, ban hành chính sách mới thì đầu tiên cần nghĩ đến làm sao nâng cao đời sống người dân. Nên lưu ý rằng chúng ta làm đường là để phục vụ nhân dân, nâng cao đời sống cho nhân dân. Nếu chúng ta làm đường mà “móc túi tiền” của dân nhiều hơn thì việc đó không đem lại nhiều ý nghĩa nữa”, vị chuyên gia thẳng thắn nói.
Có thể bạn quan tâm
Cao tốc nghìn tỷ hư hỏng: Cựu Phó tổng giám đốc VEC không nhận trách nhiệm
17:04, 04/03/2021
Hai cựu phó tổng giám đốc VEC lần lượt bị phạt 6-7 năm tù
01:25, 07/12/2021
Cựu chủ tịch, tổng giám đốc VEC bị bắt
23:29, 15/03/2022
Hồi chuông báo động từ vụ việc của VEC
11:10, 16/05/2020
Sai phạm của lãnh đạo Tổng Công ty VEC đến mức phải kỷ luật
15:00, 03/05/2020
“Bê bối” cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi: Bộ GTVT ra “tối hậu thư” với VEC
00:58, 25/03/2020